Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

TIN MỪNG VÀ CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ


Loan báo Tin Mừng và vấn đề xã hội là chủ đề xuyên suốt của các cuộc tranh luận gần đây trong lòng Giáo Hội Việt Nam. Ít nhiều tư tưởng muốn đưa Tin Mừng gần hơn với vấn đề con người trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại – một trong những xã hội được nhận định là thiếu công bằng, tự do dân chủ và quyền con người bị chà đạp. Tuy nhiên, những người đứng đầu Giáo Hội lại thận trọng với nguy cơ chính trị hóa Tin Mừng như nhiều người vẫn từng làm.

Quả thật, thế tiến thoái lưỡng nan này không phải là vấn đề mới mẻ. Nó đã có trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của Giáo Hội hoàn cầu, thậm chí từ thời Tân Ước. Điều đó cho thấy có sự lưu tâm giữa việc loan báo Tin Mừng và vấn đề xã hội mà con người là trung tâm. Điều này chắc chắn vẫn còn tiếp diễn trong các xã hội khác nhau mà trong đó Tin Mừng được loan báo.

Tại Pháp, Hội đồng giám mục và Giáo Hội Pháp đang bảo vệ lập trường chính thống của Giáo Hội Công Giáo đối với dự thảo đạo luật mới sắp được Chính quyền đưa ra thảo luận và thông qua : “marriage pour tous” (tạm dịch : hôn nhân cho tất cả mọi người). Đạo luật này nếu được thông qua sẽ hợp thức hóa hôn nhân đồng tính. Các giám mục Pháp dự trù có những hành động cụ thể, huy động lực lượng chống lại dự thảo đạo luật mới và không loại trừ khả năng tham gia các cuộc biểu tình được tổ chức chống lại dự thảo đạo luật. Người đứng đầu Hội đồng giám mục Pháp, Đức Hồng Y André VINGT- TROIS, Tổng giám mục Paris, tuyên bố : “Biểu tình không phải là điều cấm kỵ” (x. La Croix, 23-10-2012).

Việc quan tâm tới vấn đề chính trị đã được Công đồng Va-ti-ca-nô II, trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Hiến chế mục vụ Giáo Hội trong thế giới hôm nay, xác định. Dù không đưa ra bất cứ chỉ dẫn cụ thể nào (cũng như trong các văn kiện khác của Giáo Hội, vì đó không phải là mục tiêu của Giáo Hội), nhưng Công đồng đã xác định giá trị nền tảng là mục tiêu của xã hội nhân bản. Trong bất cứ cộng đồng chính trị nào, “phẩm giá con người” và “hình thức sống chung cách nhân bản” là yếu tố nền tảng. Đức tin Ki-tô giáo cũng không đi ra ngoài các yếu tố này.

Trong bài viết : « Du goût de vivre en citoyen : point de vue d’un théologien » (tạm dịch : Tìm cảm hứng sống tư cách công dân : cái nhìn của nhà thần học), được đăng trên tạp chí Études, tháng 01 năm 2012, Christoph Théobald, nhà thần học dòng Tên, cho thấy tính chất phù hợp của Công đồng Va-ti-ca-nô II đối với cộng đồng chính trị trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng đã được đặt nền tảng nơi Kinh Thánh. Christoph Théobald nhắc lại phần cuối Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa) của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI (2010) : “Các tín hữu giáo dân được đào luyện trong trường Tin Mừng có nhiệm vụ dấn thân trực tiếp trong hoạt động xã hội và chính trị”. Nhà thần học này cho rằng “nếu như Kinh Thánh được xem như “linh hồn” của tất cả mọi thần học, theo cái nhìn của Công đồng Va-ti-ca-nô II, nó phải có khả năng “linh ứng” cho đời sống chung của chúng ta trong xã hội, không chỉ từ cái nhìn xã hội mà còn trong viễn cảnh tính công dân ở chiều kích chính trị”. Quả thật, cũng theo nhà thần học này, trong xã hội châu Âu, Kinh Thánh không còn chỉ là cuốn sách riêng của Giáo Hội. Nó là di sản văn hóa tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn chương khác - tôn giáo hay không tôn giáo, xoay quanh “trường học nhân loại”.

Dù đi từ cách đọc Kinh Thánh dưới cái nhìn mang chiều kích chính trị hay không, như nhận định của Christoph Théobald : cách đọc này có thể “gây hiểu lầm và lo lắng” nơi nhiều người,  thì chúng ta biết rằng Tin Mừng đã đi ra khỏi khung cảnh Do-thái giáo và thế giới huyền thoại Hy-lạp. Nó được loan báo trong thế giới hôm nay mang màu sắc văn hóa và chính trị khác. Trong thế giới này Tin Mừng tiếp tục giới thiệu Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứ độ, yêu thương và tha thứ và chất vấn những khuynh hướng và cơ chế chính trị, xã hội không phù hợp với giá trị nhân bản. Loan báo Tin Mừng không thể đi ra ngoài vấn đề xã hội và chính trị mà con người là chủ thể.

Trần Văn Khuê, aa

1 nhận xét: