Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

CÁI CHẾT


Đã là con người thì ai cũng phải chết ! Hẳn chúng ta không cần trở lại với luận bàn về chân lý này ở chiều kích nhân học, triết học.... Cái chết nhẹ như cánh tơ hồng, đó là kinh nghiệm của con người hiện sinh. Nó nhẹ nhàng ra đi bất chấp mọi thứ ngăn cản : tình yêu, gia đình, người thân và cả sự cứu trợ của y khoa.

Cái chết còn nhẹ nhàng hơn trong tư tưởng Ki-tô giáo : cái chết là ngưỡng cửa bước vào cuộc sống mới, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã tiêu diệt sự chết (x. 1Cr 15), và sự sống đời đời của con người là : “họ nhận biết [Thiên Chúa] Cha, Thiên Chúa duy nhất, chân thật và nhận biết Đấng mà Cha đã sai đến là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Chính kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống và niềm tin vào Ngài làm phát sinh niềm hy vọng nơi người Ki-tô hữu trên hành trình đi từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Cái chết không còn là sự hủy diệt gây thất vọng đối với họ.

Tuy nhiên, có những cái chết trong thời đại chúng ta dằn vặt lương tâm người lương thiện và thậm chí gây phẫn nộ. Đó chính là cái chết không có lời giải thích, cái chết mờ ám, cái chết được xem như không có gì xảy ra (nó chẳng có giá trị gì dưới cái nhìn của thủ phạm).

Cái chết này thường do sự mơ hồ về cuộc sống : ý nghĩa đời sống chân thật không được nhận biết, hoặc được “định hướng” một cách lệch lạc (tri thức, đạo đức).

Sự mơ hồ về cuộc sống rất gần gũi với cuồng tín ý thức hệ : sự nhận biết thiếu chân thật. Con đường từ sự mơ hồ tới cuồng tín giáo điều là con đường ngắn nhất dưới sự đạo diễn thâm sâu của chủ nhân độc quyền sân tuồng chính trị quyền lực bỉ ổi.

Sự mơ hồ về cuộc sống và cuồng tín giáo điều là thủ phạm gây nên những cái chết không thể có. Đó là cái chết của những người vô tội bị kết án. Những bản án giành cho họ nhẹ nhàng hơn cánh tơ hồng của cái chết.

Cái chết này chất vấn lương tâm nhân loại !

Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét