Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

TRỞ VỀ VỚI KHIÊM TỐN


Bạn sẽ nực cười khi nghe tôi nói trở về với khiêm tốn ? Đơn giản chỉ vì, có lẽ bạn cũng như tôi từng là người ít nhiều “ngạo mạn” theo cách nhìn nào đó ? Tôi và bạn chưa bao giờ chấp nhận chịu sự khuất phục vì khả năng vốn có ? Khiêm tốn là điều chưa ai mong muốn bao giờ, bạn và tôi !

Hơn nữa, cái cách “khiêm tốn” nhiều lúc lại bị xem là núp bóng “kiêu hãnh”. Người ta vẫn thường nói đùa : “Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự mãn” ! Kiểu nói bông đùa ẩn chứa việc coi thường sự khiêm tốn : khiêm tốn chẳng có gì tốt đẹp.

Tuy nhiên, không biết bạn đã từng bị xúc động do hành vi hay lời nói khiêm tốn của ai đó ? Tôi thực sự bị ấn tượng bởi sự kiện của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.

Trong lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên vào ngày 17 tháng 02 vừa qua, sau khi tuyên bố thoái vị sứ vụ Giám mục Rôma, người kế vị thánh Phêrô, ngài nói : “chúng ta cần phải khiêm tốn hơn”[1]. Người, với tư tưởng uyên thâm và cũng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau cho tới ngày lên ngôi Giáo hoàng, đã có cung cách nói rất mực khiêm tốn ở tuổi 85 : “chúng ta cần khiêm tốn hơn”. Có lẽ những suy tư và cuộc sống kinh qua đã đưa ngài tới cảm nghiệm sâu xa về điều chính yếu : “cần phải khiêm tốn hơn”.

Tôi ví cuộc sống là điểm giao thoa giữa ba chiều kích : cao, sâu và rộng. Chỉ khiêm tốn cho phép chúng ta nối kết ba chiều kích này.

Nhờ khiêm tốn chúng ta có khả năng đi vào chiều sâu của cuộc sống chính mình. Đó không phải là cuộc sống hời hợt, hình thức, bề ngoài, hoang tưởng và ngông cuồng, nhưng là sự cảm nhận sâu xa con người đích thực vừa lớn lao, vừa nhỏ bé. Khiêm tốn là sự hiểu biết chính mình hoàn hảo.

Nhờ khiêm tốn cuộc sống chúng ta mới có thể trải rộng. Nó là sự trải rộng trong mối tương quan con người với nhau và với vũ trụ. Khiêm tốn là sự cảm thông ; khiêm tốn là lòng kính trọng ; khiêm tốn là sự ngưỡng mộ. Khiêm tốn là sự hiểu biết người hoàn hảo.

Nhờ khiêm tốn mà chúng ta có thể bay cao. Sự thanh thoát nhờ có khiêm tốn. Khiêm tốn đặt niềm tin vào điều cao quý hơn nó, lớn lao hơn nó và siêu việt hơn nó. Khiêm tốn là sự lôi cuốn về chốn vô biên vượt không gian và thời gian.

Tới đây chắc bạn đã hiểu ít nhiều lý do tại sao tôi muốn nói cùng bạn là trở về với khiêm tốn. Trở về với khiêm tốn không phải là con đường tự hủy diệt vong, nhưng là cuộc sống sung mãn nơi chính mình và xung quanh mình.

Trần Văn Khuê, aa





[1] Cách trình bày lại của người viết từ bài chia sẻ của ĐGH Bênêđíctô XVI với khách hành hương ở quảng trường thánh Phêrô trước giờ đọc Kinh Truyền Tin, ngày 17 tháng 02 năm 2013. 

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

SA MẠC CUỘC ĐỜI


Ngày 11 tháng 02 vừa qua, thế giới vốn ồn ào và vồn vã hầu như đã dừng lại khi thông cáo báo chí từ Vatican phát đi : Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI quyết định từ nhiệm chức vụ Giám mục Rôma, kế vị thánh Phêrô vào ngày 28-02 tới đây. Ngay sau thông cáo này được phát đi trên các phương tiện truyền thông, nhiều người trên thế giới bày tỏ sự nuối tiếc, đồng thời thán phục và ngưỡng mộ vị mục tử tài ba, nhưng rất mực khiêm tốn. Các hãng thông tấn không ngớt đưa tin và bình luận trong những ngày qua.

Tuy nhiên, “tin nóng” về sự kiện lịch sử này hình như đã bắt đầu nhường lại cho suy tư về chân dung của người mục tử nhân hiền và nhà thần học uyên thâm, nhưng lại rất thầm lặng ngay trên cương vị Giáo Hoàng.

Thế giới “náo nhịp”chúng ta hình như đang thiếu những con người như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Con người mà chúng ta không tìm thấy trong các sự kiện “ồn ào” trên thế giới ; con người không chủ trương “lễ hội” ; con người chỉ luôn mời gọi mọi người trở về với cái chính yếu trong sa mạc cuộc đời, nơi đó con người cần và có khả năng lắng nghe “tiếng nói nội tâm” và đối diện với chính mình cách trung thực hơn. Con đường phát triển chính là con đường hối cải. Người ta nói Ngài chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng thánh Augustinô (354-430). Quả thật, qua quan sát từ cung cách sống cho tới những suy tư thần học, chúng ta nhận thấy Ngài là con người sống kinh nghiệm về Thiên Chúa sâu xa nơi sa mạc cuộc đời – kinh nghiệm mà thánh Augustinô từng có.

Về sa mạc cuộc đời Tin Mừng đã trình bày cho chúng ta hình ảnh sinh động qua câu chuyện Đức Giêsu đi vào sa mạc sau khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả để bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa cho dân chúng. Sa mạc trong Tin Mừng không mấy có ý nghĩa về mặt địa lý, nhưng mang tính biểu tượng. Sa mạc nơi Đức Giêsu đi vào chính là thế giới mà nơi đó con người luôn bị cám dỗ bởi quyền lực, danh vọng và tiền tài. Đó là những thứ ma lực có thể khuynh đảo và bóp chết đời sống con người. Bị thống trị bởi chúng, con người khó có khả năng nghe thấy tiếng nói sự thật và chân nhận chính mình.

Sau này các vị chân tu mà sử sách kể lại đã đi vào sa mạc để tìm kiếm đời sống “hoàn thiện”. Đó ắt hẳn không phải là những người muốn “thoát ly” thế giới, nhưng là con người ở trong thế giới này không để cho quyền lực của nó thống trị.

Sa mạc cuộc đời là không gian và thời gian mà trong đó con người bị xâu xé bởi những yếu tố con người ; đó cũng là nơi mà con người sống kinh nghiệm về sự mỏng giòn và yếu đuối con người. Trong sa mạc cuộc đời này con người nghiệm ra rằng mình không phải là tất cả và thế giới này cũng không phải là tất cả ! Cuộc sống tràn đầy chỉ có nơi Đấng vô biên – Đấng ban cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Đức Thánh Cha Biển Đức 16 tuyên bố từ chức


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 rời bỏ chức vụ Giáo Hoàng kể từ lúc 20 giờ ngày thứ năm, 28-2 tới đây.
Trong công nghị lúc 11 giờ sáng hôm qua, 11-2, trước sự hiện diện của các Hồng y và GM, ĐTC tuyên bố:

“Anh em rất thân mến.

”Tôi triệu tập anh em đến dự Công nghị này không phải để chỉ nói về 3 cuộc phong thánh, nhưng còn để thông báo cho anh em một quyết định rất quan trọng đối với đời sống Giáo Hội. Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa. Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, những còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi. Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005, để từ ngày 28 tháng 2 năm 2013 sắp tới, Tòa Roma, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống tòa từ lúc 20 giờ và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng Y để bầu vị Giáo Hoàng mới”.

”Anh em rất thân mến, tôi chân thành cám ơn anh em vì tất cả lòng quí mến và công việc mà anh em đã cùng mang gánh nặng sứ vụ của tôi, và tôi xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy phó thác Hội Thánh cho vị Mục Tử Tối Cao, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và cầu xin Mẹ Maria của Ngài, với lòng từ mẫu xin Mẹ trợ giúp các Hồng Y trong việc bầu vị Giáo Hoàng mới. Về phần tôi, cả trong tương lai, tôi muốn hết lòng phục vụ Hội Thánh của Thiên Chúa bằng cuộc sống dành trọn cho việc cầu nguyện”.

Vatican ngày 11 tháng 2 năm 2013

Biển Đức 16, Giáo Hoàng

G. Trần Đức Anh chuyển ý

Ngồn : http://vietvatican.net/

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

NGÀY ĐẦU XUÂN NHỚ VỀ CỘI NGUỒN



Có lẽ nhiều người trong chúng ta từng biết lời bài hát “Đầu xuân cầu cho gia đình” của nhạc sỹ Phanxicô :

Ngày đầu xuân bao người đi xa
cũng về với gia đình
cũng về với ân tình
ngất ngây với nguồn yêu mến
dâng đến lòng mẹ cha là lòng biết ơn.

Việc trở về với gia đình xuất phát từ tâm niệm : “Chim có tổ, suối có nguồn, con người có tổ có tiên”. Điều làm cho con tim xao xuyến bồi hồi và cảm giác nhớ nhung vào những ngày cuối năm không phải vì khí trời thay đổi. Ngày cuối của tháng Chạp và đầu tháng Giêng Âm lịch, về mặt bản chất, không có gì khác so với những ngày còn lại của năm ; có hay chăng chút khác biệt là tiết trời bắt đầu thay đổi, cỏ cây hoa lá bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Thế nhưng, vào thời khắc này không trái tim nào lại hững hờ. Tâm trạng con người như hoàn toàn thay đổi với đất trời.

Khao khát trở về với cội nguồn đốt cháy con tim. Những ký ức, kỷ niệm về tuổi thơ, những hình ảnh thân thương tuôn trào. Con người tìm về nơi mình sinh ra. Mặc cho hình ảnh đơn sơ mộc mạc con người cảm thấy chúng tràn đầy ý nghĩa. Chúng là sự cuốn hút, là nguồn cảm hứng, là năng lực đổ đầy niềm khát khao được sống được yêu thương.

Con người xa quê hương như thiếu vắng hơi ấm của Đất mẹ. Chân trời mênh mông chỉ còn là khoảng trống vô hạn và nỗi nhớ vô bờ. Ai đã cho người trái tim để nhịp đập của nó hòa quyện với hơi thở của anh em đồng loại. Có những khác biệt nhưng không thể không thương không nhớ !

Đối với những ai tin vào Đức Giêsu, khát khao tìm về Đất mẹ vô biên nơi Thiên Chúa tình yêu là tất cả trong mọi sự còn rực cháy hơn thế nữa. Thánh giáo phụ Tây phương vào cuối thế kỷ thứ 4 và đầu thế kỷ thứ 5, Augustinô, sau khi miệt mài tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong các tư tưởng triết học, nghệ thuật, văn thơ…, đã đúc kết kinh nghiệm của mình trong những lời đầu của cuốn Tự Thuật : “Chính vì Chúa tạo dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con luôn khắc khoải tìm kiếm cho tới khi được an nghỉ trong Ngài”. Thực tại trần thế mang ý nghĩa tròn đầy khi con người trong nó luôn hướng về thực tại siêu việt.

Mừng xuân mới, con người ở giữa trời và đất giao hòa với lòng kính cẩn và niềm khát khao cho tình yêu của Thượng Đế chan hòa mặt đất. Con người với nhau trao ban những lời cầu mong tốt đẹp. Ngày đầu xuân thánh thiêng và nồng ấm tình huynh đệ !

Chúc mừng Năm mới – Bonne Année – Happy New Year !

Trần Văn Khuê, aa


Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

TÌNH YÊU


Hai chữ tình yêu đa nghĩa khơi gợi nơi mỗi người những cảm xúc đa chiều : ngọt ngào và cay đắng, mộng mơ và thực dụng, phong phú và nghèo nàn…. Văn thơ không thiếu những câu chữ tình ; nghệ thuật không thiếu hình ảnh gợi nghĩa ; và cuộc sống chất chứa nhiều thi vị tình yêu.

Không gì đẹp và cao quý hơn tình yêu. Nó đẹp từ mông lung trong giấc mộng cho tới nghĩa cử hy sinh nơi xác phàm. Nhưng, tình yêu lại không luôn chiều theo nhịp đập cảm xúc. Nó đẹp và cao quý vì nó cao thượng.

Gần đây ở Pháp nhiều người bày tỏ ủng hộ sự bình đẳng trong hôn nhân ; hôn nhân ngay cho cả những cặp cùng giới, vì đó là tình yêu. Tuy nhiên, các nhà nhân chủng học xác định : “hôn nhân không phải là đêm hội của tình yêu”. Tình yêu không chỉ là cảm xúc, tình yêu còn là lý trí – lý trí có khả năng xúc động.

Trong Ki-tô giáo – nơi tôi sinh ra và lớn lên, tình yêu không phải là kẻ thù của érôs[1], tình yêu xác phàm. Tình yêu cần có một cơ thể để biểu lộ. Nhưng  érôs không phải là tất cả. Tình yêu còn là agapé[2], tình yêu hướng thượng, tình yêu siêu nhiên (hướng tới sự siêu việt). Nó là tình yêu của Đấng vô biên, yêu thương vô vị lợi và không điều kiện.

Tình yêu được cụ thể hóa không chỉ nơi xác phàm mang những cảm xúc, mà còn nơi nghĩa cử yêu thương mà Ki-tô giáo gọi là tình bác ái – tình yêu rộng lớn. Nói về tình bác ái này, thánh Phao-lô viết : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7).

Trong thế giới mà hận thù thay cho tình yêu, cũng như tình yêu bị tầm thường hóa, chúng ta vẫn tin tưởng tình bác ái được tình yêu của Đấng vô biên lôi cuốn có khả năng biến đổi con người và thế giới.

Trần Văn Khuê, aa


[1] Érôs : thuật ngữ trong triết học cổ Hy-lạp nói về huyền thoại tình yêu, như thần tình yêu. Nó biểu lộ khát khao tình dục.
[2] Agapé : một thuật ngữ Hy-lạp khác nói về tình yêu siêu nhiên, tình yêu không điều kiện. Thuật ngữ này được sử dụng trong Tin Mừng.