Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

TỪ CÂY THẬP GIÁ TỚI SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Thập giá : một sự ô nhục chống lại con người

Bị kết án đóng đinh trên thập giá là một hình phạt mà người Rô-ma dành cho những tội nhân. Hình phạt này được xem là một sự ô nhục nhất, một nỗi đau đớn nhất được dành cho người phải nhận án phạt. Thánh Phao-lô đã cho chúng ta hiểu về điều này trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô : « Điều mà người Do-thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ » (1Cr 1, 23). Quả thật, thập giá không phải là vinh quang mà là một sự ô nhục.

Nếu như thập giá là hình phạt ô nhục nhất dưới thời Đế quốc Rô-ma, những cái chết ô nhục nhất của thế kỷ 20 mà chúng ta phải kể đến là những trại tập trung của Phát-xít Đức, những cuộc diệt chủng của Pôn-pốt, những sự bóp nghẹt sự sống con người của các chế độ độc tài. Khi nhìn lại những sự kiện lịch sử này – những sự kiện đã để lại trong lịch sử nhân loại một vết đen không thể tẩy xóa, và những gì đang diễn ra trong thời đại chúng ta (những cuộc xung đột đẫm máu, những vụ bắt bớ và kết án người vô tội), nhiều người chỉ có thể nói : thật là khủng khiếp, thật là kinh hoàng ! Nhân loại không thể có một lời nào để diễn đạt hết bản chất của chúng, cho dù là lời xin lỗi hay tha thứ. Ai dám nhận lời xin lỗi cho những người đã khuất ? Ai dám nói lời xin lỗi thay cho những kẻ đã gây nên những nỗi kinh hoàng cho những người vô tội ?

Bóng ma của thập giá vẫn còn đè nặng trên đời sống của chúng ta cho tới ngày hôm nay khi mà con người đang đối xử với nhau như những con sói trong cùng một cộng đoàn nhân loại.

Thập giá là một sự ô nhục chống lại con người. Bởi lẽ, những sự đối xử tồi tệ mà con người dành cho nhau không giúp nhân loại thăng tiến và đời sống con người trở thành nhân bản hơn. Ngược lại, chúng hạ thấp giá trị của con người - của kẻ thống trị cũng như của những người bị trị.

Suy tôn Thánh giá là chiêm ngắm « Đấng bị đâm thâu »

Thánh Gio-an viết : « Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu. » (Ga 19, 33-37).

Quả thật, khi suy tôn Thánh giá chúng ta không suy tôn một khúc gỗ hay cổ võ cho sự bạo lực biểu lộ trong án phạt này, nhưng chúng ta chiêm ngắm Đấng tuôn trào « máu cùng nước » từ cạnh sườn của Người.

Từ việc chiêm ngắm Đấng bị đâm thâu, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI đã tìm thấy ý tưởng cho thông điệp đầu tiên của mình : Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình yêu). Ngài viết : « Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su, mà thánh Gio-an nói đến giúp chúng ta hiểu khởi điểm của Thông điệp này : « Thiên Chúa là Tình yêu » (1Ga 4,8). Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó, có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Ki-tô hữu tìm được con đường để sống và để yêu. » (Deus caritas est, số 12)

Sự kiện phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô

Sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô là nền tảng đức tin của người Ki-tô hữu

Niềm vui phục sinh ! Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta khởi đầu từ tạo dựng được biểu lộ trong mầu nhiệm Thập giá, trong sự đau khổ và sự tự hạ của Chúa Giê-su như trong thư của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Phi-lip-phê. Tuy nhiên, sự ô nhục của thứ sáu Tuần thánh đã được thay thế bằng niềm vui của sự phục sinh.

Sự phục sinh của Đức Ki-tô là nền tảng đức tin của người Ki-tô hữu. Thánh Phao-lô khẳng định : « Nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng » (1Cr 15,14). Nếu Đức Ki-tô không phục sinh, câu chuyện về Người chắc chắn sẽ không có hậu và chấm dứt tại đồi Gôn-gô-ta ; nếu Đức Ki-tô không phục sinh, đức tin của chúng ta thật hảo huyền, vô nghĩa, không đem lại cho đời sống con người bất cứ điều gì.

Sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô là dấu chỉ của sự chiến thắng đối với điều dữ, tình yêu chiến thắng sự hận thù, sự sống mạnh hơn sự chết. Điều dữ, sự hận thù, sự chết không thể bị khuất phục bằng chính nó, nhưng bằng sự thiện, tình yêu và sự sống. Điều này không ngừng giúp cho chúng ta hy vọng để xây dựng thế giới, xã hội, cộng đoàn, bằng những nổ sự, những hy sinh và bằng tình yêu tự hiến.

Tin vào sự phục sinh của chúng ta

Sự phục sinh của Đức Ki-tô là nền tảng đức tin của người Ki-tô hữu, nó còn cho phép họ tin vào sự phục sinh của chính mình. Về vấn đề sự phục sinh của con người thánh Phao-lô đã mô tả trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô (1Cr 15,35-44) bằng hình ảnh của hạt giống được gieo vào lòng đất : hạt giống gieo vào lòng đất, chết đi và đơm hoa kết trái. Chính Đức Giê-su cũng đã sử dụng hình ảnh này để nói về cái chết của Người (x. Ga 12,24).

Thật vậy, hình ảnh này nói cho chúng ta một cách rất mạnh mẽ và đầy ý nghĩa : dù thân xác yếu đuối, nhỏ bé, mỏng dòn, khiếm khuyết…, nhưng nó sẽ được biến đổi hoàn toàn khác và trở nên đầy sức sống qua ân huệ phục sinh : « Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt ; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang ; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí » (1Cr 15,42-44).

Lời xác tín trên đây của thánh Phao-lô cho phép chúng ta hiểu giá trị lớn lao của thân xác chúng ta. Trong một xã hội mà con người tầm thường hóa thân xác (không tôn trọng thân xác con người) hay tôn sùng thân xác đến nỗi coi thường nó qua những thứ chủ nghĩa : chủ nghĩa khoái cực, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy vật, tin vào sự phục sinh của con người không phải là điều hão huyền, nhưng nó giúp con người thay đổi cách sống, cách suy nghĩ, cách hành xử và cho phép chúng ta xây dựng đời sống con người có ý nghĩa. Trong một xã hội mà nhiều người sống trong sự tuyệt vọng vì đời sống khó khăn, vì những bất lực, vì những bệnh tật, tin vào sự phục sinh mở cho con người một cánh cửa của hy vọng lớn lao. 

Lời kết

Từ thập giá tới phục sinh là con đường của cuộc sống chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm rằng trong cuộc sống có những lúc chúng ta chết đi và cũng có những lúc chúng ta cũng đã phục sinh. Chúng ta có nhiều lần chết đi và chúng ta cũng có nhiều lần phục sinh. Sự phục sinh cuối cùng là ngày mà chúng ta được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa muôn đời trên Thiên quốc. Đức Giê-su Ki-tô đã đảm bảo cho chúng ta về niềm hy vọng này qua cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người.

HA-LÊ-LUI-A, CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI !
NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI THẬT !

XIN KÍNH CHÚC QUÝ ĐỘC GIẢ TRÀN ĐẦY NIỀM VUI CỦA CHÚA PHỤC SINH !

Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét