Mục sư Martin Luther King có một câu nói nổi tiếng : “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) trong bài diễn văn cùng tên được đọc tại Đài tưởng niệm Lincoln vào ngày 26 tháng 08 năm 1963. Ông mơ về một nước Mỹ mà nơi đó người da trắng và da đen có thể sống chung hòa hợp và bình đẳng với nhau.
Câu nói và bài diễn văn này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh không biết mệt mỏi, sợ hãi và không khoan nhượng của Martin Luther King. Ông dấn thân cho “giấc mơ” này với niềm xác tín mãnh liệt : vì nó là giá trị nhân văn và là một trong những yếu tố làm nên phẩm giá con người. Hôm nay nhiều người biết tới ông với danh ngôn nổi tiếng này cũng như với cuộc đời dấn thân cho giấc mơ của ông. Quả thật, giấc mơ này đã vượt khỏi phạm vi cá nhân của Martin Luther King để trở thành giấc mơ của nước Mỹ và của toàn nhân loại qua mọi thời.
“I have a dream” không phải là một thứ giấc mơ thần tiên, lãng mạn và siêu thực, nhưng là một giấc mơ đi từ một thực tại nhân sinh. Nó xuất phát từ kinh nghiệm về những gì xâu xé con người : quyền lực, sự phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội. Giấc mơ không chỉ mang tính thi ca mà còn là một cuộc sống chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau : hoan hỷ, sầu não, ai oán, cùng cực ….
“I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) xem chừng như rất đơn giản nhưng nhân loại cho tới hôm nay lại còn phải nhọc nhằn từng bước lê trên con đường tới “giấc mơ”. “I have a dream” hoàn toàn không có gì quyến rũ : nó là con đường của sự hy sinh và của tình liên đới xóa bỏ sự khác biệt chính kiến, văn hóa, tôn giáo và màu da. Hơn nữa, nó còn là giấc mơ của “kẻ phản loạn” chống lại những lợi ích và ý chí thống trị của những kẻ mạnh. Chính vì thế “giấc mơ” là con đường ghồ ghề, cam go và nguy hiểm tính mạng cho bất cứ ai dấn thân trên con đường này. Những gì đang xảy ra đây đó, hôm qua và hôm nay, cho ta thấy rõ điều đó mà không cần lời giải thích. Khi “giấc mơ” đi ngược lại những mơ ước của các nhóm đặc quyền đặc lợi nó trở thành “kẻ phản động”.
Đã 49 năm tròn trôi qua, nhưng giấc mơ của Martin Luther King cũng là giấc mơ của chúng ta hôm nay. Ai không có trong mình một “giấc mơ” là không ý thức về cuộc sống của chính mình và của những người khác.
Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét