Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

TỪ THẬP GIÁ ĐỨC KI-TÔ

Hẳn chúng ta điều xác tín rằng Thập giá Đức Ki-tô là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa “trong hình thức triệt để nhất” đối với con người : “Trong cái chết trên Thập tự của Người, việc “Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình” đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su, mà thánh Gio-an nói đến (x. Ga 19,37) giúp chúng ta hiểu khởi điểm của Thông điệp này : “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó, có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Ki-tô hữu tìm được con đường để sống và để yêu.” (ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, Deus caritas est, số 12).

Tuy nhiên, mặt khác, Thập giá Đức Ki-tô còn là dấu chỉ lên án sự bạo lực của con người và tố cáo bản án của người vô tội. Chính vì vậy, cây Thập giá của Đức Ki-tô, ngoài ý nghĩa thần học, còn mang tính thời sự : nhiều người vô tội vẫn bị kết án cách bất công trong các xã hội khác nhau, đặc biệt là trong các xã hội độc tài ; những bạo lực đẫm máu vẫn xảy ra trên thế giới vì tính hung hãn con người.
Trong những năm gần đây, qua các nguồn thông tin khác nhau, có nhiều bản án được dành cho người vô tội trên đất nước này. Trong số họ có những người từng bày tỏ lòng yêu nước và con người Việt Nam như : Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) …. Danh sách những người bị bắt ngày mỗi dài thêm và gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
Những cái chết do bạo lực công quyền cũng gia tăng mỗi ngày. Nhiều cái chết “bí ẩn” xảy ra ngay chính nơi các cơ quan công an – cơ quan này, xét về luật, phải có chức năng bảo vệ sự an toàn cho người dân (CÔNG – AN). Tuy nhiên, cơ quan này đang trở thành nỗi ám ảnh nơi người dân, một nỗi ám ảnh cần được giải trừ. Danh sách của những cái chết này cũng ngày càng rất dài : Trần Minh Sỹ (23 tuổi), Gia Lai; Nguyễn Mạnh Hùng (33 tuổi), Hà Nội; Đặng Trung Trịnh (32 tuổi), Hải Dương; Nguyễn Văn Long (41 tuổi), Bình Phước;  Nguyễn Quốc Bảo (33 tuổi), Hà Nội; Huỳn Tấn Nam (21 tuổi), Khánh Hòa; Nguyễn Phú Trung (41 tuổi), Hà Nội; Nguyễn Thành Năm (43 tuổi), Đà Nẵng; …. !
Ngoài ra, những cuộc “khủng bố” – tinh thần và thể xác, đang trở thành hiện tượng xã hội đáng sợ trong đất nước này. Đó là những gì đã từng xảy ra ở vùng đất Thái Hà, Hà Nội và đối với nhiều cá nhân khác nhau. Các cuộc khủng bố này từng xảy ra một cách công khai với lực lượng mang quân phục, nhưng cũng nhiều lúc “bán công khai” với các nhóm “nhân dân tự phát” và thậm chí với những nhóm “côn đồ”. Tất cả họ đều là những công dân trong đất nước “định hướng XHCN”.
Nguời Ki-tô Hữu chiêm ngắm Thập giá Đức Ki-tô là nguồn tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Đồng thời họ cũng soi chiếu hình ảnh thập giá này nơi đời sống con người. Điều chắc chắn là trở thành Ki-tô Hữu chúng ta không đi tìm cái chết thập giá, nhưng dấn thân đến hơi thở cuối cùng cho việc đẩy lùi cái chết thập giá : bản án bất công cho người vô tội và bạo lực con người.
Ý nghĩa của ơn cứu độ đối với người Ki-tô Hữu là ngày lễ Phục Sinh : Đức Giê-su bước qua bóng tối sang ánh sáng, từ cái chết đến sự sống. Đó là nơi, Vương quốc mà người Ki-tô Hữu hướng tới. Nơi này không có chỗ đứng cho tính côn đồ và hung hãn rất vô nhân của con người.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét