Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

TỪ SỢ HÃI TỚI ĐỘC ĐOÁN


Thế giới, đã bước qua ngưỡng cửa của ngày 21 tháng 12 năm 2012 mà một số người tin là ngày khánh mạt, đang dần khép lại với năm 2012 đầy biến động và bất ổn xã hội, kinh tế, chính trị. Những cuộc chiến đẫm máu (dù có tiếng súng hay không) mang màu sắc chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo… không thiếu trong năm qua trên toàn thế giới và chưa chấm dứt.

Mặt khác, những dự báo tương lai cũng không mấy sáng sủa. Các chuyên gia kinh tế dự đoán khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn kéo dài trong ba năm tới (ít nhất là trong vùng đồng tiền chung châu Âu)!

Thực tại thế giới và những dự báo tương lai u ám làm nhiều người hoang mang. Người ta cảm thấy hơn bao giờ hết cuộc sống con người và thế giới mong manh. Cảm giác về thế giới mong manh này làm cho con người bất an và sợ hãi. Dĩ nhiên, sự sợ hãi là lẽ tự nhiên khi con người cảm thấy thiếu an toàn nơi cuộc sống. Thậm chí người ta còn nói sự sợ hãi gắn liền với cuộc sống hiện sinh. Đây là điều chúng ta dễ cảm nhận và nhận thấy cách thông thường về sự sợ hãi.

Tuy nhiên, còn có khía cạnh khác không hoàn toàn tự nhiên của sự sợ hãi : sợ hãi dẫn tới độc đoán, độc tài và biến con người sợ hãi thành ngẫu tượng – chính xác hơn là tự nó xây dựng ngẫu tượng theo sự tưởng tượng hay ảo tưởng (nói theo ngôn ngữ tâm lý học). Những gì xảy ra trong các chế độc tài chính trị khác nhau cho chúng ta thấy hay cho phép chúng ta lý giải khía cạnh của sự sợ hãi này.

Điều trái ngược là sự sợ hãi làm cho người ta trở nên độc tài : càng sợ người ta càng trở nên độc tài ! Chính vì sợ mà người ta gia cố “thành lũy” cho tới mức độc đoán, độc tài. Nhiều lúc sự bảo vệ này được thực hiện bằng mọi giá, mà cái giá phải trả là thế giới xung quanh nó phải chịu hậu quả - trở thành những nạn nhân vô tội bị kết án. Con người sợ hãi càng ở vị trí cao, thì việc huy động phương tiện bảo vệ càng lớn và hậu quả càng nghiêm trọng. Nó là dây mắt xích liên hệ với nhau theo phản ứng tâm lý sợ hãi.

Việc xây dựng ngẫu tượng cũng xuất phát sự sợ hãi này. Chính cái sợ bị mất tầm ảnh hưởng, yếu tố duy nhất, hình ảnh quy chiếu – thường do ảo tưởng, người ta tự xây dựng cho mình ngẫu tượng hay tự biến mình thành ngẫu tượng cách bệnh hoạn. Điều mà chúng ta thấy là nhiều lúc tác giả của ngẫu tượng trở nên bạo lực không thể lý giải vì cảm giác không được tôn thờ.

Đi ra sự sợ hãi là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đối thoại và tất cả mối tương quan con người. Không thể có bất cứ cuộc đối thoại, và mối tương quan con người đích thực nào trong sự chân thành, sự thật – hướng con người tới thế giới tốt đẹp, nếu như người ta không có khả năng bước ra khỏi sự sợ hãi. Thật là ảo tưởng để xây dựng “thiên đường trần thế” trong thế giới mà con người bị thống trị bởi bóng ma của sự sợ hãi. Trong thế giới này chỉ có “địa ngục trần gian” !

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ


Thế giới sắp đón mừng ngày lễ Giáng Sinh. Ngày này không chỉ còn mang tính tôn giáo thuần túy, nhưng thấm đậm nét văn hóa thời đại. Không biết từ bao giờ lễ Giáng Sinh trở thành lễ hội đối với nhiều người ?

Đối với người Ki-tô hữu, lễ Giáng Sinh không phải là sự kiện hy hữu (vô tình) mang nhiều cảm xúc. Đó là biến cố quyết định và độc đáo : Thiên Chúa bước vào đời sống nhân loại trong thế giới này, như lời của thánh sử Gio-an : “Ngôi Lời [Thiên Chúa] hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” (x. Ga1). Biến cố Nhập thể là sự tiếp nối chương trình tạo dựng của Ngài : kể từ đây, giữa Thiên Chúa và tạo dựng (công trình thực hiện của Ngài) không còn là hai thực thể chia lìa, nhưng hòa quyện với nhau ; trong thực tại của tạo dựng có mặt của Đấng tạo hóa cách gần gũi. Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa giao hòa giữa trời và đất như lời của Thánh vịnh 84 (85) :  

“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ
     hòa bình công lý đã giao duyên.
 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
    công lý nhìn xuống tự trời cao.”

Chỉ từ cái nhìn vào bức tranh sinh động này chúng ta mới có thể cảm nghiệm niềm vui và hạnh phúc đích thực sâu xa nơi biến cố Giáng Sinh. Qua biến cố này Thiên Chúa tiếp tục chương trình tạo dựng của Ngài và không ngừng tái tạo con người và vũ trụ “đạt tới mức vẹn toàn” (thánh Phao-lô), cho dẫu con người luôn mang nơi mình khuynh hướng thờ ngẫu tượng (nơi chính mình hay nơi hữu thể khác) – điều mà ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế kể cho chúng ta biết. Thiên Chúa tự gắn mình trong định mệnh của con người để khơi dậy nơi con người niềm khát khao hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Mầu nhiệm Giáng Sinh là như thế !

Cầu chúc quý vị và các bạn ngày lễ Giáng Sinh tràn đầy ân phúc và niềm vui của Chúa Giê-su Hài Đồng !

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

TAIZÉ


Taizé, địa danh của một làng quê nhỏ bé thuộc địa phận Saône-et-Loire, miền Bourgogne nước Pháp, trở nên quen thuộc với nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới hôm nay. Điều kỳ diệu nào đã làm cho Taizé trở thành nổi tiếng?

Vào năm 1940 Roger Schutz – con của mục sư Tin lành Karl Ulrich Schutz, ở Bachs (Thụy sĩ), đi từ Giơ-ne-vơ sang miền nước Pháp để tìm một nơi cầu nguyện. Taizé là nơi mà thầy Roger đã tìm thấy, trở thành “ngôi nhà” của cộng đoàn Taizé hôm nay. Nơi đây thầy Roger thực hiện chương trình xây dựng một cộng đoàn mà trong đó “sự hòa giải theo Tin Mừng được sống một cách cụ thể nơi đời sống cộng đoàn”. Đó là cộng đoàn đại kết - các anh em thuộc các Giáo hội khác nhau (Tin lành, Chính thống, Công giáo) sống chung với nhau. Cho dù trong số hơn một trăm thầy hiện nay đa phần là Công giáo và chính thầy Roger sau này cũng đã “tìm thấy căn tính đời sống đức tin của mình nơi Giáo hội Công giáo” thì cộng đoàn Taizé vẫn là cộng đoàn đặc trưng đại kết.

Miền đất Taizé trù phú, nhưng phong cảnh không mấy hữu tình, cơ sở vật chất thuộc hạng tầm thường, không có những công trình kiến trúc đồ sộ, và cũng không có các khu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí nhộn nhịp, thế nhưng Taizé lại có sức quyến rũ hàng triệu con tim người trẻ trên toàn thế giới đến với nó. Vẽ đẹp hút hồn của Taizé đối với họ là đời sống chia sẻ cởi mở không phân biệt nguồn gốc, lịch sử cá nhân và những giờ cầu nguyện lắng đọng. Trong Thiên Chúa họ trở thành tất cả cho mọi người.

Không chỉ vào những dịp đặc biệt, ai đến với Taizé trong những ngày thường đều phải ngạc nhiên nhìn thấy hàng trăm bạn trẻ, tuổi từ 18 tới 30, say mê trong những giờ cầu nguyện tại Nguyện đường hoà giải. Ai có thể làm được điều đó, nếu không phải vì trái tim của họ đã bị Thiên Chúa cuốn hút ?

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU


Khi nói về người môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta – Ki-tô hữu, liên tưởng ngay tới những công việc mà người môn đệ này đảm nhận và thực hiện trong đời sống bước theo Người. Tuy nhiên, danh xưng người môn đệ lại không hệ tại ở công việc, nhưng chính là ở đời sống – đời sống trong Thiên Chúa.

Bạn sẽ thắc mắc và đặt câu hỏi : công việc hay đời sống cũng là một đó thôi ? Có thể bạn có lý : đời sống bao hàm công việc và công việc cũng là đời sống. Tuy nhiên, hai cách tiếp cận vấn đề lại hoàn toàn khác nhau. Công việc là cách diễn đạt đời sống ; vì nó là cách diễn đạt, nên nó có thể khiếm khuyết và hạn chế do yếu tố khách quan hay chủ quan. Chính vì thế, công việc diễn đạt đời sống, nhưng không hẳn nói lên hết tất cả cuộc sống.

Chúng ta nhận thấy con người và sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu – cuộc sống của Người, không thể chỉ được giới hạn trong khoảng ba năm rao giảng Tin Mừng – hoạt động (công việc), ngay cả đó là công việc kỳ diệu : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tần phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (x. Lc 4,18-19). Ba năm hoạt động, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu là sự nối tiếp toàn bộ công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu là sự nhập thể và nhập thế của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng của Ngài : tạo dựng không còn là thực thể xa lạ, nhưng được Thiên Chúa nhập thể và “cư ngụ”. Chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Giêsu trong toàn bộ chương trình tạo dựng này để hiểu danh tính đích thực của Người.

Hơn nữa, Chúa Giêsu đến với con người không như con người duy hành động, nhưng là Người luôn sống mật thiết với Thiên Chúa Cha. Thánh sử Luca trình thuật : ngay sau khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả, Chúa Giêsu bắt đầu cầu nguyện, và lúc đó “trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha ; ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Lc 3,21). Chúa Giêsu đã vén bức màn cho con người thấy đồng thời nhân tính và thiên tính của Người trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha. 

Cả ba thánh sử (Mátthêu, Luca, Máccô) đều trình thuật sau biến cố nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả tại sống Giođan, Chúa Giêsu đi vào sa mạc và chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4,1-11 ; Lc 4, 1-13 ; Mc 1, 12-13). Có lẽ chúng ta khó mường tượng khung cảnh sa mạc mà nơi đó Chúa Giêsu nhịn ăn uống trong bốn mươi đêm ngày và chịu ma quỷ cám dỗ như thế nào. Nhưng đó là hình ảnh của thế giới mà kể từ đây – bắt đầu sứ mạng công khai, Chúa Giêsu đi vào với tư cách con người để sống cuộc chiến đấu thiêng liêng : những nhu cầu tức thời, quyền lực và thần tượng. Chúa Giêsu sẽ không thể thoát khỏi những cám dỗ này nếu như đã không sống với Thiên Chúa Cha.

Đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu là đời sống chiêm ngắm khía cạnh nhân tính con người Giêsu đã được nuôi dưỡng bằng mối tương quan với Thiên Chúa Cha như thế nào. Như thế chúng ta sẽ nhận thấy Con Người này đã không giảng dạy dân chúng bằng những “giáo lý trống rỗng”, nhưng thực sự bằng những gì Người đã sống, được thúc đẩy bởi Thiên Chúa Cha và Thánh Thần của Người.

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

PHÁP LỆNH TÔN GIÁO HAY MOOLAADÉ ?


Bộ phim Moolaadé của đạo diễn Ousmane Sembène, người Sê-nê-gal, nhận được giải thưởng “Un Certain Regard” của Liên Hoan Phim Cannes năm 2004 (Giải thưởng vinh danh các bộ phim có cái nhìn khác, “không điển hình”, ít được nhiều người biết đến).


Câu chuyện diễn ra tại một làng quê ở Burkina Faso, xoay quanh tập tục “thanh tẩy” các bé gái – được thực hành tại một số vùng ở châu Phi, bằng cách cắt bỏ một phần âm đạo (để gọi là đã được thanh tẩy). Collé Ardo – người vợ hai của một nông dân giàu có trong làng, là nhân vật tiêu biểu, kiên cường, khởi xướng phong trào kháng cự lại tập tục “thanh tẩy” này vì bà không muốn sự rủi ro đến với con gái duy nhất còn lại là Amsatou, sắp cưới Konaté từ Paris trở về - con trai của trưởng làng Dugutigi.

Những tình tiết và hình ảnh trong Moolaadé diễn tả cách sống động và bi thương tiếng kêu đau đớn của những bé gái qua việc “thanh tẩy”, tiếng gào thét ai oán của bà mẹ mất con vì việc thực hành tập tục “thanh tẩy” (bị chết trong lúc được “thanh tẩy”), gương mặt vô hồn của những mụ già chủ trì nghi thức “thanh tẩy’, quyền uy vô liêm sĩ của các “già làng”, các “bậc lão thành” trong làng áp đặt cái tập tục này bằng mọi giá.

Tôi đọc “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” 2013 cách kỹ lưỡng, được Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, ký, có hiệu lực từ ngày 01-01-2013, mà không thể thoát khỏi những hình ảnh trong bộ phim Moolaadé. Tôi không hiểu những quy định (có tính chất luật pháp) trong “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” này có mục đích gì ? Các quy định chi tiết cho đến độ như[1] : “Người phụ trách cơ sở tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký người vào tu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tôn giáo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận người vào tu. Hồ sơ gồm : (a) : Danh sách người vào tu ; (b) : Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nơi người vào tu có hộ khẩu thường trú ; (c) : Ý kiến bằng văn bản của cha mẹ hoặc người dám hộ (với người chưa thành niên vào tu)” (Điều 27 ; Hết trích).

Bất cứ ai có chút kiến thức cơ bản tối thiểu về con người hẳn hiểu điều này : con đường đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong các dạng thức khác nhau là con đường thâm sâu nhất nơi mỗi người mà người ta không thể và cần phải “khai báo” cho bất cứ ai, ngay cả cho người thân như cha mẹ mình. Con người có khả năng tri thức không ngừng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, nhưng không hẳn bắt gặp nó trong một ngày hay hai ngày, nơi cơ sở này hay cơ sở kia. Việc tìm kiếm này không giống như đi tìm công việc, nơi ở hay vị trí xã hội. Đó là đi tìm sự khôn ngoan suốt cả hành trình dài. Chỉ có ai ý thức nơi mình có phần nhân tính siêu việt mới có thể hiểu điều này. Tu trì là một trong những con đường mà nhiều người mượn để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự khôn ngoan vươn tới sự siêu việt. Cơ sở tu trì hoàn toàn không phải là sở hành chánh, cũng không phải là nơi mà người ta có thể áp đặt những “tập tục” thông thường - nhiều lúc trở thành phi nhân, vì đó là cuộc sống như cuộc sống của Collé Ardo và Amsatou.

Một hình ảnh khác cũng đến với tôi khi đọc “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” 2013 : Người Pháp biểu tình chống lại dự luật “hôn nhân cho tất cả mọi người” (marriage pour tous – hôn nhân cho người đồng tính) cuối tuần qua (17/11/2012). Trên 100,000 người đã xuống đường biểu tình chống lại dự luật. Con số này chắc chắn đòi buộc Chính phủ của Tổng thống Francois Holland trong thời gian tới phải có các cuộc tranh luận công chúng về dự luật mới (điều mà những người chống dự luật này đòi hỏi).

“Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” - cả hình thức lẫn nội dung mang tính “pháp luật” liên quan tới một bộ phận dân chúng quan trọng, lại chỉ được “tạo” ra mà không ai hay biết (người dân) và được giửi cho một số cơ quan Nhà nước (để thi hành). Đọc hết phần nội dung “Pháp lệnh” này tới phần “nơi tiếp nhận”, tôi rà mãi vẫn không thấy bất cứ tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng nào nhận được “Pháp lệnh”, dù nó liên quan cách trực tiếp tới đời sống của các tổ chức này ?!

Tôi trở lại với bộ phim Moolaadé. Nhằm khống chế thành phần phụ nữ “nổi loạn” như Collé Ardo và nhân danh quyền bính và vai trò của “bậc lão thành”, “già làng” để áp đặt tập tục “thanh tẩy”, người ta đã cưỡng đoạt tất cả những gì có nơi họ : quyền được bảo vệ đời sống, quyền được nghe nói, quyền được chọn lựa cách sống (không theo tập tục “thanh tẩy”). Hình ảnh của khu dân cư nghèo nàn tại một làng quê ở Burkina Faso càng trở nên bi thảm hơn khi bóng ma của những người tự cho mình cái vị thế đỉnh cao của truyền thống, của “trí tuệ” đè nặng. Nhưng, xét cho cùng, chính con người này lại đáng thương hại hơn hết : họ không thể tự mình vượt qua “ảo tưởng” và cũng không thể giúp kẻ khác hướng tới chân trời mới !

Trần Văn Khuê, aa




[1] Có nhiều chi tiết khó hiểu trong “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”. Tôi chỉ trích một trong số đó làm ví dụ  điển hình cho bài viết này.

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

CÁI CHẾT


Đã là con người thì ai cũng phải chết ! Hẳn chúng ta không cần trở lại với luận bàn về chân lý này ở chiều kích nhân học, triết học.... Cái chết nhẹ như cánh tơ hồng, đó là kinh nghiệm của con người hiện sinh. Nó nhẹ nhàng ra đi bất chấp mọi thứ ngăn cản : tình yêu, gia đình, người thân và cả sự cứu trợ của y khoa.

Cái chết còn nhẹ nhàng hơn trong tư tưởng Ki-tô giáo : cái chết là ngưỡng cửa bước vào cuộc sống mới, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã tiêu diệt sự chết (x. 1Cr 15), và sự sống đời đời của con người là : “họ nhận biết [Thiên Chúa] Cha, Thiên Chúa duy nhất, chân thật và nhận biết Đấng mà Cha đã sai đến là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Chính kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống và niềm tin vào Ngài làm phát sinh niềm hy vọng nơi người Ki-tô hữu trên hành trình đi từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Cái chết không còn là sự hủy diệt gây thất vọng đối với họ.

Tuy nhiên, có những cái chết trong thời đại chúng ta dằn vặt lương tâm người lương thiện và thậm chí gây phẫn nộ. Đó chính là cái chết không có lời giải thích, cái chết mờ ám, cái chết được xem như không có gì xảy ra (nó chẳng có giá trị gì dưới cái nhìn của thủ phạm).

Cái chết này thường do sự mơ hồ về cuộc sống : ý nghĩa đời sống chân thật không được nhận biết, hoặc được “định hướng” một cách lệch lạc (tri thức, đạo đức).

Sự mơ hồ về cuộc sống rất gần gũi với cuồng tín ý thức hệ : sự nhận biết thiếu chân thật. Con đường từ sự mơ hồ tới cuồng tín giáo điều là con đường ngắn nhất dưới sự đạo diễn thâm sâu của chủ nhân độc quyền sân tuồng chính trị quyền lực bỉ ổi.

Sự mơ hồ về cuộc sống và cuồng tín giáo điều là thủ phạm gây nên những cái chết không thể có. Đó là cái chết của những người vô tội bị kết án. Những bản án giành cho họ nhẹ nhàng hơn cánh tơ hồng của cái chết.

Cái chết này chất vấn lương tâm nhân loại !

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

GƯƠNG MẶT KHÁC CỦA NGHÈO ĐÓI


Theo Hội cứu trợ Công giáo Pháp (Secours catholique), được đăng trên tờ nhật báo Công giáo La Croix, ngày 8 tháng 11, mức độ gia tăng nghèo đói “thường do thiếu mối tương quan con người”. Ghi nhận này được thực hiện trong phạm vi hoạt động của Hội cứu trợ Công giáo Pháp (thực tiễn, chứ không phải lý thuyết), nhưng đây chính là mấu chốt để giải thích sự nghèo đói trong thế giới hôm nay.

Giáo hội Công giáo đã nhiều lần khẳng định : thế giới hôm nay không thiếu của cải vật chất, nhưng thiếu tính hợp lý trong việc phân chia tài sản chung và sự liên đới giữa con người với nhau. Người ta muốn sở hữu hơn là chia sẻ, toan tính hơn là vô vị lợi, hưởng thụ nhiều hơn nữa hơn là tiết độ… Có điều trào lưu xã hội hôm nay đang đưa con người đi theo hướng này.

Nghèo đói vì “thiếu mối tương quan con người” là do tư tưởng đặt giá trị thượng thặng đối với vật chất (hiện tượng xã hội) : mọi giá trị đều quy về giá trị vật chất. Những người nghèo, những nước nghèo không được đánh giá ngang hàng với những người và nước khác (giàu hơn), cũng như không được lắng nghe và đón nhận như những người và nước khác (thực tế trong các mối quan hệ và thương thảo). Xem chừng “chủ thuyết duy vật chất” và “chủ nghĩa xã hội” không thể song hành với nhau, cho dù người ta muốn gom chúng lại trong cùng một tư tưởng chính trị.

Nghèo đói do “thiếu mối tương quan con người” là thứ nghèo đói nhân bản, tinh thần, văn hóa và tri thức. Chúng ta cũng có thể nói theo cách khác, nghèo đói – do “thiếu mối tương quan con người” xuất phát từ sự nghèo nàn nhân bản, tinh thần, văn hóa và tri thức. Chúng ta thường nghe nói : “Bần cùng (nghèo vật chất) sinh đạo tặc”, nhưng cái nghèo “tinh thần” lại làm cho con người trở nên “bần cùng” gấp bội. Nhiều người nghèo vật chất nhưng lại giàu về đời sống nhân bản, tinh thần, văn hóa và tri thức. Chính cái nghèo, nhưng giàu này là nền tảng của xã hội.

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

TIN MỪNG VÀ CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ


Loan báo Tin Mừng và vấn đề xã hội là chủ đề xuyên suốt của các cuộc tranh luận gần đây trong lòng Giáo Hội Việt Nam. Ít nhiều tư tưởng muốn đưa Tin Mừng gần hơn với vấn đề con người trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại – một trong những xã hội được nhận định là thiếu công bằng, tự do dân chủ và quyền con người bị chà đạp. Tuy nhiên, những người đứng đầu Giáo Hội lại thận trọng với nguy cơ chính trị hóa Tin Mừng như nhiều người vẫn từng làm.

Quả thật, thế tiến thoái lưỡng nan này không phải là vấn đề mới mẻ. Nó đã có trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của Giáo Hội hoàn cầu, thậm chí từ thời Tân Ước. Điều đó cho thấy có sự lưu tâm giữa việc loan báo Tin Mừng và vấn đề xã hội mà con người là trung tâm. Điều này chắc chắn vẫn còn tiếp diễn trong các xã hội khác nhau mà trong đó Tin Mừng được loan báo.

Tại Pháp, Hội đồng giám mục và Giáo Hội Pháp đang bảo vệ lập trường chính thống của Giáo Hội Công Giáo đối với dự thảo đạo luật mới sắp được Chính quyền đưa ra thảo luận và thông qua : “marriage pour tous” (tạm dịch : hôn nhân cho tất cả mọi người). Đạo luật này nếu được thông qua sẽ hợp thức hóa hôn nhân đồng tính. Các giám mục Pháp dự trù có những hành động cụ thể, huy động lực lượng chống lại dự thảo đạo luật mới và không loại trừ khả năng tham gia các cuộc biểu tình được tổ chức chống lại dự thảo đạo luật. Người đứng đầu Hội đồng giám mục Pháp, Đức Hồng Y André VINGT- TROIS, Tổng giám mục Paris, tuyên bố : “Biểu tình không phải là điều cấm kỵ” (x. La Croix, 23-10-2012).

Việc quan tâm tới vấn đề chính trị đã được Công đồng Va-ti-ca-nô II, trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Hiến chế mục vụ Giáo Hội trong thế giới hôm nay, xác định. Dù không đưa ra bất cứ chỉ dẫn cụ thể nào (cũng như trong các văn kiện khác của Giáo Hội, vì đó không phải là mục tiêu của Giáo Hội), nhưng Công đồng đã xác định giá trị nền tảng là mục tiêu của xã hội nhân bản. Trong bất cứ cộng đồng chính trị nào, “phẩm giá con người” và “hình thức sống chung cách nhân bản” là yếu tố nền tảng. Đức tin Ki-tô giáo cũng không đi ra ngoài các yếu tố này.

Trong bài viết : « Du goût de vivre en citoyen : point de vue d’un théologien » (tạm dịch : Tìm cảm hứng sống tư cách công dân : cái nhìn của nhà thần học), được đăng trên tạp chí Études, tháng 01 năm 2012, Christoph Théobald, nhà thần học dòng Tên, cho thấy tính chất phù hợp của Công đồng Va-ti-ca-nô II đối với cộng đồng chính trị trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng đã được đặt nền tảng nơi Kinh Thánh. Christoph Théobald nhắc lại phần cuối Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa) của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI (2010) : “Các tín hữu giáo dân được đào luyện trong trường Tin Mừng có nhiệm vụ dấn thân trực tiếp trong hoạt động xã hội và chính trị”. Nhà thần học này cho rằng “nếu như Kinh Thánh được xem như “linh hồn” của tất cả mọi thần học, theo cái nhìn của Công đồng Va-ti-ca-nô II, nó phải có khả năng “linh ứng” cho đời sống chung của chúng ta trong xã hội, không chỉ từ cái nhìn xã hội mà còn trong viễn cảnh tính công dân ở chiều kích chính trị”. Quả thật, cũng theo nhà thần học này, trong xã hội châu Âu, Kinh Thánh không còn chỉ là cuốn sách riêng của Giáo Hội. Nó là di sản văn hóa tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn chương khác - tôn giáo hay không tôn giáo, xoay quanh “trường học nhân loại”.

Dù đi từ cách đọc Kinh Thánh dưới cái nhìn mang chiều kích chính trị hay không, như nhận định của Christoph Théobald : cách đọc này có thể “gây hiểu lầm và lo lắng” nơi nhiều người,  thì chúng ta biết rằng Tin Mừng đã đi ra khỏi khung cảnh Do-thái giáo và thế giới huyền thoại Hy-lạp. Nó được loan báo trong thế giới hôm nay mang màu sắc văn hóa và chính trị khác. Trong thế giới này Tin Mừng tiếp tục giới thiệu Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứ độ, yêu thương và tha thứ và chất vấn những khuynh hướng và cơ chế chính trị, xã hội không phù hợp với giá trị nhân bản. Loan báo Tin Mừng không thể đi ra ngoài vấn đề xã hội và chính trị mà con người là chủ thể.

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

ĐAU KHỔ VÀ CUỘC SỐNG CON NGƯỜI



Trong cuốn sách tựa đề : “Aimer, perdre, grandir” (tạm dịch : yêu thương, mất mát, lớn lên) Jean Monbourquette cho rằng con người thời đại khó chấp nhận sự đau khổ : đau khổ đồng nghĩa với sự thất bại.

Đau khổ lớn nhất đến từ  việc đánh mất những gì là quý giá. Sự mất mát là cơn ác mộng đối với nhiều người. Người ta không thể tưởng tượng được tại sao những gì mình vẫn từng trân trọng lại một ngày biền biệt ra đi, biến mất. Người ta đặt câu hỏi, đau khổ, dằn vặt, thất vọng và đợi chờ.

Đau khổ còn là sự thất bại trong cuộc sống công danh, sự nghiệp, tình cảm, gia đình…

Sống trong thời đại khoa học công nghệ - kỹ thuật phát triển con người chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phải thành công bằng mọi giá và hiệu quả tới mức tối đa. Tư tưởng này được áp dụng trong tất cả mọi lãnh vực đời sống con người. Thất bại – đau khổ, được xem là vấn đề lỗi kỹ thuật, không đạt hiệu năng cao.

Tuy nhiên, cuộc sống con người lại không được kỷ thuật hóa : được lập trình cho những mục tiêu khác nhau. Đời sống con người hàm chứa tất cả mọi yếu tố nhân sinh : mạnh mẽ và yếu đuối, quảng đại và ích kỷ, cao thượng và tầm thường, thành công và thất bại, niềm vui và cay đắng, yêu thương và giận ghét…. Con người kỹ thuật không thể hiểu và cũng không thể chấp nhận sự đau khổ được sinh ra từ sự trái ngược này trong cuộc sống con người. Kinh nghiệm cổ xưa được đúc kết nơi huyền thoại Hy-lạp trong tác phẩm Oedipe của Sophocle về điều cao quý nhất đối với con người là tình yêu làm chúng ta phải giật mình. Hai anh em sinh đôi Étéocle và Polynice không ngừng giao chiến với nhau. Antigone – em gái Étéocle và Polynice, ngạc nhiên hỏi Étéocle và Polynice : “Tại sao hai anh thương yêu nhau như thế mà lại luôn giao chiến với nhau ?” Étéocle trả lời : “Antigone, tình yêu chỉ là mặt khác của hận thù.” Hai anh em nhà Oedipe giao chiến với nhau cho tới chết và trong lúc cuối cùng, khi đang cố gắng hạ thủ nhau hai anh em thều thào với nhau : “Anh, dầu sao, em cũng yêu anh ! - Anh cũng thế, anh yêu em !”

Đau khổ không phải là định mệnh con người. Nó là một trong những yếu tố gắn liền với cuộc sống con người hiện sinh. Quả thật, con người không được sinh ra cho sự đau khổ, nhưng nó lại xuất hiện trong cuộc sống con người. Không ai có thể tránh né, nhưng chỉ đón nhận nó. Sự triển nở trong đời sống mỗi người tùy thuộc vào cách thức đón nhận sự đau khổ.   

Trần Văn Khuê, aa


Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

SỰ HỢP NHẤT


Ngày 12 tháng 10 (2012) Ủy ban giải thưởng Nobel đã trao giải Nobel hòa bình cho Liên Hiệp Châu Âu vì “sự đóng góp của Liên hiệp này cho việc thăng tiến nền hòa bình, sự hòa giải, dân chủ và Nhân quyền ở châu Âu”.

Giải thưởng này gợi nhớ những những nổ lực hợp nhất châu Âu được khởi xướng từ sau Đệ nhị thế chiến. Sự hợp nhất này vừa mang tính thực tiễn : thiết lập một cộng đồng kinh thế lớn nhất thế giới, vừa mang tính biểu tượng : sự hợp nhất là con đường nhân bản hóa.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây ở một số vùng châu Âu lại làm cho nhiều người có những suy nghĩ khác. Dân vùng Flandre, (Bỉ), Catalogne (Tây Ban Nha)… muốn được có sự tự trị nhiều hơn.

Việc đòi hỏi về sự tự trị lớn hơn nơi những người dân thuộc những miền khác nhau ở châu Âu được đặt trong bối cảnh của khủng hoảng kinh tế : người ta tìm kiếm sự an toàn cho phần của riêng mình, nhưng đồng thời cũng gợi nên câu hỏi về việc tìm kiếm bản sắc riêng. Quả thật, khi nhìn vào những sinh hoạt xã hội chúng ta dễ dàng nhận thấy có những sự khác biệt. Đại bộ phận dân chúng châu Âu tin rằng những phong trào đòi quyền tự trị lớn hơn không ảnh hưởng tới sự hợp nhất châu Âu. Tuy nhiên, những phong trào này cũng đặt vấn đề về sự hợp nhất trong sự đa dạng theo bản sắc riêng.

Sự hợp nhất không thể là thứ thỏa hiệp chính trị đặt quyền lợi của một “nhóm” trên toàn xã hội, trên một cộng đồng chung và lợi ích của từng cá nhân. Thứ hợp nhất này là vỏ bọc mong manh, nguy hiểm, ngăn chặn sự phát triển xã hội và nhân bản hóa con người. Nó là sự tệ hại nhất đe dọa nền hòa bình, công bình xã hội và nền dân chủ thực thụ.

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

ĐỐI THOẠI

ĐỐI THOẠI là một trong những yếu tố thiết yếu và nền tảng nơi đời sống con người. Đối thoại có một tầm quan trọng việc soi sáng đời sống cá nhân và dung hòa xã hội. Mỗi cá nhân với tư cách là chủ thể cá nhân và xã hội cần đối thoại và được đối thoại. Hơn bao giờ hết, trong một xã hội đa nguyên về văn hóa, tư tưởng, tôn giáo và chính trị đối thoại là sự sống còn của một cá nhân, của một tổ chức, của một cộng đồng và của một quốc gia.
Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta nhận thấy đối thoại lại là một công việc rất khó khăn. Ngay cả những người duy ý chí theo đuổi việc đối thoại bằng mọi giá cũng không thể đạt được những kết quả như mong muốn và nhiều khi những kết quả lại phản tác dụng trong việc tìm kiếm những điều tốt chung.
Quả thật, đối thoại cần có những điều kiện cần và đủ. Những điều kiện này cho phép người ta có thể đạt tới những sự dung hòa hay đồng thuận.
Chủ thể đối thoại :
Đi ra khỏi lãnh vực thần bí thiêng liêng nơi đó người ta có thể kinh nghiệm về việc đối thoại với chính mình, đối thoại trong nghĩa thông thường là đối thoại giữa những chủ thể vừa là người phát ngôn vừa là người tiếp nhận. Những chủ thể đối thoại không thể tự nói và tự nghe cho chính mình. Những chủ thể đối thoại là những người bình đẳng trong việc đặt vấn đề. Trong đối thoại không còn tồn tại việc phân biệt “giai cấp” vì nơi đó những chủ thể đối thoại là chủ thể đồng trách nhiệm. Người ta không thể phát ngôn cũng như tiếp nhận một cách vô trách nhiệm. Ở đây chúng ta đang trong phạm trù lý trí : con người lý trí có khả năng xác định những gì là chân – thiện – mỹ ( Đây là yếu tố mà qua đó người ta thường phân biệt sự khác nhau giữa con người và con vật). Khả năng xác định này được thực hiện trong đối thoại.
Đối thoại bằng “lời” :
Từ “đối thoại” được bàn một cách rộng rãi trong triết học. Thuật ngữ này đến từ tiếng Hy-lạp dia-logos. Dia có nghĩa là “thông qua” hay “bằng” ; logos có nghĩa là “lời”. Như vậy, đối thoại là việc dùng “lời” hay thông qua “lời” để trao đổi. Người ta không thể đối thoại bằng gậy gộc, đấm đá hay bạo lực. Gậy gộc, đấm đá hay bạo lực có thể được xem là một thứ ngôn ngữ, nhưng chúng không phải là “lời” trong đối thoại. Trong một xã hội không có “lời” thì chắc chắn không có sự đối thoại. Chính vì thế mà Hiến chương Liên hiệp quốc về quyền cơ bản của con người quy định quyền “tự do ngôn luận và phát biểu” là quyền cơ bản và tự nhiên của mỗi người cho phép mọi người đối thoại với nhau. Một xã hội không có “lời” là một xã hội độc tài. 
Đối thoại trong sự thật :
Người ta có thể trao đổi với nhau bằng lời nửa vời, hời hợt và thậm chí bằng lời che dấu những toan tính cá nhân. Đối thoại chân thực chỉ được thực hiện trong sự thật. Đối thoại trong sự thật đòi hỏi một sự ra khỏi tính chủ quan và những cảm xúc. Người ta cần cởi mở để lắng nghe và kiềm chế những cảm xúc con người nhiều lúc tác động lên việc đối thoại. Hoa trái của việc đối thoại mang tính khách quan, lý lẽ của con tim và lý trí.
Đối thoại là việc đi tìm kiếm điều tốt chung :
Cuối cùng, những cuộc đối thoại không có bất cứ ý nghĩa nào nếu như những chủ thể đối thoại không hướng tới những điều tốt chung. Tư lợi hay việc tìm cách bảo vệ quyền lợi của một nhóm người vì lý do “giai cấp”, “tư tưởng” hoàn toàn phá hủy việc đối thoại. Nói cách khác, không có bất cứ một cuộc đối thoại thực sự nào được thực hiện nếu như những chủ thể đối thoại luôn ở trong tư thế tự vệ, không thể thoát ra khỏi tư tưởng cố hữu được nhào nặn hoặc do đặc quyền đặc lợi chi phối. Con người đối thoại là con người có khả năng tìm kiếm những điều tốt chung. Những điều tốt chung này nhiều lúc có thể phá vỡ những định chế, những cơ chế, những thể chế chính trị không còn phù hợp. Cái quan trọng nhất là điều gì cho phép con người trở nên tốt hơn ngày mai ?
Tóm lại : Đối thoại chỉ tồn tại nơi con người tự do và trong những xã hội dân chủ. Bởi lẽ, chỉ khi mỗi người tự do và ở trong môi trường dân chủ những “lời” mới thật sự được trao đổi. Đối thoại cũng tùy thuộc vào khả năng nhận thức cơ bản của con người trách nhiệm : tôi phải làm gì cho xã hội hôm nay và ngày mai được tốt hơn ? Đời sống trách nhiệm bao hàm những công việc hôm nay và cho con người mai sau không phân biệt sự khác biệt văn hóa, tôn giáo, khuynh hướng chính trị và địa vị xã hội. Đây mới đích thực là một thế giới đại đồng trong đó đối thoại là nền tảng.
Trần Văn Khuê, aa

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

THẾ GIỚI MONG MANH

Hẳn ai trong chúng ta đều tự hào về thế hôm nay với những thành tựu khoa học, đời sống xã hội văn minh, những phương tiện tiện lợi và các sinh hoạt văn hóa, xã hội, tôn giáo phong phú và đa dạng…. Tuy nhiên, chúng ta lại nhận thấy thế giới này mong manh và dễ vỡ. Hai mặt của một thế giới mập mờ. Những bạo lực, xung đột có thể làm sụp đổ nền hòa bình thế giới và đời sống xã hội trên toàn thế giới bất cứ lúc nào. Những bạo lực, xung đột đang diễn ra đây đó cho chúng ta cảm giác về sự mong manh của thế giới.
Trong muôn vàn hình thức bạo lực khác nhau nơi đời sống con người chúng ta nhận thấy một số điểm nổi bật :
Bạo lực tôn giáo : thế giới Hồi giáo phẫn nộ với bộ phim “Innocence of Muslims”, được xem là sự xúc phạm đối với Hồi giáo.










Bạo lực dân tộc chủ nghĩa : Trung Quốc biểu tình cách cực đoan chống lại người Nhật.











Bạo lực chủ nghĩa không tưởng : những tranh chấp, đàn áp và bắt bớ đây đó trên toàn thế giới phát xuất từ tư tưởng chủ nghĩa không tưởng cực đoan.

Bạo lực văn hóa : gần đây nhiều người Pháp kêu gọi hợp thức hóa hôn nhân đồng tính – thứ hôn nhân có nguy cơ phá vỡ nền tảng hôn nhân tự nhiên và dẫn tới việc loạn luân và đa thê.
Bạo lực môi sinh : sự lạm dụng của con người trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vì lợi nhuận kinh tế đang dần biến trái đất này là ngôi nhà của nhân loại thành nơi khô cằn thiếu sự sống.












Thế giới như một bức họa với những vệt sáng và bóng tối. Ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa điều thiện và điều ác rất mong manh. Ai có thể dự đoán tương lai của thế giới ? Chắc chắn không có ai trong chúng ta ! Tuy nhiên, một điều chắc chắn mà chúng ta có thể biết là tương lai của thế giới này tùy thuộc rất nhiều vào mỗi hành động con người - những người thiện chí và hướng thiện.
Trần Văn Khuê, aa



Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

ĐGH BÊ-NÊ-ĐÍC-TÔ XVI VIẾNG THĂM LI-BĂNG

Hôm nay (14-09) Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI chính thức chuyến viếng thăm ba ngày (từ ngày 14 tới 16-09) tại Li-băng. Chuyến viếng thăm này được thực hiện trong bối cảnh bạo lực và xung đột tôn giáo và chính trị  tại Li-băng và vùng Trung Đông. Đời sống của các Ki-tô hữu nơi đây rất bấp bênh vì những bạo lực từ phía các cộng đồng Hồi giáo. Ngoài ra, do những căng thẳng chính trị tại đất nước này và vùng Trung Đông nhiều người hy vọng cuộc viếng thăm của ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI mang lại một tín hiệu hòa bình.
Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng được mong đợi là chuyến viếng thăm của “sự hòa giải và xây dựng nền hòa bình” tại Li-băng và vùng Trung Đông. Trong bài diễn văn, sau khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Rafiq Hariri, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Li-băng trong đó có Tổng thống nước Cộng hòa Li-băng, các Thượng phụ Chính Thống và Giám mục Công Giáo và đại diện của các cộng đồng tôn giáo Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi sự cộng tác và hòa giải : “Sự hiện diện của quý vị cho thấy sự quý mến và tinh thần hợp tác mà quý vị mong muốn khuyếch trương giữa tất cả mọi người trong sự tôn trọng lẫn nhau. Tôi cám ơn về những nỗ lực này của quý vị và tôi tin chắc rằng quý vị tiếp tục tìm kiếm những con đường hiệp nhất và hòa hợp.”
ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI xác định chuyến viếng thăm của ngài tới Li-băng “như một khách hành hương vì hòa bình, như một người bạn của Thiên Chúa và là một người bạn của mọi người”. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đời sống chung hòa hợp và bao dung chỉ được thực hiện nếu như nó được bén rễ sâu nơi Thiên Chúa là Đấng muốn cho mọi người là anh em với nhau.
Trần Văn Khuê, aa

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

GIÁO HỘI PHẢI THỰC HIỆN SỰ THAY ĐỔI TRIỆT ĐỂ

Sau khi Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, nguyên Tổng giám mục Milanô, qua đời vào ngày 31 tháng 08 năm 2012, ngày 01 tháng 09 tờ Le Corriere della Serra cho đăng bài phỏng vấn với Đức Hồng Y trong đó ngài khuyến khích Giáo Hội phải “thực hiện sự thay đổi triệt để”. Bài phỏng vấn này được coi là lời di chúc cuối cùng của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini. Tờ nhật báo Công giáo La Croix đã đăng lại những trích đoạn của cuộc phỏng vấn này như sau :
“Giáo Hội mệt mỏi. Nền văn hóa chúng ta đã già nua, những ngôi thánh đường rộng lớn, các cơ sở tu trì trống rỗng, bộ máy quan liêu của Giáo Hội phát triển. Những nghi lễ và y phục của chúng ta khoa trương (…). Chúng ta đang trong tình trạng của người thanh niên giàu có bỏ đi với sự buồn bã khi được Chúa Giêsu mời gọi làm môn đệ. Tôi biết rằng từ bỏ tất cả là điều rất khó khăn. Nhưng ít nhất chúng ta có thể tìm kiếm những con người tự do và lưu tâm tới người lân cận như Đức giám mục Rômêrô và những tu sĩ dòng Tên tử đạo của Salvađo. Đâu rồi những anh hùng gợi hứng cho chúng ta ? Chúng ta không thể đứng ở những giới hạn của pháp chế trong bất cứ trường hợp nào (…). Trong Giáo Hội hôm nay tôi thấy có nhiều tro bụi che khuất những than hồng mà đôi khi tôi cảm thấy bất lực. Làm sao chúng ta có thể giải phóng những than hồng để làm bừng cháy ngọn lửa tình yêu ? (…) Tôi khuyên Đức giáo hoàng, các Giám mục tìm kiếm mười hai con người nằm “ngoài cơ chế” đặt vào trong các vị trí chiến lược gần với người nghèo và người trẻ. Những người này thực nghiệm những điều mới mẻ. Chúng ta cần sự tiếp xúc này với những con người cháy bỏng để Thánh Thần được truyền đi khắp nơi.
Lời khuyên đầu tiên của tôi là sự hoán cải. Giáo Hội phải nhìn nhận những sai lỗi của chính mình và thực hiện sự thay đổi triệt để, bắt đầu từ Giáo hoàng và các Giám mục. Phải bắt đầu với những vấn đề về tình dục và thân xác. (….) Chúng ta tự hỏi nếu như người ta còn nghe những lời khuyên dạy của Giáo Hội nữa hay chăng về vấn đề tình dục. Trong lãnh vực này Giáo Hội còn giữ quyền bính quy chiếu hay chỉ là bức biếm họa cho các phương tiện truyền thông đại chúng ?
Lời khuyên thứ hai của tôi là lắng nghe Lời Chúa. (…) Chỉ ai đón nhận Lời này trong tâm hồn mới có thể giúp canh tân Giáo Hội và biết đáp trả cách đúng đắn những đòi hỏi cá nhân. Không phải giáo sĩ hay Giáo luật có thể thay thế chiều sâu của con người. Tất cả những điều luật, giáo điều chỉ được trao ban cho chúng ta để minh định con đường nội tâm và giúp phân định tiếng gọi của Chúa Thánh Thần.
Cuối cùng, đối với tôi, các bí tích không phải là những công cụ kỷ luật, nhưng là sự nương tựa cho việc chữa lành con người qua những yếu đuối trong cuộc sống. Chúng ta trao ban các bí tích cho những ai cần sức mạnh mới ? Tôi nghĩ cho tất cả những người ly dị và những gia đình tái hợp hôn. Họ cần được sự bảo trợ đặc biệt. Giáo Hội bảo vệ sự bất khả phân ly của hôn nhân. Đó là một ân huệ cho những hôn nhân, gia đình đạt được điều đó. (…) Sự lưu tâm mà chúng ta dành cho các gia đình tái hợp hôn mang tính quyết định về sự gần gũi của Giáo Hội với thế hệ con cái của các gia đình này. Một người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ tìm gặp  một người bạn đời mới biết chăm sóc mình và những đứa con. Tình yêu thứ hai này thành công. Nếu gia đình này bị phân biệt đối xử, người mẹ và những đứa con sẽ bị ruồng bỏ. Nếu những cha mẹ này cảm thấy ở ngoài Giáo Hội, không được Giáo Hội nâng đỡ, Giáo Hội sẽ đánh mất những thế hệ tương lai. (…) Đòi hỏi tiếp nhận những người ly dị cho việc rước lễ cần được lưu tâm. Làm sao Giáo Hội có thể đến trợ giúp với sức mạnh của các bí tích cho những ai trong hoàn cảnh gia đình phức tạp ? (…)
Giáo Hội trễ bước 200 năm. Chúng ta sợ ? Sợ thay vì can đảm ? Đức tin, niềm tin tưởng, sự can đảm là những nền tảng của Giáo Hội. Chỉ có tình yêu mới chiến thắng sự mệt mỏi. Từ nay tôi thấy rõ điều đó với tất cả mọi người xung quanh tôi.”

Trần Văn Khuê, aa

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

GIẤC MƠ

Mục sư Martin Luther King có một câu nói nổi tiếng : “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) trong bài diễn văn cùng tên được đọc tại Đài tưởng niệm Lincoln vào ngày 26 tháng 08 năm 1963. Ông mơ về một nước Mỹ mà nơi đó người da trắng và da đen có thể sống chung hòa hợp và bình đẳng với nhau.
Câu nói và bài diễn văn này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh không biết mệt mỏi, sợ hãi và không khoan nhượng của Martin Luther King. Ông dấn thân cho “giấc mơ” này với niềm xác tín mãnh liệt : vì nó là giá trị nhân văn và là một trong những yếu tố làm nên phẩm giá con người. Hôm nay nhiều người biết tới ông với danh ngôn nổi tiếng này cũng như với cuộc đời dấn thân cho giấc mơ của ông. Quả thật, giấc mơ này đã vượt khỏi phạm vi cá nhân của Martin Luther King để trở thành giấc mơ của nước Mỹ và của toàn nhân loại qua mọi thời.
“I have a dream” không phải là một thứ giấc mơ thần tiên, lãng mạn và siêu thực, nhưng là một giấc mơ đi từ một thực tại nhân sinh. Nó xuất phát từ kinh nghiệm về những gì xâu xé con người : quyền lực, sự phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội. Giấc mơ không chỉ mang tính thi ca mà còn là một cuộc sống chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau : hoan hỷ, sầu não, ai oán, cùng cực ….  
“I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) xem chừng như rất đơn giản nhưng nhân loại cho tới hôm nay lại còn phải nhọc nhằn từng bước lê trên con đường tới “giấc mơ”. “I have a dream” hoàn toàn không có gì quyến rũ : nó là con đường của sự hy sinh và của tình liên đới xóa bỏ sự khác biệt chính kiến, văn hóa, tôn giáo và màu da. Hơn nữa, nó còn là giấc mơ của “kẻ phản loạn” chống lại những lợi ích và ý chí thống trị của những kẻ mạnh. Chính vì thế “giấc mơ” là con đường ghồ ghề, cam go và nguy hiểm tính mạng cho bất cứ ai dấn thân trên con đường này. Những gì đang xảy ra đây đó, hôm qua và hôm nay, cho ta thấy rõ điều đó mà không cần lời giải thích. Khi “giấc mơ” đi ngược lại những mơ ước của các nhóm đặc quyền đặc lợi nó trở thành “kẻ phản động”.
Đã 49 năm tròn trôi qua, nhưng giấc mơ của Martin Luther King cũng là giấc mơ của chúng ta hôm nay. Ai không có trong mình một “giấc mơ” là không ý thức về cuộc sống của chính mình và của những người khác.
Trần Văn Khuê, aa