Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

CON ĐƯỜNG NGUY HIỂM


Trong lời huấn dụ các môn đệ về chọn lựa đưa tới sự từ bỏ, Đức Giêsu nói với họ bằng hình ảnh gợi nghĩa : “Ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ hoàn thành không ? […] Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ?” (x. Lc 14, 28-33). Lời dạy khôn ngoan này của Đức Giêsu cũng là kinh nghiệm con người qua mọi thời. Theo lẽ tự nhiên, ai không tính toán đường đi nước bước ? Ai không tính thiệt thua ? Và, ai lại không suy tưởng vận mệnh thời cơ ? Con người lý trí cũng là con người khôn ngoan biết “tính toán”. Sự lường trước, như Đức Giêsu nói, giúp người ta đạt tới “thành công”.

Tuy nhiên, có điều đặc biệt nơi hành động của Đức Giêsu lại được các tác giả Phúc Âm ghi nhận : Con người hình như không biết tính toán và chọn lựa con đường nguy hiểm. Việc nhập thể của Thiên Chúa đã là cuộc mạo hiểm của Ngài nơi đời sống con người. Đó không phải vì sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, điều thiện và điều ác, nhưng là cuộc phiêu lưu của Thiên Chúa với con người tự do. Đấng là Chủ không hề nắm chắc sự quy phục của con người thụ tạo. Từ quyền bính và toàn năng Thiên Chúa tự đặt mình nơi thái độ của người mời gọi, đồng hành và chờ đợi. Giấc mơ tạo dựng này được nhập thể nơi đường đi nước bước của Đức Giêsu nhập thế.

Cả ba tác giả Phúc Âm nhất lãm ghi lại hành trình của Đức Giêsu qua miền đất của người Ga-đa-ra và Ghê-ra-xa, chữa lành cho người bị quỷ ám (x. Mt 8, 28-31 ; Mc 5, 1-20 ; Lc 8, 26-39). Thánh Mát-thêu đặc biệt thêm chi tiết khung cảnh và tính chất nguy hiểm trong trình thuật của mình : “người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả”, “rất dữ tợn” và “không ai dám qua lại lối ấy”. Nếu đó là con đường nguy hiểm cả về địa hình và con nguời, tại sao Đức Giêsu lại muốn đi vào miền đất ấy ? Quả thật, đây mới chỉ là một ví dụ trong hàng loạt quyết định của Đức Giêsu chọn đi con đường nguy hiểm. Việc để cho “người thu thuế” tiếp rước mình về nhà và dùng bữa với “người tội lỗi” (x. Mt 9, 9-13) cũng như để cho “người phụ nữ tội lỗi” lau chân và xức dầu thơm lên mình (x. Lc 7, 36-50) quả là quyết định vượt lên trên mọi định kiến tôn giáo và xã hội khắt khe và chỉ có Đức Giêsu mới có thể đi con đường nguy hiểm này. Người Pharisiêu không bỏ qua cơ hội để chất vấn các môn đệ về Đức Giêsu : “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ?”, và phê phán trong thâm tâm : “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào : một người tội lỗi”. Cuối cùng, Đức Giêsu đi hết chặng đường nguy hiểm lên Giêrusalem. Đó là đoạn trường của cuộc vượt qua mà môn để ngăn cản Người : “Người nói với các môn đệ : "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê ! " Các môn đệ nói : "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ? " (Ga 11, 7-8).

Phải chăng từ hành động gây ngạc nhiên này của Thiên Chúa mà thánh Phaolô rao giảng cho dân thành Côrintô : “Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao ? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. […]. Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em” (x. 1Cr 1, 17-31). Để đến với con người Thiên Chúa đi con đường của con người. Xuyên suốt lịch sử Kinh Thánh chúng ta nhận thấy hình ảnh Thiên Chúa không ngừng ngỏ lời với con người và luôn đi bước trước để đưa con người về nguồn hạnh phúc. Sau này thánh Âugustinô diễn tả về Thiên Chúa nhập thể nơi đời sống con người bằng hình ảnh : để cảm nhận con người Thiên Chúa hít thở bằng hơi thở con người và yêu thương con người bằng trái tim nhân loại.

Con đường hôm qua cũng như hôm nay, nơi đó có vinh quang và gian khổ đắng cay, có niềm vui và buồn sầu thất vọng, có phấn khởi và nhọc nhằn mệt mỏi, có ánh sáng và bóng tối, có phẳng lặng và giông tố, có chặng đường bằng phẳng và gập ghềnh. Con đường nguy hiểm. Tuy nhiên, trong mọi sự Thiên Chúa định liệu cho chúng ta bằng tất cả sự khôn ngoan và tình yêu.


Trần Văn Khuê

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

TỪ NƠI TƯ TƯỞNG CON NGƯỜI

Triết gia Epitète khuyên con người triệt để xua đuổi tư tưởng xấu xa ra khỏi đầu óc,vì nó gây ra những căn bệnh nghiêm trọng tinh thần. Nó còn là nguyên do của bệnh tật thể lý. Ông  nói : “Những bệnh này thường do người đau không biết làm cho đời sống của mình thích nghi với vấn đề thực tế”.

Có nhiều thứ bệnh ngặt nghèo không do vi khuẩn gây nên, nhưng do tư tưởng tiêu cực hoặc hành động đen tối tạo nên, làm thành cảm xúc bất lợi như lo lắng, sợ sệt, buồn rầu, oán ghét... Đó cũng là tư tưởng đen tối không những làm bại hoại đời sống tinh thần mà còn hủy hoại đời sống cơ thể.

Văn sĩ Montaigne cũng từng cho rằng : “Loài người đau khổ do hoàn cảnh thì ít mà do ý niệm về hoàn cảnh của mình thì nhiều”. Ý niệm thay đổi thì tâm trạng thay đổi. Hãy bắt đầu và xếp đặt lại tư tưởng của mình với tất cả niềm tin chiến thắng. Chiến thắng được chính mình thì sẽ chiến thắng được mọi sự.

Có những trắc trở và khó khăn dường như vượt sức ta ; có hoàn cảnh éo le khiến ta cảm thấy bất lực không thể làm gì hơn ; cũng có oan trái và cay nghiệt khiến ta rúng động cả tâm can. Chúa thấy tất cả điều đó. Ngài muốn gột rửa tinh trong quả tim và khối óc của ta. Ngài mời gọi ta vận dụng toàn thể nội lực của mình để vượt qua rào cản vô hình đang vây bủa tư tưởng.

Dù có khi chúng ta không khắc phục được tình trạng và hoàn cảnh theo ý muốn, nhưng nghị lực muốn vượt qua đem lại cho ta sự thanh thản biết đón nhận và kiên định hào hùng trong cuộc sống. Giá trị cao cả của đời sống tinh thần là ở chỗ đó, ở ngay trong tình trạng mà Chúa muốn như vậy. Chính thánh Phaolô đã ba lần xin Chúa cho ông thoát khỏi nỗi khổ đang dằn vặt chính mình. Nhưng Chúa quả quyết với ông : “Ơn Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr12, 8).

Thánh Phaolô nghĩ rằng Chúa muốn như vậy để ông khỏi tự cao, tự đại. Mầu nhiệm tình yêu Chúa thật lạ lùng. Hiểu được như thế nên Phaolô càng thêm xác tín : “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr12,9). Kinh nghiệm sống với Chúa cho Phaolô biết cách suy nghĩ tích cực, dù không thoát được sự nhức nhối và không mạnh mẽ như mình mong muốn, nhưng ông “cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối... Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr12,10). Ý hướng và cách thức tư duy của thánh Phaolô thật tuyệt vời, nó giúp ta biết cách vận dụng tư tưởng để xây dựng cuộc đời mình một cách tích cực nhất.

Tư tưởng có khả năng thay đổi mọi sự, vì mọi sự bắt đầu bằng tư tưởng. Thay đổi như thế nào thì tùy định hướng, nội dung và tính chất của tư tưởng. Tư tưởng mang lại hạnh phúc nhưng cũng mang lại bất hạnh. Tư tưởng là sức mạnh sáng tạo và biến đổi, nhưng cũng là sức mạnh phá hoại và hủy diệt. Bởi vậy mỗi tư tưởng là mỗi sự cân nhắc và chọn lựa. Mỗi tư tưởng phải là mỗi sự khôn ngoan và “minh trí”.

Nhìn vũ trụ vạn vật, ta nhận ra Thiên Chúa là nhà tư tưởng lỗi lạc vô song. Ngài sắp xếp, an bài mọi sự trong trình tự chuyển biến đi lên, để mọi loài, mọi vật theo cách thế của mình mà phát sinh và triển nở. Trên đường tiến hóa về Tinh Thần tột đỉnh là Đức Kitô, Thiên Chúa vẫn đang không ngừng sáng tạo trong sức sáng tạo tư tưởng con người. Ngài đang qui họp mọi tư tưởng tích cực nhất, sinh động nhất, cao đẹp nhất, để hình thành trời mới đất mới cho nhân loại mới. Trong đó, có bản thân ta đang phấn đấu từng giờ để vượt lên chính mình trong tư tưởng và theo đường nẻo của Chúa, hầu hoàn thành kế hoạch rất riêng cho cuộc đời ta, nhưng cũng rất chung cho mọi người.

Ước chi mọi tư tưởng chúng ta làm thành dòng suối tuôn chảy liên tục bắt nguồn từ nơi Chúa, để chúng ta được ở trong Chúa trong mọi tư tưởng của chúng ta.


E. Trúc Giang, spc