Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

ĐỜI SỐNG TRÁCH NHIỆM

Khi nói tới đời sống trách nhiệm chúng ta thường liên tưởng tới những chức vụ mà chúng ta đảm nhiệm trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, đời sống trách nhiệm bao trùm toàn bộ đời sống của mọi người, không phân biệt địa vị xã hội của từng cá nhân cũng như không được miễn trừ đối với bất cứ con người nào. Trách nhiệm là sự đòi buộc nền tảng đối với ơn gọi làm người và đời sống đạo đức.
Đời sống đạo đức là nền tảng cho việc xây dựng đời sống xã hội. Không có bất cứ cộng đồng nhân loại đích thực nào tồn tại nếu không có đời sống trách nhiệm. Đời sống trách nhiệm này bao hàm việc “trông coi vũ trụ” và dấn thân cho những công ích.
Trách nhiệm “trông coi vũ trụ”
Trong bài viết : “Bảo tồn thiên nhiên : điều kiện thăng tiến con người” tôi đã nói tới trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên là điều kiện để thăng tiến con người. Trách nhiệm này mang tính đạo đức, được đặt trên nền tảng của những suy tư thần học và đạo đức trong truyền thống Ki-tô giáo.
Quả thật, nhiều người hôm nay quan ngại về những ô nhiễm ảnh hưởng tới môi sinh do những lạm dụng khoa học và tuy duy duy kinh tế trong sự phát triển, hoặc thậm chí do tư tưởng trục lợi cá nhân. Chúng thực sự tác động một cách sâu xa trên đời sống của con người. Trái đất là ngôi nhà của con người, nhưng ngôi nhà này đang phải đối mặt với nhân tố chống lại sự sinh tồn của nó. Con người vì thế được báo hiệu là đang sống trong sự bấp bênh. Mặt khác, người ta cũng khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt như thể những sự giàu có này chỉ được dành cho họ. Một điều chắc chắn là không có bất cứ cá nhân nào – dù là chủ tịch nước hay thủ tướng của một quốc gia …, được quyền tự cho mình lớn hơn sự sinh tồn và phát triển của cả một cộng đồng.
Trách nhiệm “trông coi vũ trụ” đặt vấn đề đạo đức đối với từng cá nhân, các tổ chức, các thể chế chính trị và xã hội. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi : con cháu chúng ta (trong nghĩa rộng) – những thế hệ tương lai, sẽ sống và đánh giá chúng ta như thế nào trong mức độ chúng ta “trông coi vũ trụ” hôm nay ? Điều chắc chắn là nếu chúng ta chưa có khả năng đặt câu hỏi này cho chính mình thì chúng ta cần phải xem xét lại tính chất đạo đức của đời sống trách nhiệm. Hoặc nếu như người ta cố tình sống theo chủ nghĩa thực dụng (mac-ke-no, một hiện tượng xã hội mới trong xã hội Việt Nam) thì người ta đang cổ võ cho một lối sống vô đạo đức.
Trách nhiệm đối với “công ích”
Một điều trái ngược khôi hài là trong đất nước được “định hướng xã hội chủ nghĩa” – lấy mục tiêu phát triển xã hội làm định hướng, chúng ta nhận thấy người ta ít tôn trọng hay ý thức tôn trọng những công ích. Những công trình công cộng là những công trình thường được thực hiện một cách vô trách nhiệm nhất. Qua báo chí chúng ta biết được nhiều công trình đã xuống cấp ngay sau khi hoàn thành. Mặt khác, ý thức về việc bảo tồn những di sản quốc gia xem chừng chỉ là chuyện giấy tờ. Người ta vẫn đặt câu hỏi về nguyên nhân, nhưng những câu trả lời cũng rất đa dạng và nhiều lúc vẫn chưa lột trần hết được những căn nguyên sâu xa.
Trách nhiệm đối với công ích là đòi hỏi mang tính pháp lý và đạo đức xã hội. Mọi công dân – không phân biệt chức vụ, cần được giáo dục ý thức về trách nhiệm đối với công ích. Chúng ta nhận thấy một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa các nền văn minh và nhân bản là ý thức trách nhiệm đối với công ích; cũng vậy, điều làm nên sự vĩ đại của những nhà lãnh đạo là việc đặt lợi ích quốc gia trên tư lợi và mọi toan tính chính trị. Những người Nhật Bản đã cho chúng ta thấy điều đó.
Tóm lại, đời sống trách nhiệm là nền tảng của đời sống nhân bản và đạo đức. Chúng ta vừa nói tới trách nhiệm “trông coi vũ trụ” và trách nhiệm đối với công ích. Tuy nhiên, nó còn cần được diễn giải trong nhiều lãnh vực đời sống xã hội khác nữa : cơ cấu pháp lý, kinh tế và xã hội. Tương lai của xã hội ngày mai là những gì chúng ta đang làm hôm nay. Đời sống trách nhiệm có sức mạnh làm thay đổi tất cả.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét