Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI

Hiến chế Vui mừng và Hy vọng - Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, của Công đồng Va-ti-ca-nô II xác định : “Hy vọng và lo âu. Để chu toàn nhiệm vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm ;  như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thủa của con người về ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó.” (số 4)
Tư tưởng được đúc kết trong những lời trên đây của Công đồng mở ra một viễn cảnh mới cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Trong hơn 40 năm qua, nhờ luồng khí mới được thổi vào Công đồng Va-ti-ca-nô II, Giáo Hội đã tìm lại vai trò của mình. Giáo Hội ý thức mình cần yêu mến thế giới như chính nó và lắng nghe những “dấu chỉ của thời đại”.
Những giá trị thần học và mục vụ sâu xa của các văn kiện Công đồng, đặc biệt là Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, việc nhận diện “những dấu chỉ của thời đại” để giải đáp “những thắc mắc muôn thủa của con người về ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy” lại là một vấn đề nan giải trong thế giới đa hợp - văn hóa, tôn giáo và chính trị, hôm nay.
Trước hết, về phương diện văn hóa. Những nét văn hóa thuộc những nền văn hóa khác nhau trên thế giới hôm nay không còn mang tính thuần khiết. Chúng chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoại lai, tức là một phần của nền văn hóa khác. Mặt khác, trong sự tiến triển của bất cứ nền văn hóa nào, chúng ta thấy sự giằng co giữa những thái cực :  truyền thống và hiện đại, tiến bộ và bảo thủ, hội nhập và bảo vệ tính đặc thù. Những sự biến động này tác động lên đời sống con người - cách suy nghĩ và hành động : con người có thể bị xâu xé trong việc tìm kiếm căn tính (trở về nguồn) hay theo khuynh hướng hiếu hòa : san bằng các nền văn hóa.
Chính những biến động văn hóa này cũng làm thay đổi cách đặt vấn đề và “những thắc mắc muôn thủa của con người về ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy”.
Tiếp đến, về phương diện tôn giáo. Nhiều người hôm nay vẫn khẳng định tầm quan trọng của yếu tố tôn giáo nơi đời sống con người trong xã hội. Thế nhưng, song song với chủ nghĩa vô thần, phòng trào trần tục hóa lại xem chừng đang lên ngôi trong thời đại chúng ta. Thực sự, phong trào này không nhằm mục đích bài trừ hay chống đối tôn giáo. Nhưng, tính chất của nó là xây dựng một nền nhân học duy quy hướng con người : tất cả đều khởi đi từ con người và trở về với con người. Nó cũng khuyên khích tinh thần tự do tuyệt đối và giải thích ý nghĩa đời sống con người dưới ánh sáng của khoa học.
Hơn nữa, trong một xã hội đa tôn giáo, với tinh thần của sự liên đới và hiệp thông, người ta sẽ dễ dàng sống theo khuynh hướng chủ nghĩa tương đối : không còn đặt nặng sự tuyệt đối của một tôn giáo. Như vậy, “ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy” nơi nhiều người cũng bị thay đổi.
Cuối cùng, về khía cạnh chính trị. Khía cạnh này của đời sống con người luôn luôn phức tạp và “dấu chỉ” của nó nhiều lúc mập mờ. Khuynh hướng chính trị nào là tốt nhất để thăng tiến đời sống con người và như vậy người ta cần phải dấn thân trong đó ? Chúng ta vẫn biết sự lũng đoạn trong chính trị có thể tồn tại nơi bất cứ thể chế chính trị nào, đặc biệt là nơi những chế độ độc tài hay vừa độc tài vừa vô thần. Thế nhưng, chúng ta không thể bỏ qua đời sống chính trị và “cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó.”
Tóm lại, khi nhìn thế giới từ những chiều kích văn hóa, tôn giáo và chính trị, chúng ta nhận thấy những sự phức tạp của nó. Việc “tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại” để giải đáp “những thắc mắc của con người về ý nghĩa cuộc sống” là một công việc hoàn toàn không đơn giản. Đối với người Ki-tô hữu, việc đọc những “dấu chỉ của thời đại” không thể tách lìa với việc lắng nghe Lời Chúa. Đó là điều mà Công đồng Va-ti-ca-nô II gọi : “Tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm.” Giải thích “những dấu chỉ của thời đại” không thể chỉ duy lý trí và duy ý chí.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét