Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

ĐỐI KHÁNG : MỘT YẾU TÍNH CỦA SỰ PHÁT TRIỂN

Có lẽ nhiều người sẽ nghi ngờ về tính chính đáng của tựa đề bài viết này, vì hình như nó chứa đựng yếu tố nghịch lý : đối kháng là một yếu tính của sự phát triển. Sự nghi vấn này có thể đến từ những lý giải khác nhau mang tính khách quan.
Trước hết, một cách tự nhiên, người ta thường tìm kiếm những gì là bình yên và phẳng lặng trong đời sống, không sóng gió, không tranh chấp, không xung đột. Quả thật, triết lý : “Dĩ hòa vi quý” (lấy sự hòa hợp với nhau làm trọng) vẫn được nhiều người Á đông xem là lẽ sống đích thực.
Hơn nữa, từ thực tiễn, việc đối kháng gây nên những cuộc xung đột làm bất ổn đời sống xã hội và chính trị trên thế giới. Những xung đột đã gây nên các cuộc bạo động và chiến tranh. Hình ảnh này khuyến cáo người ta tránh rơi vào sự đối kháng gây xung đột.
Cuối cùng, sự đối kháng có nguy cơ làm lung lay một thể chế, một quyền lực. Chính vì thế mà người ta tìm cách loại trừ đối kháng bằng mọi phương tiện có thể.
Tuy nhiên, mặt khác, sự thiếu vắng đối kháng nhiều lúc lại làm đời sống xã hội cũng như nhiều người trở thành một mảnh đời bình lặng, thiếu lý trí : chấp nhận những điều luật, những quy định vô điều kiện. Điều này dẫn tới một đời sống nhu nhược, hèn nhát, thiếu cầu tiến. Đây được xem như là cái chết êm dịu đối với đời sống con người và xã hội.
Thực sự, chúng ta không đi tìm sự đối kháng như một thứ triết lý tuyệt đối và tôn thờ nó, nhưng chúng ta lại không thể loại trừ nó vì những lý do khách quan.
Tính đối kháng gắn liền với sự phát triển tâm sinh lý con người :
Ngay từ ban đầu, tính đối kháng gây xung đột tồn tại nơi mỗi con người. Nó phát sinh từ các xung năng và thiên hướng khác nhau của con người. Những xung năng và thiên hướng này rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, cuộc tranh đấu đối với các xung năng được xác định một bên là lý trí và bên kia là cảm xúc. Dưới cái nhìn của khoa tâm lý và phân tâm học, cuộc hành trình lớn lên của con người này chứa đựng tính đối kháng. Con người không thể vứt bỏ hay phủ nhận nó, nếu không con người sẽ tự mâu thuẫn với chính mình.
Cuộc chiến này nhiều lúc làm cho con người mệt mỏi trên con đường đi tìm chân lý.  Mặt khác, sự đối kháng cũng làm cho con người trở nên năng động hơn. Con người phải biết vượt lên trên những chướng ngại vật để chiến thắng ; chướng ngại vật lớn nhất là con người đầy mâu thuẫn.
Đối kháng mang tính xã hội :
Mỗi cộng đồng xã hội mang tính đa dạng phát xuất từ sự đa dạng của các thành phần cấu thành, chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố như văn hóa, tôn giáo, truyền thống, giáo dục, cũng như khuynh hướng sống cá nhân. Sự đa dạng này luôn hàm chứa tính đối kháng.
Đối kháng mang tính xã hội. Hay nói cách khác, nó là thuộc tính của xã hội. Không ai có thể xóa bỏ hay áp chế sự đối kháng, cho dù người ta có trở nên độc đoán hay độc tài tới mức nào như Hít-le hay Sta-lin và những vật lịch sử khác mà chúng ta từng biết. Lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó. Độc tài chỉ có thể làm cho sự đối kháng càng lớn mạnh hơn thôi, chứ không thể xóa bỏ nó.
Người ta không thể phát triển xã hội bằng cách xóa bỏ đối kháng, nhưng cần phải điều phối những sự tương tác giữa các thái cực khác nhau tạo nguồn năng lực phát triển. Đó là triết lý chính trị trung thực và khôn ngoan. Sự đối kháng là cần thiết trong tiến trình phát triển xã hội vì nó có khả năng ngăn chặn sự độc tài bóp chết sự tự do con người và tạo chất xúc tác làm thay đổi những gì không phù hợp (về lý thuyết cũng như thực tiễn). Chính vì vậy, việc các nhà trí thức ủng hộ và kêu gọi thiết lập một thể chế chính trị đa nguyên tại Việt Nam phù hợp với lô-gíc này : đối kháng là yếu tính của sự phát triển. Việc thanh trừng những tiếng nói đối lập phá hủy một đất nước và hậu quả của nó không thể được đo lường trước.
Đối kháng giúp kiện toàn đời sống cá nhân :
Truyền thống triết học cổ Hy-Lạp cho rằng người ta chỉ có thể nhận biết mình khi tự soi trong tấm gương của người khác. Người ta không thể tự biết mình qua chính mình mà qua người khác. Cũng vậy, truyền thống thần học Ki-tô giáo khẳng định con người chỉ có thể hiểu biết chính mình và giải đáp những câu hỏi hiện sinh qua việc chiêm ngắm Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa.
Đức Giê-su đã từng khuyến cáo những người Pha-ri-siêu, các nhà thông luật và biệt phái – những người độc đoán trong hệ thống lề luật : họ chỉ thấy cái rác trong mắt của người khác mà không thấy cái xà trong mắt mình (x. Mt 7,1-5). Người ta thường sáng tỏ với người khác, nhưng lại mù lòa với chính mình khi bỏ qua việc lắng nghe những gì đối kháng với mình.
Sự đối kháng là tấm gương mà qua đó từng cá nhân soi vào để kiện toàn đời sống.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét