Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

ĐAU KHỔ VÀ CUỘC SỐNG CON NGƯỜI



Trong cuốn sách tựa đề : “Aimer, perdre, grandir” (tạm dịch : yêu thương, mất mát, lớn lên) Jean Monbourquette cho rằng con người thời đại khó chấp nhận sự đau khổ : đau khổ đồng nghĩa với sự thất bại.

Đau khổ lớn nhất đến từ  việc đánh mất những gì là quý giá. Sự mất mát là cơn ác mộng đối với nhiều người. Người ta không thể tưởng tượng được tại sao những gì mình vẫn từng trân trọng lại một ngày biền biệt ra đi, biến mất. Người ta đặt câu hỏi, đau khổ, dằn vặt, thất vọng và đợi chờ.

Đau khổ còn là sự thất bại trong cuộc sống công danh, sự nghiệp, tình cảm, gia đình…

Sống trong thời đại khoa học công nghệ - kỹ thuật phát triển con người chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phải thành công bằng mọi giá và hiệu quả tới mức tối đa. Tư tưởng này được áp dụng trong tất cả mọi lãnh vực đời sống con người. Thất bại – đau khổ, được xem là vấn đề lỗi kỹ thuật, không đạt hiệu năng cao.

Tuy nhiên, cuộc sống con người lại không được kỷ thuật hóa : được lập trình cho những mục tiêu khác nhau. Đời sống con người hàm chứa tất cả mọi yếu tố nhân sinh : mạnh mẽ và yếu đuối, quảng đại và ích kỷ, cao thượng và tầm thường, thành công và thất bại, niềm vui và cay đắng, yêu thương và giận ghét…. Con người kỹ thuật không thể hiểu và cũng không thể chấp nhận sự đau khổ được sinh ra từ sự trái ngược này trong cuộc sống con người. Kinh nghiệm cổ xưa được đúc kết nơi huyền thoại Hy-lạp trong tác phẩm Oedipe của Sophocle về điều cao quý nhất đối với con người là tình yêu làm chúng ta phải giật mình. Hai anh em sinh đôi Étéocle và Polynice không ngừng giao chiến với nhau. Antigone – em gái Étéocle và Polynice, ngạc nhiên hỏi Étéocle và Polynice : “Tại sao hai anh thương yêu nhau như thế mà lại luôn giao chiến với nhau ?” Étéocle trả lời : “Antigone, tình yêu chỉ là mặt khác của hận thù.” Hai anh em nhà Oedipe giao chiến với nhau cho tới chết và trong lúc cuối cùng, khi đang cố gắng hạ thủ nhau hai anh em thều thào với nhau : “Anh, dầu sao, em cũng yêu anh ! - Anh cũng thế, anh yêu em !”

Đau khổ không phải là định mệnh con người. Nó là một trong những yếu tố gắn liền với cuộc sống con người hiện sinh. Quả thật, con người không được sinh ra cho sự đau khổ, nhưng nó lại xuất hiện trong cuộc sống con người. Không ai có thể tránh né, nhưng chỉ đón nhận nó. Sự triển nở trong đời sống mỗi người tùy thuộc vào cách thức đón nhận sự đau khổ.   

Trần Văn Khuê, aa


1 nhận xét:

  1. một cái nhìn nông cạn
    một bài viết quá tồi
    tôi không biết bạn nhìn cuộc đời như thế nào ?
    Chỉ biết đón nhân đau khổ thôi ư?
    Đức Chúa không dạy bạn chuyển hóa khổ đau à?

    Trả lờiXóa