Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

NGƯỜI CON HÒA BÌNH ?

Theo lẽ tự nhiên chúng ta nói về thế hệ người con Đất Việt sinh ra sau cột mốc 1975 như “người con hòa bình”. Bởi lẽ, cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam – Bắc đã chấm dứt từ đó. Những đứa trẻ sinh ra không còn biết khói đạn chiến tranh như cha ông chúng. Các cuộc chiến “khốc liệt” và “bi thương” chỉ còn là câu chuyện “thực thực – hư hư”, “mờ mờ - ảo ảo” và mang nhiều tình tiết “huyền thoại” được thêu dệt bởi nhiều màu sắc chính trị và cung bậc cảm xúc khác nhau qua truyện kể, truyền thông đại chúng hay được hệ thống hóa trong những trang sách “sử học”. Đó là cuộc chiến mà chính nhiều người thuộc bậc tiền bối của chúng cũng muốn quên đi trong cay đắng. Quên đi cho một quá khứ quá “bạo tàn” và quá “hãi hùng”. “Hòa bình”, đó là điều mà người ta tự hào.

Tuy nhiên, tôi lại sực nhớ câu nói của cố Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII trong thông điệp Pacem in terris (Hòa bình trên trái đất, 1963) : “Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh”. Thông điệp này được gửi cho tất cả mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh Công Giáo cũng như cho mọi người thành tâm thiện chí trên toàn thế giới, trong đó Đức Giáo Hoàng xác định sự tồn tại của nền hòa bình đích thực chỉ được xây dựng trên nền tảng sự thật, công lý, bác áitự do. Lời minh định này đưa tôi vào cuộc chiến tư tưởng về hòa bình trên mảnh đất đã hết rồi tiếng súng và bom đạn, nhưng tiềm tàng chiến tranh.

Chúng ta chưa có hòa bình khi cuộc chiến tự do đang bị đàn áp. Tự do không đồng nghĩa với vùng “giải phóng”. Tự do cũng không đồng nghĩa với “quan điểm chính trị” : bảo thủ hay phóng khoáng. Tự do vượt lên trên mọi quan điểm và thể chế chính trị. Điều khôi hài là khi ai đó biểu đạt sự tự do và tức khắc bị quy chụp về “quan điểm chính trị”. Tự do đơn giản là con người. Con người tự do có khả năng lý trí suy nghĩ cách độc lập và không ngừng tìm kiếm hạnh phúc. Tự do là giá trị tự nhiên được thừa nhận cách phổ quát : “Mọi người sinh ra đều được tự do” (x. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Điều 1).

Chúng ta chưa có hòa bình khi cuộc chiến sự thật đang trong mây mù. Sự thật và giả dối như bức tranh tối sáng mờ mờ ảo ảo. Việc “đánh lộn con đen” như chiêu thức chính trị nhem nhúa trở nên thông thường. Trong bối cảnh thật giả như “vàng thau lẫn lộn” con người phải chơi trò hai mặt trong mối tương quan con người và xã hội. Tất cả chỉ là dối gian và bi kịch. Con người sinh và có quyền được biết và nhận biết những gì là chân thật. Tìm kiếm sự thật và xác tín sự thật là khuynh hướng bẩm sinh nơi con người.

Chúng ta chưa có hòa bình khi công lý bị áp đặt. Cán cân công lý không còn là thực tại khách quan, nhưng chỉ là sự áp đặt cách độc đoán từ nhóm quyền lợi, của kẻ quyền hành. Luật thiết định không còn giữ được bản chất nội tại căn bản là bảo vệ các “thành phần yếu” của xã hội, nhưng trở thành công cụ của quyền lực thống trị. Cuộc chiến công lý là cuộc chiến cho quyền tự nhiên : “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng” (x. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Điều 1).

Chúng ta chưa có hòa bình khi bác ái vẫn còn là thứ sản phẩm xa xỉ trong xã hội thực dụng, duy vật chất và phân biệt đối xử vì hận thù chính trị. Nếu như xã hội pháp quyền là biểu tượng cho nền dân chủ thì bác ái là biểu tượng cho xã hội nhân bản. Cuộc chiến bác ái là cuộc chiến cho nền tảng : con người không được sinh ra cho bạo quyền hay cho hận thù, nhưng là sống giá trị bác ái. Câu nói nổi tiếng của Antigone, nhân vật anh hùng của Sophocle trong kho tàng triết học cổ Hy-lạp : “Tôi sinh ra cho tình yêu, chứ không phải hận thù”. Biểu hiệu của đất nước hòa bình là lòng bao dung, sự chia sẻ, tinh thần liên đới và hòa giải trong bác ái.

Trần Văn Khuê, aa




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét