Bộ
phim Moolaadé của đạo diễn Ousmane
Sembène, người Sê-nê-gal, nhận được giải thưởng “Un Certain Regard” của Liên
Hoan Phim Cannes năm 2004 (Giải thưởng vinh danh các bộ phim có cái nhìn khác,
“không điển hình”, ít được nhiều người biết đến).
Câu chuyện diễn ra tại một làng quê ở Burkina Faso, xoay quanh tập tục “thanh tẩy” các bé gái – được thực hành tại một số vùng ở châu Phi, bằng cách cắt bỏ một phần âm đạo (để gọi là đã được thanh tẩy). Collé Ardo – người vợ hai của một nông dân giàu có trong làng, là nhân vật tiêu biểu, kiên cường, khởi xướng phong trào kháng cự lại tập tục “thanh tẩy” này vì bà không muốn sự rủi ro đến với con gái duy nhất còn lại là Amsatou, sắp cưới Konaté từ Paris trở về - con trai của trưởng làng Dugutigi.
Những
tình tiết và hình ảnh trong Moolaadé diễn
tả cách sống động và bi thương tiếng kêu đau đớn của những bé gái qua việc
“thanh tẩy”, tiếng gào thét ai oán của bà mẹ mất con vì việc thực hành tập tục
“thanh tẩy” (bị chết trong lúc được “thanh tẩy”), gương mặt vô hồn của những mụ
già chủ trì nghi thức “thanh tẩy’, quyền uy vô liêm sĩ của các “già làng”, các
“bậc lão thành” trong làng áp đặt cái tập tục này bằng mọi giá.
Tôi đọc “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” 2013 cách kỹ lưỡng, được Thủ tướng
Nước CHXHCN Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, ký, có hiệu lực từ ngày 01-01-2013, mà không thể thoát khỏi những
hình ảnh trong bộ phim Moolaadé. Tôi
không hiểu những quy định (có tính chất luật pháp) trong “Pháp lệnh tín ngưỡng,
tôn giáo” này có mục đích gì ? Các quy định chi tiết cho đến độ như[1] :
“Người phụ trách cơ sở tôn giáo có trách
nhiệm gửi hồ sơ đăng ký người vào tu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở
tôn giáo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận người vào tu. Hồ sơ gồm
: (a) : Danh sách người vào tu ; (b) : Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban
nhân dân cấp xã nơi nơi người vào tu có hộ khẩu thường trú ; (c) : Ý kiến bằng
văn bản của cha mẹ hoặc người dám hộ (với người chưa thành niên vào tu)” (Điều
27 ; Hết trích).
Bất
cứ ai có chút kiến thức cơ bản tối thiểu về con người hẳn hiểu điều này : con
đường đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong các dạng thức khác nhau là con đường thâm
sâu nhất nơi mỗi người mà người ta không thể và cần phải “khai báo” cho bất cứ
ai, ngay cả cho người thân như cha mẹ mình. Con người có khả năng tri thức không
ngừng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, nhưng không hẳn bắt gặp nó trong một ngày hay
hai ngày, nơi cơ sở này hay cơ sở kia. Việc tìm kiếm này không giống như đi tìm
công việc, nơi ở hay vị trí xã hội. Đó là đi tìm sự khôn ngoan suốt cả hành
trình dài. Chỉ có ai ý thức nơi mình có phần nhân tính siêu việt mới có thể hiểu
điều này. Tu trì là một trong những con đường mà nhiều người mượn để tìm kiếm ý
nghĩa cuộc sống và sự khôn ngoan vươn tới sự siêu việt. Cơ sở tu trì hoàn toàn không
phải là sở hành chánh, cũng không phải là nơi mà người ta có thể áp đặt những
“tập tục” thông thường - nhiều lúc trở thành phi nhân, vì đó là cuộc sống như
cuộc sống của Collé Ardo và Amsatou.
Một
hình ảnh khác cũng đến với tôi khi đọc “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” 2013 :
Người Pháp biểu tình chống lại dự luật “hôn nhân cho tất cả mọi người”
(marriage pour tous – hôn nhân cho người đồng tính) cuối tuần qua (17/11/2012). Trên
100,000 người đã xuống đường biểu tình chống lại dự luật. Con số này chắc chắn
đòi buộc Chính phủ của Tổng thống Francois Holland trong thời gian tới phải có
các cuộc tranh luận công chúng về dự luật mới (điều mà những người chống dự luật
này đòi hỏi).
“Pháp
lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” - cả hình thức lẫn nội dung mang tính “pháp luật”
liên quan tới một bộ phận dân chúng quan trọng, lại chỉ được “tạo” ra mà không
ai hay biết (người dân) và được giửi cho một số cơ quan Nhà nước (để thi hành).
Đọc hết phần nội dung “Pháp lệnh” này tới phần “nơi tiếp nhận”, tôi rà mãi vẫn
không thấy bất cứ tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng nào nhận được “Pháp lệnh”, dù nó
liên quan cách trực tiếp tới đời sống của các tổ chức này ?!
Tôi
trở lại với bộ phim Moolaadé. Nhằm khống
chế thành phần phụ nữ “nổi loạn” như Collé Ardo và nhân danh quyền bính và vai
trò của “bậc lão thành”, “già làng” để áp đặt tập tục “thanh tẩy”, người ta đã
cưỡng đoạt tất cả những gì có nơi họ : quyền được bảo vệ đời sống, quyền được
nghe nói, quyền được chọn lựa cách sống (không theo tập tục “thanh tẩy”). Hình ảnh
của khu dân cư nghèo nàn tại một làng quê ở Burkina Faso càng trở nên bi thảm
hơn khi bóng ma của những người tự cho mình cái vị thế đỉnh cao của truyền thống,
của “trí tuệ” đè nặng. Nhưng, xét cho cùng, chính con người này lại đáng thương
hại hơn hết : họ không thể tự mình vượt qua “ảo tưởng” và cũng không thể giúp kẻ
khác hướng tới chân trời mới !
Trần Văn Khuê, aa
[1] Có nhiều chi tiết khó hiểu trong “Pháp
lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”. Tôi chỉ trích một trong số đó làm ví dụ điển hình cho bài viết này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét