Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

NHỮNG HÌNH ẢNH NÀY NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?


Bất cứ hình thức bạo lực nào đều nói lên một sự bất ổn của đời sống xã hội. Sự bất ổn này không chỉ được hiểu trong phạm vi an ninh xã hội và chính trị : bạo lực đồng nghĩa với việc mất an ninh. Bạo lực còn hàm chứa vấn đề đạo đức và pháp lý.
Hình ảnh trên đây của những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực người lớn. Các bé là nạn nhân của người sinh thành, của ông chủ và của chính người đại diện pháp luật. Chúng ta đọc biết những câu chuyện này trên báo chí : bé Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi, đã bị vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức, Cà Mau, hành hạ trong suốt thời làm việc cho đôi vợ chồng này ; bé Bùi Xuân Thuận, 11 tuổi, bị chính cha ruột của mình dạy cho những bài học bằng roi điện và “bắt phải ăn phân người” chỉ vì một lần bé không ăn cơm ; bé Hồng Anh, 4 tuổi, bị người “bố hờ” của mẹ bạo hành liên tục trong thời gian dài ; bé Ngô Đình Phát, 11 tuổi, bị đánh đập dã man ngay tại trụ sở công an phường Thủy Xuân, tp Huế.

Hình ảnh của những em bé trên đây đại diện cho nhiều đứa trẻ khác vẫn tiếp tục bị người lớn hành hạ dưới nhiều hình thức khác nhau. Những câu chuyện thương tâm, dã man, xem chừng chỉ xuất hiện trong phim, lại được bắt gặp nơi đời sống thực.

Các câu chuyện về những đứa trẻ bị hành hạ đặt vấn đề về đạo đức và pháp lý trong xã hội của chúng ta.

Các câu chuyện thật được kể lại với những tình tiết tra tấn bằng roi điện, bằng kềm …, cho thấy lương tâm con người đã trở nên cặn đục. Không chỉ thủ phạm gây nên những vết thương làm kinh hoàng mọi người, mà còn những người chứng kiến cảnh tượng đó cũng chỉ phản ứng một cách yếu ớt để rồi tình trạng bạo lực man rợ cứ thế kéo dài. Đâu là lương tâm của sự liên đới và trách nhiệm nơi chúng ta khi mà chúng ta không có khả năng ngăn chặn bạo lực ?

Hệ thống luật được làm ra không ngoài mục đích là bảo vệ con người, đặc biệt là những ai không thể tự bảo vệ mình. Bạo lực trong những trường hợp trên đây không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn vấn đề luật pháp. Nó can thiệp quá trễ sau khi những đứa trẻ đã hoàn toàn mang nơi mình những thương tật (thể xác và tinh thần) một cách trầm trọng. Hơn nữa, điều thật sự khôi hài là chính luật pháp lại chà đạp lên phẩm giá con người như trường hợp của bé Ngô Đình Phát, bị đánh đập tại trụ sở công quyền.

Tóm lại, hình ảnh này nói cho chúng ta điều gì ? Quả thật, nó nói lên nhiều điều trong đời sống xã hội của chúng ta : lương tâm con người cặn đục, nền giáo dục nhân văn thiếu nền tảng, tính chất đạo đức xã hội bị biến chất, một nền pháp luật không coi trọng đủ con người, và BẠO LỰC CỦA QUYỀN HÀNH LÊN NGÔI.

Trần Văn Khuê, aa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét