Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH

“Công lý và hoà bình” – một thuật ngữ truyền thống Kinh Thánh, trở thành tên gọi của Ủy ban trực thuộc Giáo hoàng Công lý và Hoà bình. Ủy ban này được Đức cố Giáo Hoàng Phao-lô VI thiết lập vào năm 1967 theo tinh thần của Công đồng Va-ti-ca-nô II, được diễn tả trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Hiến chế mục về Giáo hội trong thế giới hôm nay : “Ngày nay, nhìn nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đa số nhân loại và để cổ võ sự công bình, đồng thời cổ võ tình yêu Chúa Ki-tô đối với người nghèo khổ ở khắp nơi, Công đồng cho là rất đáng mong ước việc thiết lập một cơ quan chung cho toàn thể Giáo hội có nhiệm vụ thôi thúc cộng đoàn Công giáo hầu cổ võ sự phát triển trong các vùng nghèo khổ cũng như cổ võ công bình xã hội giữa các quốc gia.”[1]
Hôm nay, phong trào công lý và hoà bình được phát động mạnh mẽ nơi các vùng, quốc gia chất chứa nhiều bất công xã hội hay những xung đột vũ trang đẵm máu. Những người hoạt động cho phong trào công lý và hoà bình đòi hỏi các Nhà nước tạo lập một nền công lý và hoà bình vì lợi ích của con người. Việc thành lập Ủy ban Công lý và Hoà bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, vừa chính thức ra mắt (27-05-2011), đi theo hướng này : “Hướng tầm nhìn đến các tín hữu Công giáo Việt Nam để giúp họ thấu hiểu và thể hiện công lý và hoà bình trong đời sống theo mẫu gương Chúa Ki-tô và Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo; nhờ đó giúp họ thăng tiến toàn diện con người và làm phát triển cộng đồng xã hội.”[2]
Những trình bày trên đây nói cho chúng ta các định hướng nền tảng của Ủy ban Công lý và Hoà bình. Tuy nhiên, chúng ta còn phải đi xa hơn nữa để hiểu mối tương quan nội tại mang đầy ý nghĩa giữa “công lý và hoà bình” : “Tín nghĩa ân tình này hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 85,11).
“Công lý và hoà bình” khẳng định nguyên lý nền tảng : không tồn tại bất cứ một nền hoà bình nào trên thế giới nếu không có công lý. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng viết : “Hoà bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hoà bình là “công trình của công bằng” (Is 32,7)” (số 78). “Hoà bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh” ; hoà bình là công lý và công lý là hoà bình.
Quả thật, Đức cố Giáo hoàng Phao-lô VI, trong Thông điệp Pacem in teris (Hoà bình trên trái đất, 1963 ), đã xác định hoà bình chỉ được xây dựng trên những giá trị : chân lý, công bình, bác ái, và tự do. Ngài viết : “Nhưng, hoà bình chỉ là một tiếng trống rỗng, không có nghĩa, nếu nó không được xây trên “trật tự” mà, với một niềm hy vọng nồng nhiệt, Ta đã phác họa những nét chính trong Thông điệp này : Trật tự đặt trên chân lý, xây theo đức công bình, lĩnh nhận từ đức bác ái sức sống và mức sung mãn, và sau cùng, được biểu thị, một cách sung mãn trong tự do” (số 13).
Trước khi đi đến phần đúc kết tư tưởng trên đây - về một nền hoà bình đích thực được xây dựng trên những giá trị siêu hình và đạo đức, Đức cố Giáo hoàng Phao-lô VI đã phân tích phẩm chất của một nhân vị gắn liền với những quyền căn bản và sự tự do. Những phẩm chất này đặt điều kiện cho mối tương quan liên vị cũng như mối tương quan giữa mỗi cá nhân với các cộng đồng chính trị. Một nền hoà bình đích thực, từ đó, là kết quả của việc tôn trọng những phẩm chất này nơi con người.
Như vậy, chúng ta nhận thấy, con đường đạt tới một nền hoà bình còn gặp nhiều trắc trở trong thế giới chúng ta và ngay trong đất nước này. Khi công lý trong chân lý và bác ái chưa được thiết lập thì hoà bình chỉ là một từ “trống rỗng”.
Trần Văn Khuê, aa


[1] Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 90.
[2] Mai Trang,Lễ ra mắt Ủy ban Công Lý Hoà Bình HĐGMVN và tọa đàm "Công lý và Hoà bình theo Giáo huấn xã hội Công giáo" ( http://www.giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=7429 ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét