Nhân
dịp kỷ niệm tròn năm sau khi được chọn làm người kế vị thánh Phêrô của ĐGH
Phanxicô (13-03-2013), tờ nhật báo Công giáo La Croix đúc kết một số sự kiện mà vị Giáo hoàng đến từ chây Mỹ Latinh
đã ghi dấu ấn trong lòng Giáo hội cũng như nơi đời sống xã hội với lời kết :
“Nhấn mạnh về lòng thương xót, ngài mời gọi tín hữu Công giáo đi ra khỏi trung
tâm là con người mình để hiện diện nơi các “vùng ngoại ô” của xã hội”[1].
Nét linh đạo nổi bật trên đây được chính ngài thực hiện qua giáo huấn, hành động
và cử chỉ. Để cho thấy con đường của Giáo hội đi trong chiều hướng này Tòa
thánh cũng đã công bố chủ đề Đại hội Giới trẻ Thế giới vào năm 2016 tại
Cracovie, Ba Lan : “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót
thương” (Mt 5, 7), tiếp theo sau mời lời gọi của Đức Giáo Hoàng đối với các bạn
trẻ trong dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janerio, Brasil (07-2013) :
“Các con hãy đọc lại Tám mối Phúc thật và hoạch địch cho đời sống mình”.
Với
đường hướng này ĐGH Phanxicô như muốn Giáo hội sống liên lỉ điều chính yếu mà
Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô mời gọi. Quả thật, Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước,
nói cho chúng ta biết về sự lớn lao của Thiên Chúa là lòng thương xót, như lời
của thánh Phaolô : “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng
ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống
với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ !” (Eph 2, 4-5). Hơn nữa,
chính Đức Giêsu đã dạy cho Tông đồ và dân chúng biết về lòng thương xót của
Thiên Chúa : “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13 ; 12, 7). Từ đó, họ
được mời gọi để sống lòng thương xót của Thiên Chúa nơi đời sống mình trong mối
tương quan với người khác. Một trong những giáo huấn của Đức Giêsu về lòng
thương xót như Thiên Chúa là dụ ngôn “người Samaria nhân hậu” (x. Lc 10,
29-37), qua đó Ngài mời gọi chúng ta không phải để xem ai là người “thân cận”
mình nhưng là trở nên người thân cận của người khác, đặc biệt là người bị nạn,
người bị bỏ rơi, người nghèo khổ : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Thật
vậy, Thiên Chúa không chỉ dạy con người về lòng thương xót, Ngài còn biểu lộ
lòng thương xót của chính mình cho con người qua Đức Giêsu : an ủi ai sầu khổ,
chữa lành kẻ bị tật nguyền và yêu thương họ cho đến cùng : “Người vẫn yêu
thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”
(x. Ga 13, 1).
Trước
ĐGH Phanxicô, chân phước Gioan Phaolô II – được nâng lên hàng hiển thánh vào
Chúa nhật II Phục sinh tới đây, 27-04-2014, cũng nhấn mạnh lòng thương xót của
Thiên Chúa nơi đời sống con người. Trong dịp phong thánh cho chân phước Faustina
vào ngày 30-04-2000, ngài đã thiết lập Chúa nhật II Phục sinh là Chúa nhật Lòng
Chúa Thương xót để cử hành và sống thông điệp lòng thương xót của Thiên Chúa
không chỉ cho Giáo hội mà còn cho toàn thế giới.
Đặt
mình sống dưới dấu chỉ của lòng thương xót, con người không hề bị xem khinh là
chủ thể bạc nhược hay khốn khổ cũng như không thể xem người khác là người đáng
thương hại. Ngược lại, dưới dấu chỉ của lòng thương xót, chúng ta sống kinh
nghiệm của niềm tin tưởng vào tình yêu đích thực : tình yêu tha thứ và được đón
nhận. “Nhờ tình yêu chúng ta được giải thoát và cứu sống” (ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI,
“Thiên Chúa là tình yêu”). Tình yêu này không chỉ là lễ hội của cảm xúc, nhưng
là tình yêu của người khiêm hạ như Đấng đã yêu thương chúng ta[2].
Trần Văn Khuê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét