Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

ĐAU KHỔ

Kinh Thánh kể lại câu chuyện đáng thương về ông Tôbia trong cuốn sách cùng tên[1]. Ông là người đạo hạnh, tốt bụng, thương người cũng như có lòng kính sợ Thiên Chúa với lòng tin son sắt. Suốt một đời ông không bao giờ làm điều gian ác, nhưng chỉ biết làm việc thiện và giúp đỡ người khác. Người thân cận của ông là những người bất hạnh.

Là người bao dung và chính trực, thế nhưng ông lại phải gặp nhiều bất trắc và u sầu trong cuộc sống. Ông bị chính người thân thiết trong gia đình chửi rủa và hắt hủi cũng chỉ vì cái lòng tốt của ông. Bi kịch cuộc đời đạt tới đỉnh điểm là vào một ngày sau khi đi chôn cất người đồng bào xấu số bị giết chết nơi phố chợ, trong lúc Tôbia đang ngủ phân của một con chim rơi xuống mắt và làm đôi mắt ông mù lòa (Tb 2, 1-14). Lời đáp trả cay đăng cuối cùng của nàng Anna, vợ ông : “Các việc bố thí của ông ở đâu ? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi ? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi”.

Tôbia là biểu tượng của kinh nghiệm con người : “làm phúc, gặp họa” – kinh nghiệm phổ quát về sự đau khổ. Đó là kinh nghiệm sâu xa nhất về cuộc sống con người, khó có câu trả lời thích đáng. Tham vọng đưa ra các lời giải thích về bóng đêm của đau khổ chỉ mang tính phiến diện và hời hợt ; cũng như lời phân bua : “không sao đâu mà” hay an ủi : “sau cơn mưa trời lại nắng” xem chừng xuất phát từ tất cả tấm lòng thành lại trở nên vô tâm cách tàn nhẫn. Kinh nghiệm của người đồng cảm đích thực với đau khổ của người khác là sự thinh lặng trong đêm sa mạc. Quả thật, trước đau khổ, con người không có lời hay không đủ lời để nói đúng bản chất của nó.

Người Kitô hữu không tin vào thuyết “định mệnh” cũng như sự “tiền định” trong đau khổ, nhưng vẫn xác định đau khổ làm phần với cuộc sống con người. Tuy nhiên, con người không được sinh ra cho đau khổ, cũng không được ném vào trong “số phận”. Nó chỉ là sự ngẫu nhiên, sự trùng hợp tình cờ nơi cuộc sống con người. Sau tai nạn khủng khiếp, nhiều người tự hỏi cách tiếc nuối hay dằn vặt : Sao không đi sớm hơn hay muộn hơn một giờ ? Sao không đi trên chuyến xe khác thay vì chuyến xe này ? Sự bắt gặp giữa ngày giờ khởi hành và tai nạn chỉ là sự ngẫu nhiên.

Đau khổ của Tôbia cũng như đau khổ khác của nhiều người trong mọi thời đại, trong mọi hoàn cảnh, đối với người Kitô hữu, chỉ được thực sự soi sáng dưới ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu Kitô : mầu nhiệm tử nạm và phục sinh. Đau khổ không phải là định mệnh ; nó không phải là tiếng nói cuối cùng đới với cuộc sống con người. Sự sống mới là vĩnh viễn, trường cửu. Sự sống này được ban tặng ngay trong đau khổ. Không phải đau khổ sinh sa sự sống mới, nhưng trong đau khổ sự sống không thể bị tiêu diệt. Chính niềm tin Kitô này chiếu sáng vào nơi tăm tối của thảm cảnh chết chóc do đau khổ và thắp lên niềm hy vọng nơi ngục tù.

Câu chuyện Tôbia không nhằm mục đích chất vấn về mối tương quan giữa “việc làm tốt” và “cái kết có hậu” của nó. Tôbia là gương mặt Kinh Thánh điển hình về con người đem niềm hy vọng, được thúc đẩy bởi lòng tin, vào nơi đau khổ của con người. Con đường dấn thân này không loại trừ đau khổ của chính mình – bị mù lòa, và bóng đêm đen của niềm tin.

Trần Văn Khuê



[1] Sách Tôbia, một trong số 73 cuốn sách của bộ Kinh Thánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét