Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CON THIÊN CHÚA

Giáo hội Công giáo bước vào Tuần thánh – tuần tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Giêsu, với việc cử hành Lễ lá. Trong Thánh lễ này phụng vụ Lời Chúa làm nổi bật hai điểm chính yếu : lặp lại cử chỉ của người Do thái đón rước Đức Giêsu vào thành thánh Giêrusalem và cuộc khổ nạn của Đức Giêsu tiếp theo sau đó. Vào dịp lễ Vượt qua của người Do Thái, Đức Giêsu từ Galilê lên Giêrusalem, dân thành Giêrusalem và môn đệ hân hoan tung hô Ngài là “Đấng từ Thiên Chúa mà đến” : “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên : Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời !” Lc 19, 36-38). Tuy nhiên, việc tiếp rước và lời tán dương này đã trở nên vô nghĩa. Bài đọc Phúc Âm về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, được cả bốn tác giả Phúc Âm ghi lại, phác họa cho chúng dung mạo Đức Giêsu : con người đau khổ và Thiên Chúa bị loại bỏ.

Trình thuật Phúc Âm trước hết cho chúng ta thấy tấn bi kịch vào đoạn cuối cuộc đời của Đấng thiên sai. Đức Giêsu trải qua thử thách tình yêu, tình bạn và tình thầy trò bị phản bội. Phúc Âm vừa nói về biến cố Đức Giêsu vào dịp lễ Vượt qua vừa mô phỏng thế giới pha trộn bởi sự gian dối, nơi đó Con Thiên Chúa cảm nhận và sống cho tới cùng thân phận con người. Giuđa chắc hẳn không phải là người tội lỗi nhất trên đời, nhưng cử chỉ Giuđa lại rất nổi bật : dùng cái hôn để giao nộp tình yêu. Chính Đức Giêsu thật sự ngỡi ngàng và ngậm ngùi hỏi y : “Giuđa, anh dùng cái hôn mà nộp Con người sao ?” (x. Lc 22, 47-48). Cái hôn tượng trưng cho tình yêu trở nên mờ ám và giả dối. Cái hôn như thế thật cay độc. Người ta hẳn có lý khi nói không cái đau nào lớn hơn nỗi đau khi tình yêu bị phản bội ? Cái hôn của Giuđa đã đưa Đức Giêsu đi cho hết đoạn đường tình yêu đến trần trụi nơi cái chết bị bỏ rơi đi vào cõi im lặng bao la giữa trời và đất.

Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu cũng là cuộc khổ nạn của Thiên Chúa bị loại bỏ. Thiên Chúa là ai, nếu không phải là Đấng mà con người kết án là đã tham dự vào quyền hành con người ? Trong tham vọng quyền bính con người không thể cho Thiên Chúa có chổ đứng nơi mình. Đóng đinh Ngài : “Đóng đinh ! Đóng đinh nó vào thập giá” (x. Lc 23, 21), là cách tốt nhất để con người được tự do theo cách nói của Nietzche. Hay đúng hơn, con người tự tạo “Thiên Chúa” của mình : "Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." (x. Xh 32, 4). Quả thật, Kinh Thánh cho chúng ta thấy kinh nghiệm đầu tiên về tội lỗi của người Do thái – của con người, chính là thờ ngẫu tượng. Hơn nữa, ý muốn đóng đinh Con Thiên Chúa bằng mọi giá không phải để loại bỏ một hiểm họa đáng sợ, nhưng qua đó con người muốn thách thức quyền năng của Ngài. Thánh Máccô trình thuật chi tiết trong cuốn Phúc Âm của mình như sau  : “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói : "Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi ! " Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau : "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Kitô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.” (Mc 15, 29-32). Trong đoạn này, có lẽ các thượng tế và kinh sư lấy lại từ “Kitô” mà Đức Giêsu sử dụng để nói cách châm biếm. Tuy nhiên, Đấng Kitô hay Đấng Mêsia nói về Đấng được xức dầu và được sai đến mà Đức Giêsu đã được tung hô khi vào thành thánh Giêrusalem. Nhưng, Thiên Chúa bị loại bỏ nơi cuộc khổ nạn của Đức Giêsu !

Hằng năm Giáo hội cử hành Tuần Thánh, đặc biệt là Tam nhật Phục sinh, và sống lại cách sống động cuộc khổ nạn của Đức Giêsu - Con Thiên Chúa và sự phục sinh của Ngài. Chiêm ngắn Đức Giêsu khổ nạn là chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu đó được biểu lộ trong sự điên dại như lời của thánh Phaolô. Cuộc khổ nạn cũng là hình bóng thế giới chúng ta, nơi đó Thiên Chúa đau khổ nơi hình ảnh con người và con ngươi như hình ảnh Thiên Chúa bị loại bỏ.

Trần Văn Khuê


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét