Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

TỪ SỢ HÃI TỚI ĐỘC ĐOÁN


Thế giới, đã bước qua ngưỡng cửa của ngày 21 tháng 12 năm 2012 mà một số người tin là ngày khánh mạt, đang dần khép lại với năm 2012 đầy biến động và bất ổn xã hội, kinh tế, chính trị. Những cuộc chiến đẫm máu (dù có tiếng súng hay không) mang màu sắc chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo… không thiếu trong năm qua trên toàn thế giới và chưa chấm dứt.

Mặt khác, những dự báo tương lai cũng không mấy sáng sủa. Các chuyên gia kinh tế dự đoán khủng hoảng kinh tế toàn cầu còn kéo dài trong ba năm tới (ít nhất là trong vùng đồng tiền chung châu Âu)!

Thực tại thế giới và những dự báo tương lai u ám làm nhiều người hoang mang. Người ta cảm thấy hơn bao giờ hết cuộc sống con người và thế giới mong manh. Cảm giác về thế giới mong manh này làm cho con người bất an và sợ hãi. Dĩ nhiên, sự sợ hãi là lẽ tự nhiên khi con người cảm thấy thiếu an toàn nơi cuộc sống. Thậm chí người ta còn nói sự sợ hãi gắn liền với cuộc sống hiện sinh. Đây là điều chúng ta dễ cảm nhận và nhận thấy cách thông thường về sự sợ hãi.

Tuy nhiên, còn có khía cạnh khác không hoàn toàn tự nhiên của sự sợ hãi : sợ hãi dẫn tới độc đoán, độc tài và biến con người sợ hãi thành ngẫu tượng – chính xác hơn là tự nó xây dựng ngẫu tượng theo sự tưởng tượng hay ảo tưởng (nói theo ngôn ngữ tâm lý học). Những gì xảy ra trong các chế độc tài chính trị khác nhau cho chúng ta thấy hay cho phép chúng ta lý giải khía cạnh của sự sợ hãi này.

Điều trái ngược là sự sợ hãi làm cho người ta trở nên độc tài : càng sợ người ta càng trở nên độc tài ! Chính vì sợ mà người ta gia cố “thành lũy” cho tới mức độc đoán, độc tài. Nhiều lúc sự bảo vệ này được thực hiện bằng mọi giá, mà cái giá phải trả là thế giới xung quanh nó phải chịu hậu quả - trở thành những nạn nhân vô tội bị kết án. Con người sợ hãi càng ở vị trí cao, thì việc huy động phương tiện bảo vệ càng lớn và hậu quả càng nghiêm trọng. Nó là dây mắt xích liên hệ với nhau theo phản ứng tâm lý sợ hãi.

Việc xây dựng ngẫu tượng cũng xuất phát sự sợ hãi này. Chính cái sợ bị mất tầm ảnh hưởng, yếu tố duy nhất, hình ảnh quy chiếu – thường do ảo tưởng, người ta tự xây dựng cho mình ngẫu tượng hay tự biến mình thành ngẫu tượng cách bệnh hoạn. Điều mà chúng ta thấy là nhiều lúc tác giả của ngẫu tượng trở nên bạo lực không thể lý giải vì cảm giác không được tôn thờ.

Đi ra sự sợ hãi là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc đối thoại và tất cả mối tương quan con người. Không thể có bất cứ cuộc đối thoại, và mối tương quan con người đích thực nào trong sự chân thành, sự thật – hướng con người tới thế giới tốt đẹp, nếu như người ta không có khả năng bước ra khỏi sự sợ hãi. Thật là ảo tưởng để xây dựng “thiên đường trần thế” trong thế giới mà con người bị thống trị bởi bóng ma của sự sợ hãi. Trong thế giới này chỉ có “địa ngục trần gian” !

Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét