Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY : TỪ “ĐIỀU CẤM” TỚI “NÊN LÀM”

Trong cuộc tìm kiếm và phát triển tự do của con người chúng ta nhận thấy những “điều cấm” nhiều lần đã châm ngòi cho những cuộc cách mạng làm thay đổi tư duy con người và những cơ cấu xã hội. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, tại Pháp, đã diễn ra cuộc cách mạng tình dục và người ta đòi hỏi bãi bỏ những điều cấm đoán: “Cấm những điều cấm !” Gần đây xảy ra cuộc cách mạng “Mùa xuân” tại các nước Ả-rập (Trung Đông và Bắc Phi) cũng đến từ những chế độ độc tài áp đặt thể chế chính trị của những “điều cấm”. Cuộc cách mạng này đã đặt dấu chấm hết cho một số chế độ độc tài.
Tiến trình này đi theo nguyên lý lô-gíc tự nhiên : “Tức nước vỡ bờ.” Những ức chế đối với “điều cấm” tồn đọng nơi con người và phát triển dần thành hành động. Như vậy, một xã hội được cai trị bằng thiết quân luật qua những “điều cấm” sẽ dễ tạo nên những sự căng thẳng và áp lực là những tác nhân gây nên các cuộc xung đột. Ai dám chắc rằng công văn của UBND Hà Nội yêu cầu “chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát của người dân” phản đối Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam[1] đã đem lại hiệu quả ? Tinh thần “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nơi những người yêu nước đang tạm thời bị “điều cấm” giam hãm.
Hơn nữa, ngoài những điều luật định nhằm đảm bảo đời sống chung và công ích, cũng như những chuẩn mực đạo đức xã hội, những “điều cấm” không có khả năng phát huy óc sáng tạo và sáng kiến cần thiết cho sự phát triển xã hội. Một xã hội kìm kẹp làm hao mòn những nguồn năng lực nơi con người. Chính điều này làm mất tính năng động nơi đời sống con người. Chúng ta hoàn toàn nhận thấy điều này một cách rõ ràng nơi các xã hội phong kiến và độc tài.
Cần phải thay đổi tư duy : từ “điều cấm” tới “nên làm”. Có người suy nghĩa rẳng nếu chúng ta lỏng lẻo với những “điều cấm” sẽ làm lung lay sự bền vững của chế độ. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng những chế độ chính trị và xã hội hà khắc sớm muộn đưa chúng tới hồi kết và đó là một cái kết bi đát. Chỉ có tình thần cổ vũ “nên làm”, theo nghĩa tích cực, trong hệ thống luật mới đảm bảo sự bền vững của một thể chế chính trị và xã hội. Luật nhân bản luôn luôn bền vững hơn luật “cơ chế”.
Trần Văn Khuê, aa



[1] Tiến Dũng, “Hà Nội yêu cầu chấm dứt biểu tình tự phát”, Vnexpress.net, ngày 18-08-2011, (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/08/ha-noi-yeu-cau-cham-dut-bieu-tinh-tu-phat/)

1 nhận xét:

  1. Qua that, khau ngu "interdit d'interdire" ma tac gia Thac Si Than Hoc Tin Ly Sao Khue de cap toi, ngay nay da an sau vao tam tri cua dan Phap.Interdit d'interdire la mot khau ngu noi bat nhat trong su kien xay ra vao thang 5 nam 1968 tai Phap, dien hinh la tai thu do Paris.

    Trả lờiXóa