Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

HƠN THẾ NỮA

(Vì lý do cá nhân nên trong thời gian qua tôi không thể đăng bài. Hôm nay tôi lại mới có thể trở lại trang blog quen thuộc của mình với bài viết ngắn này. Cám ơn tâm tình của quý bạn đọc. Tôi ước mong là bạn đồng hành của các bạn và quý vị.)

Các thể chế chính trị và cơ cấu xã hội được thay đổi theo dòng lịch sử. Tuy nhiên, khi nói về nền tảng người Tây phương thường trở về với ngữ nghĩa triết học chính trị có nguồn gốc từ thời Hy lạp cổ đại. Trong triết học Hy lạp cổ đại người ta xác định ba phạm trù chính trị. Trước hết, chính trị được hiểu như xã hội dân sự. Nó là tổng thể đời sống xã hội được cơ cấu và phát triển. Tiếp đến, chính trị được hiểu như hiến pháp quy định thượng tầng cấu trúc và chức năng của các bộ phận xã hội, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn. Cuối cùng, chính trị được hiểu như nghệ thuật lãnh đạo, thực thi quyền bính.

Chính vì sự bao trùm của chính trị trên đời sống con người, nên chúng ta nói : “con người mang tính chính trị”. Nhưng, nếu như yếu tố chính trị liên hệ tới mọi lãnh vực đời sống xã hội như ý nghĩa trên đây, nó cũng không phải là tất cả đối với con người. Nhìn vào hậu trường chính trị hôm nay, trên bình diện quốc tế cũng như quốc gia đặc biệt, chúng ta có cảm giác tất cả là con rối trong kịch tuồng vĩ đại chịu chi phối bởi tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, đảng phái chính trị, hệ tư tưởng nhiều lúc cuồng tín giáo điều. Trên sân khấu kịch tuồng này truyền thông đại chúng hiện đại trở thành phương tiện ma thuật biến hóa khôn lường nhằm phục vụ “nhóm lợi ích”.

Con người không chỉ được sinh ra để thống trị và bị thống trị, vì lợi ích và cho lợi ích. Nó được sinh ra như quà tặng và sống kinh nghiệm làm người. Kinh nghiệm này vượt qua khuôn khổ của mọi định chế. Nó là chủ thể khát khao niềm hạnh phúc vô biên, vui sống trong mối tương giao và bình lặng trong cõi thâm sâu chính mình. Có những lúc con người nổi loạn. Tuy nhiên, việc nổi loạn này không nhất thiết đến từ tính chất “con người mang tính chính trị”, nhưng vì định chế xã hội ngăn cản con đường đường hạnh phúc, hay khi nó trở thành “kẻ thù” – vật cản đường, của con người.

Con người còn hơn thế nữa. Nó không thể tự phó mặc hay được trao phó cho bất cứ hệ tư tưởng nào. Nó là chủ thể tự do và mãi mãi tự do, “ngay cả trong việc làm tồi tệ nhất” (Nietzsche). Con người chỉ có thể là chủ và trung tâm của mọi thể chế chính trị và định chế xã hội.

Trần Văn Khuê


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét