Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

HẠT GIỐNG ĐỨC TIN


Khi các Tông đồ xin Chúa Giêsu tăng thêm ơn đức tin : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”, Chúa trả lời họ : “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (x. Lc 17,5-6). Hình ảnh trong cuộc đối thoại này gợi nhớ cho ta câu chuyện dụ ngôn khác : “Dụ ngôn hạt cải”, mà Chúa Giêsu dùng để nói về Nước Trời. Cả ba cuốn Tin Mừng Nhất lãm trình thuật lời của Chúa Giêsu như sau : “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được” (x. Lc 13,18-19 ; Mt 13,31-32 ; Mc 4,30-32).

Đức tin được trình bày trong giáo lý và thần học Công giáo dựa trên Lời Chúa là ơn siêu nhiên mà Thiên Chúa ban để con người có thể nhận biết Ngài. Nói cách khác, con người biết Thiên Chúa qua mạc khải của Ngài – sự tỏ mình ra của Thiên Chúa cho con người, như lời của Thánh vịnh : “Nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 26,10). Ánh sáng Thiên Chúa chiếu soi mọi người qua Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô (Ga 1,9). Hay còn nữa, Chúa Giêsu nói với Phêrô : “Này anh Simon, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Chính Thiên Chúa lôi cuốn con người tìm về với Ngài, vì Ngài là cội nguồn của sự thánh thiện và mọi điều thiện hảo.

Mặt khác, đức tin mang cho con người hiệu năng là sự biến đổi. Tính chất biến đổi là làm cho đời sống con người tăng trưởng, như hạt giống được gieo vào lòng đất và sinh hoa kết trái. Đức tin là hạt giống mà Thiên Chúa gieo vào tâm hồn con người. Nhờ hạt giống đức tin này đời sống con người được biến đổi, để rồi con người đức tin sống hoàn toàn khác trong Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết cho tín hữu thành Thêxalônica : “Chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1Tx 4,13). Niềm hy vọng đó chính là tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô là Đấng mà Chúa Cha sai đến với nhân loại.

Hôm nay chúng ta nói tới khủng khoảng niềm tin. Niềm tin này trước hết là tin vào Thiên Chúa. Nhiều người không còn tin vào Thiên Chúa là Đấng toàn năng và an bài mọi sự trong trời đất cũng như là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo và tình yêu. Khuynh hướng này kéo theo khủng khoảng niềm tin con người. Con người đánh mất ý tưởng sống chung và khả năng cùng nhau xây dựng thế giới quy hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Đó cũng là lý do mà Công đồng Vaticanô II đưa ra nhận định sâu sắc về mâu thuẫn của con người hôm nay : “Khi tìm cách đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại cảm thấy hoang mang hơn về chính mình. Khi dò dẫm tìm hiểu sâu rộng hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 4).

Hạt giống đức tin là cốt lõi của đời sống con người. Dù con người là ai đi nữa thì đức tin là ân sủng Thiên Chúa làm cho đời sống con người trở nên “phong phú về mọi phương diện” (x. 1Cr 1,5). Nhờ đức tin con người sống hy vọng, khả năng đối diện với thử thách, biết sống quảng đại, sẳn sàng hòa giải. Cũng vậy, nhờ đức tin mà con người dám chắc về sự sống chiến thắng sự chết. Hạt giống đức tin đưa con người tới chân trời tương lai, nơi đó không phải là thế giới ảo vọng nhưng là sự viên mãn của đời sống. 


Trần Văn Khuê 

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

CHÚT TẤM LÒNG


Ngoại trừ ít khác biệt trong Tin Mừng theo thánh Gioan, các tác giả Tin Mừng Nhất lãm đều trình bày về việc “Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều” với tình tiết : “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương”, “các môn đệ đến gần Người và thưa : “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua thức ăn”, “Đức Giêsu đáp : “Thì anh em cho họ ăn”, “các môn đệ đáp : “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá” (x. Mt 14,13-21 ; Mc 6,30-44 ; Lc 9,10-17).

Cũng giống như nhiều đoạn Tin Mừng khác, trình thuật về “Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều” chứa đựng đầy ẩn ý, cho dù thánh Gioan giải thích : “Người nói như thế [“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”] là để thử ông [Philípphê], chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi (x. Ga 6,1-14). Phải chăng Chúa Giêsu đang thử thách các môn đệ về việc sử dụng quyền bính ? Bởi lẽ, đoạn Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh : “Các Tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy” (x. Mc 6,30), trước khi “đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người”. Hay, Chúa Giêsu lại muốn biết mức độ tin tưởng của môn đệ vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Người như thế nào ? Câu hỏi thứ hai này liên quan tới đoạn tiếp theo của Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Máccô và Gioan : “Đức Giêsu đi trên mặt nước” (x. Mt 14,22-32 ; Mc 6,45-52 ; Ga 6,16-21). Ngoại trừ Tin Mừng theo thánh Luca nói về việc tuyên xưng đức tin của Phêrô (x. Lc 9,18-21).

Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa trên theo trình thuật của Tin Mừng, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa cần một tấm lòng nơi con người qua phép lạ “Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều”. Nhiều người vẫn tự hỏi Thiên Chúa còn làm dấu lạ nữa hay chăng trong đời sống nhân loại hôm nay, khi mà xem chừng Thiên Chúa vắng bóng trong mọi biến cố con người ? Con người không còn khả năng nhìn thấy điều kỳ diệu hay Thiên Chúa không còn đủ khả năng để can thiệp vào đời sống con người ? Các câu hỏi này không thể làm giảm tính chất nền tảng là Thiên Chúa không thể ban thêm cho con người đặc ân, không phải vì Ngài hẹp hòi, nhưng vì lòng ích kỷ của con người không còn chỗ cho sự quảng đại. Năm chiếc bánh và hai con cá là biểu tượng cho chút tấm lòng rộng mở. Chính chút tấm lòng này mở cánh cửa đưa đến sự sống viên mãn được Thiên Chúa đổ đầy.

Chút tấm lòng mang tính Tin Mừng, nhưng còn là phẩm chất đầy tính nhân văn. Sự khép kín hay tính toán quá đáng con người đang làm cho vẻ đẹp của nhân loại bị lu mờ và hoen úa. Cứu cánh con người là tìm kiếm những gì cao thượng có khả năng nâng đời sống con người lên trên mọi sự thấp hèn trần tục. Con người không chỉ được sinh ra cho thể xác nhưng còn tâm hồn. Chút tấm lòng rộng mở là vẻ đẹp của con người tạo dựng của Đấng tạo hóa.

Cũng vậy, chút tấm lòng mới có khả năng xây dựng nền hòa bình đích thực trong bác ái và sự thật. Bởi lẽ, cõi lòng chật hẹp là nguyên nhân của mọi tranh chấp và đố kỵ, chia rẽ và hận thù. Tấm lòng rộng mở là nhịp cầu nối giữa công lý và hòa bình, như lời cao đẹp của Thánh vịnh 84 :

“Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hòa bình công lý đã giao duyên.
Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao”.

Dẫu cho trong thế giới chúng ta sống kinh nghiệm về “chút tấm lòng” như trăng tàn sao lặn, hay như chiếc lá mùa thu thì nó vẫn mãi là cái nhỏ bé lớn lao làm nên điều kỳ diệu cuộc sống mà Thiên Chúa ban cho con người. Chút tấm lòng mở ra cho muôn người tràn ngập niềm vui : đau khổ được chữa lành, đói khát được no nê, tình yêu được chia sẻ và niềm tin tưởng được củng cố.   


Trần Văn Khuê

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

KHƠI DẬY LÒNG YÊU MẾN HIỂU BIẾT

Triết gia người Đức, Emmanuel Kant, cho rằng mọi hoạt động nhân loại hệ tại ở việc giáo dục : sự phát triển con người, xã hội và thăng tiến đời sống khởi đi từ việc giáo dục[1]. Tuy nhiên, giáo dục là một tiến trình lâu dài theo trật tự mang tính sư phạm. Chính vì thế, sự lắp ghép nhiều mảng rời rạc trong hệ thống giáo dục và giải pháp tình thế đưa đến kết quả tiêu cực. Giáo dục mang tính tổng thể bao trùm toàn bộ mọi giai đoạn phát triển con người thể chất và trí tuệ cũng như bối cảnh đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa và tôn giáo. Giáo dục bắt đầu từ nền tảng sơ khởi. Bước khởi đầu là khơi dậy lòng yêu mến hiểu biết.

Lòng yêu mến hiểu biết như mảnh đất được vun xới và chăm bón để đón nhận hạt giống gieo vào lòng nó. Hạt giống của lời khôn ngoan chỉ có thể nẩy mầm và phát triển nếu nó bắt gặp được mảnh đất tươi tốt. Điều này đã được Chúa Giêsu giảng dạy nơi câu chuyện dụ ngôn về người gieo giống trong Phúc Âm[2], cũng như hiểu biết của chúng ta từ kinh nghiệm ít hay nhiều của mọi người. Vun xới cho lòng yêu mến hiểu biết trở nên màu mỡ là bước khởi đầu cho giáo dục. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì và ý chí của người làm vườn. Bởi lẽ, có mảnh đất đòi hỏi nhiều thời gian để gạt bỏ dần sỏi đá, gai góc và cần được vun xới nhiều. Khơi dậy lòng yêu mến hiểu biết chính là làm cho tâm hôn trở nên tươi tốt để đón nhận sự khôn ngoan và hiểu biết điều thiện.

Lòng yêu mến hiểu biết là thái độ sẳn sàng đón nhận trong lắng nghe và hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Câu ngạn ngữ của người Tây phương : “On ne saurait faire boire un âne s’il n’a pas soif”  - người ta không thể cho con lừa không khát uống nước. Khơi dậy lòng yêu mến hiểu biết là làm cho khát vọng tìm kiếm sự khôn ngoan lớn lên trong lòng con người. Nó tạo dựng nền móng tinh thần cho việc đối thoại và hoán cải nội tâm. Quả thật, người ta khó có khả năng đối thoại với nhau và hoán cải vì thiếu lòng yêu mến hiểu biết. Sự khép kín hoặc bị giam hãm trong giáo điều có nguy cơ làm cho tâm hồn trở nên khô cằn, sỏi đá và gai góc.

Khơi dậy lòng yêu mến hiểu biết là nền tảng căn bản của giáo dục và con đường nhân bản hóa con người. Nó mở đường cho con người tới thế giới, nơi đó đòi hỏi con người rộng mở tâm hồn. Đây là tiến trình xây dựng nhân cách và giúp con người cởi mở với thế giới bên ngoài. Sự co cụm trong thế giới chủ quan là ngục tù của tâm hồn. Điều gây nguy hiểm cho thế giới chính là con người đánh mất sự vươn cao tinh thần, tìm kiếm hiểu biết và trải rộng lòng nhân ái. Khơi dậy lòng yêu mến hiểu biết là đưa con người tới hoàn thiện đời sống với chiều kích : tinh thần, trí tuệ và nhân bản.

Trần Văn Khuê



[1] Emmanuel Kant, Traité de pédagogie.
[2] X. Mt 13, 1-9 ; Mc 4, 1-20 ; Lc 8, 4-8.