Đối với những ai ở trong truyền thống Ki-tô giáo, từ “ơn gọi” được hiểu như một đời sống dấn thân trong bậc sống tu trì (linh mục và tu sĩ). Từ này còn có mối liên hệ chặt chẽ với một từ khác trong Kinh Thánh : “lắng nghe” (lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa).
Tuy nhiên, ngày nay từ “ơn gọi” được hiểu một cách rộng hơn trong những lãnh vực hoạt động nghề nghiệp khác nhau, đặc biệt với thần học Tin lành[1]. Ơn gọi còn được hiểu như đời sống hoạt động trong các nghề nghiệp khác nhau.
Tại sao chúng ta phải nói : cuộc sống con người là một ơn gọi ? Trong thời đại của khoa học, công nghệ và kỹ thuật, con người nhiều khi bị kỹ thuật hóa. Tôi đã đề cập tới vấn đề này trong bài viết : “Những quyền lực mới thời hậu hiện đại”. Hơn nữa, giá trị đời sống con người cũng được đo lường bởi tính hiệu quả kinh tế. Những câu hỏi hiện sinh hình như được chuyển đổi. Thay vì đặt những câu hỏi như : “Ý nghĩa của cuộc sống con người là gì ?” và “Đâu là cứu cánh của con người ?”, người ta đặt câu hỏi theo cách khác : với mức phát triển này con người có thể đảm bảo cho một tương lai bền vững ? Hay ta có thể sống với mức thu nhập này ? Những câu hỏi đại loại như thế bộc lộ tư tưởng gắn cuộc sống con người vào duy nhất những yếu tố kinh tế. Kinh tế, một cách nào đó, đặt định mệnh cho cuộc sống con người theo cái nhìn của con người thời đại chúng ta.
Thăng tiến đời sống và ơn gọi làm người
Trước hết, ơn gọi làm người là thăng tiến đời sống. Được sinh ra con người không thể bị phó mặc cho những định chế - chính trị, kinh tế và xã hội, mà nơi đó con người trở thành nô lệ một cách bắt buộc cũng như tự nguyện, hay cho những sự “hỗn mang” trong thế giới. Một cách đích thật, con người là tác nhân của sự sống và được đảm bảo để sống sung mãn đời sống con người mà không bị bất cứ điều gì chống lại nó.
Xác định về việc thăng tiến đời sống như ơn gọi làm người chống lại việc sử dụng con người và sự sống một cách tùy tiện. Con người không thể tự ban cho mình sự sống và quyền định đoạt trên nó. Thăng tiến đời sống và bảo vệ sự sống gắn liền với ơn gọi làm người. Như vậy, nếu như, những lúc, người ta phải nói lên những điều nào đó nhằm bảo vệ sự sống con người và chúng cũng có thể đối kháng với quyền bính, điều đó không xuất phát tự động cơ chính trị, nhưng là từ ơn gọi làm người.
Sự nghiệp và ơn gọi làm người
Trong cuốn sách “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản”, nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức, Max Webber, cho rằng Giáo hội Công giáo đánh giá thấp giá trị lao động và hoạt động kinh tế con người. Tuy nhiên, đối với truyền thống Ki-tô giáo nói chung, những hoạt động xã hội thuộc về ơn gọi làm người của mọi con người. Những hoạt động này xuất phát từ lời mời gọi đầu tiên của Thiên Chúa với con người được ghi trong sách Sáng Thế. Những hoạt động xã hội ở đây, được hiểu trong ngôn ngữ thông thường, bao gồm tất cả những hoạt động chính trị, kinh tế và sự nghiệp khác nhau.
Ý nghĩa và nền tảng của hoạt động sự nghiệp như ơn gọi làm người nhắm tới việc kiến tạo một thế giới công lý và hòa bình trong bác ái và sự thật. Thế giới này là hình ảnh của Nước Thiên Chúa. Mọi hoạt động sự nghiệp không thể nhằm mục đích cũng cố những định chế cũng như làm cho con người lệ thuộc vào lợi nhuận, nhưng buộc chúng phục vụ những thiện ích con người. Công việc không ngoài mục đích là tạo dựng thế giới mà nơi đó con người quả thực sống với tư cách con người trọn hảo trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Con người quy hướng về Thiên Chúa
Sau cuộc hành trình tìm kiếm, thánh Augustinô đã đúc kết ý nghĩa cuộc sống bằng những lời sau đây : “Ngài đã tạo dựng chúng con cho Ngài và trái tim chúng con chưa nghỉ ngơi được chừng nào chưa an nghỉ trong Ngài” (Tự Thuật). Ơn gọi làm người của con người là tìm kiếm sự hiểu biết đích thực. Sự hiểu biết này là nhận biết Thiên Chúa – nguồn của mọi điều thiện hảo và siêu việt.
Những ai biết về Thánh Augustinô đều thấy con người này đã đi tìm chân lý về con người trong kho tàng khôn ngoan của nhân loại : triết học, các khoa học, cũng như qua những trải nghiệm của đời sống đam mê nhục dục. Cuộc tìm kiếm của Augustinô cho thấy : con người chỉ đạt tới Chân – Thiện – Mỹ khi vượt qua mọi định kiến tư tưởng và có một trái tim biết mở ra với những thực tại siêu việt.
Con người luôn quy hướng về Thiên Chúa. Điều đó không phải chỉ vì con người mang tính tôn giáo hay được giáo dục về tôn giáo, nhưng đời sống con người là một ơn gọi. Ơn gọi này là cuộc hành trình của đời sống mà con người luôn khao khát tìm kiếm những gì chân thật. Và chỉ có sự thật giải phóng con người (x. Ga 8,32).
Trần Văn Khuê, aa
[1] Max Webber (1864-1920) đã khai triển tư tưởng này trong tác phẩm của ông : “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản” (1904-1905).
bai viet nay chan that gan gui va de hieu.
Trả lờiXóaDay la phong cach viet bai em rat thich.
Chuc Anh Khue nhieu suc khoe va viet nhieu hon nua de xay dung doi