Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

BIẾN CỐ NGÀY LỄ NGŨ TUẦN


Hôm nay toàn thể Giáo Hội Công giáo long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mừng lễ, đối với Giáo Hội, là sống lại biến cố ngày lễ Ngũ Tuần mà sách Công vụ Tông đồ trình thuật :

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói : "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây ; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa ! " Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau : "Thế nghĩa là gì ? " Nhưng người khác lại chế nhạo : "Mấy ông này say bứ rồi ! "” (Cv 2, 1-11)

Không cần đợi tới hôm nay để chúng ta có thể nghe nghi vấn của nhiều người về tính hư cấu văn chương của biến cố ngày lễ Ngũ Tuần (năm mươi ngày sau lễ Phục sinh) : làm sao bổng chốc các Tông đồ trở thành người biết và nói nhiều ngôn ngữ khác nhau ? Hơn nữa, đó lại là thứ tiếng thuộc các miền xa lạ ! Người ta đặt câu hỏi : “Thế nghĩa là gì ?” ; người khác lại cho rằng “mấy ông này say bứ rồi” !

Quả thật, một trong những điều kỳ diệu của biến cố ngày lễ Ngũ Tuần là “ngôn ngữ”. Đó không phải vì, từ biến cố này, các Tông đồ nhanh chóng nói được nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng Thánh Thần của Chúa biến họ thành “thứ ngôn ngữ hiểu được” đối với người dân thuộc nhiều miền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Họ là những người đến từ Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a…. “Ngôn ngữ” đó không hẳn chỉ là “lời”, mà còn “biểu tượng” trở thành ngôn ngữ. Quả vậy, điều chính yếu trong đoạn sách Công vụ Tông đồ này nhấn mạnh : đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu, được Chúa Thánh Thần biến đổi, trở thành thứ ngôn ngữ hiểu được đối với nhiều người thuộc mọi dân tộc và và ngôn ngữ.

Thứ ngôn ngữ có thể hiểu được là gì ? Đó hẳn phải là thứ ngôn ngữ chuyển tải thông điệp Tin mừng. Nói cách khác, đó là đời sống người môn đệ - trở thành ngôn ngữ, thấm đậm tinh thần Tin mừng, và phác họa cách trung thực gương mặt Thiên Chúa tình yêu qua mầu nhiệm Nhập thể, cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Thứ ngôn ngữ này đi vào trong thế giới và người ta hiểu được nó là gì !

Trong thế giới mà việc sử dụng nhiều tiếng nói khác nhau như việc làm dễ dàng đối với nhiều người, ngôn ngữ của nó không hẳn lúc nào cũng hiểu được : ngôn ngữ của sự ích kỷ, thống trị, hận thù, độc đoán, độc tài, bạo hành, chiếm hữu…. Trong thế giới này chúng ta được mời gọi sống kinh nghiệm biến cố ngày lễ Ngũ Tuần của các Tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu.

Trần Văn Khuê, aa

1 nhận xét: