ĐỐI THOẠI là một trong những yếu tố thiết yếu và nền tảng nơi đời sống con người. Đối thoại có một tầm quan trọng việc soi sáng đời sống cá nhân và dung hòa xã hội. Mỗi cá nhân với tư cách là chủ thể cá nhân và xã hội cần đối thoại và được đối thoại. Hơn bao giờ hết, trong một xã hội đa nguyên về văn hóa, tư tưởng, tôn giáo và chính trị đối thoại là sự sống còn của một cá nhân, của một tổ chức, của một cộng đồng và của một quốc gia.
Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta nhận thấy đối thoại lại là một công việc rất khó khăn. Ngay cả những người duy ý chí theo đuổi việc đối thoại bằng mọi giá cũng không thể đạt được những kết quả như mong muốn và nhiều khi những kết quả lại phản tác dụng trong việc tìm kiếm những điều tốt chung.
Quả thật, đối thoại cần có những điều kiện cần và đủ. Những điều kiện này cho phép người ta có thể đạt tới những sự dung hòa hay đồng thuận.
Chủ thể đối thoại :
Đi ra khỏi lãnh vực thần bí thiêng liêng nơi đó người ta có thể kinh nghiệm về việc đối thoại với chính mình, đối thoại trong nghĩa thông thường là đối thoại giữa những chủ thể vừa là người phát ngôn vừa là người tiếp nhận. Những chủ thể đối thoại không thể tự nói và tự nghe cho chính mình. Những chủ thể đối thoại là những người bình đẳng trong việc đặt vấn đề. Trong đối thoại không còn tồn tại việc phân biệt “giai cấp” vì nơi đó những chủ thể đối thoại là chủ thể đồng trách nhiệm. Người ta không thể phát ngôn cũng như tiếp nhận một cách vô trách nhiệm. Ở đây chúng ta đang trong phạm trù lý trí : con người lý trí có khả năng xác định những gì là chân – thiện – mỹ ( Đây là yếu tố mà qua đó người ta thường phân biệt sự khác nhau giữa con người và con vật). Khả năng xác định này được thực hiện trong đối thoại.
Đối thoại bằng “lời” :
Từ “đối thoại” được bàn một cách rộng rãi trong triết học. Thuật ngữ này đến từ tiếng Hy-lạp dia-logos. Dia có nghĩa là “thông qua” hay “bằng” ; logos có nghĩa là “lời”. Như vậy, đối thoại là việc dùng “lời” hay thông qua “lời” để trao đổi. Người ta không thể đối thoại bằng gậy gộc, đấm đá hay bạo lực. Gậy gộc, đấm đá hay bạo lực có thể được xem là một thứ ngôn ngữ, nhưng chúng không phải là “lời” trong đối thoại. Trong một xã hội không có “lời” thì chắc chắn không có sự đối thoại. Chính vì thế mà Hiến chương Liên hiệp quốc về quyền cơ bản của con người quy định quyền “tự do ngôn luận và phát biểu” là quyền cơ bản và tự nhiên của mỗi người cho phép mọi người đối thoại với nhau. Một xã hội không có “lời” là một xã hội độc tài.
Đối thoại trong sự thật :
Người ta có thể trao đổi với nhau bằng lời nửa vời, hời hợt và thậm chí bằng lời che dấu những toan tính cá nhân. Đối thoại chân thực chỉ được thực hiện trong sự thật. Đối thoại trong sự thật đòi hỏi một sự ra khỏi tính chủ quan và những cảm xúc. Người ta cần cởi mở để lắng nghe và kiềm chế những cảm xúc con người nhiều lúc tác động lên việc đối thoại. Hoa trái của việc đối thoại mang tính khách quan, lý lẽ của con tim và lý trí.
Đối thoại là việc đi tìm kiếm điều tốt chung :
Cuối cùng, những cuộc đối thoại không có bất cứ ý nghĩa nào nếu như những chủ thể đối thoại không hướng tới những điều tốt chung. Tư lợi hay việc tìm cách bảo vệ quyền lợi của một nhóm người vì lý do “giai cấp”, “tư tưởng” hoàn toàn phá hủy việc đối thoại. Nói cách khác, không có bất cứ một cuộc đối thoại thực sự nào được thực hiện nếu như những chủ thể đối thoại luôn ở trong tư thế tự vệ, không thể thoát ra khỏi tư tưởng cố hữu được nhào nặn hoặc do đặc quyền đặc lợi chi phối. Con người đối thoại là con người có khả năng tìm kiếm những điều tốt chung. Những điều tốt chung này nhiều lúc có thể phá vỡ những định chế, những cơ chế, những thể chế chính trị không còn phù hợp. Cái quan trọng nhất là điều gì cho phép con người trở nên tốt hơn ngày mai ?
Tóm lại : Đối thoại chỉ tồn tại nơi con người tự do và trong những xã hội dân chủ. Bởi lẽ, chỉ khi mỗi người tự do và ở trong môi trường dân chủ những “lời” mới thật sự được trao đổi. Đối thoại cũng tùy thuộc vào khả năng nhận thức cơ bản của con người trách nhiệm : tôi phải làm gì cho xã hội hôm nay và ngày mai được tốt hơn ? Đời sống trách nhiệm bao hàm những công việc hôm nay và cho con người mai sau không phân biệt sự khác biệt văn hóa, tôn giáo, khuynh hướng chính trị và địa vị xã hội. Đây mới đích thực là một thế giới đại đồng trong đó đối thoại là nền tảng.
Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét