Trong những tháng đầu năm 2011 nổi lên những cuộc biến động chính trị trên thế giới. “Cuộc cách mạng Hoa Nhài” bắt đầu từ Ai-cập, qua Tu-ni-sia, tới Sy-ria và những hiệu ứng dô-mi-nô của nó trên khắp vùng Trung Đông và Bắc Phi. Hiện tại, những rắc rối chính trị và quân sự lại đang diễn ra tại Ly-bia với sự can thiệp quân sự của các nước đồng minh NATO vào nước Bắc Phi này. Còn nữa, trong những ngày gần đây, vùng Biển Đông lại nóng lên vì những tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, In-đô-nê-sia…. Các cuộc biến động chính trị và quân sự này tạo nên những phỏng đoán khác nhau về một viễn cảnh hòa bình trên thế giới, cũng như sự biến chuyển về chính trị.
Có những lý do gây nên những cuộc xung đột này như lý do kinh tế, chính trị. Hai yếu tố này được xem có mối tương quan nội tại.
Chúng ta thấy rằng những nền chính trị thống trị lâu năm đã trở nên sức ép làm bùng nổ những gì bị đè nén nơi con người. Những quyền lực thống trị không thể mãi đàn áp mà không gặp phải sự kháng cự. Việc chống trả là một quy luật tự nhiên không chỉ được đặt trên nền tảng bản năng con người (đấu tranh và sinh tồn), nhưng còn từ khả năng lý trí và ý thức về sự tự do và công bằng xã hội. Tuy nhiên, những xung đột hình như cũng phát xuất từ yếu tố kinh tế: những lợi ích kinh tế trong những cuộc xung đột. Cái nhìn này xem chừng nghịch lý, nhưng lại là một sự thực.
Những tranh chấp gần đây ở Biển Đông bắt nguồn từ những tuyên bố về sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chúng ta ghi nhận rằng việc bảo vệ những vùng biển đang tranh chấp này không chỉ nhằm mục đích mở rộng bản đồ quốc gia. Bởi lẽ, diện tích lãnh thổ không đồng nghĩa với sức mạnh của một quốc gia. Việc bảo vệ này còn có lý do kinh tế: tiềm năng kinh tế của khu vực này. Đó cũng là lý do mà Trung Quốc theo đuổi chính sách giải quyết xung đột: những lợi nhuận kinh tế được chia cho các nước đang tranh chấp[1]. Giải pháp này hoàn toàn không nói lên mục đích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ!
Những ghi nhận trên đây đặt ra cho chúng ta câu hỏi: đâu là lý do sâu xa làm cho người ta sẳn sàng nhảy vào những cuộc xung đột? Câu hỏi này chắc hẳn đã được đặt ra và chúng ta – những người ngoài cuộc, cũng có những giả thuyết khác nhau.
Từ những thực trạng vừa được nêu trên đây, chúng ta có thể cho rằng một trong những lý do sâu xa đó là con người nhận thấy thiếu sự đảm bảo bền vững từ những tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên bao la, nhưng không phải là vô tận. Con người bắt đầu hiểu ra điều đó. Việc tích cóp những tài nguyên thiên nhiên từ những nơi khác sẽ tạo cảm giác an toàn cho những quốc gia. Chính điều này đã tạo nên các tác động dây chuyền: những xung đột về quyền lợi.
Đối với các Ki-tô Hữu, khuynh hướng này còn đặt ra một câu hỏi khác về trách nhiệm và tính chất đạo đức trong việc khai thác những tài nguyên thiên nhiên. Trong niềm tin Ki-tô giáo, vai trò của con người về trách nhiệm đối với vũ trụ được đặt trong mối tương quan giữa Đấng Tạo Háo và những người khác.
Trước hết, trong mối tương quan đối với Đấng Tạo Hóa. Vạn vật thiên nhiên không được phó mặc cho con người để con người muốn làm gì tùy thích. Đấng Tạo Hóa đã đặt con người trong vũ trụ này và cắt đặt con người canh tác và trông nom nó. Điều này nói lên rằng, một mặt, con người không phải là chủ của vũ trụ; mặt khác, việc bảo vệ vũ trụ làm cho con người được sống dồi dào: vũ trụ là nhà của con người. Việc tàn phá thiên nhiên chẳng khác gì chính con người tự kết liễu đời mình vì tự phá hủy nơi mình cứ trú.
Tiếp đến, khai thác tài nguyên trong ý thức bảo tồn nó là ý thức trách nhiệm đối với những thế hệ tương lai. Tài nguyên thiên nhiên không phải là sản phẩm độc quyền của một thế hệ con người. Khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô trách nhiệm là phi đạo đức: tính đạo đức trong mối liên đới và đời sống trách nhiệm đối với những người khác.
Tóm lại, bảo tồn thiên nhiên là điều kiện để thăng tiến con người. Vận mệnh con người tùy thuộc vào thái độ của nó đối với vạn vật vũ trụ. Đây cũng là điều mời gọi con người ý thức về sự phát triển bền vững trong mọi lãnh vực đời sống con người: tôn trọng con người, bảo vệ thiên nhiên và sống đúng tư cách con người được đặt để trong lòng vũ trụ để sống ơn gọi đồng tạo dựng với Đấng Tạo Hóa khi làm cho thiên nhiên trở nên thân thiện hơn với con người.
Trần Văn Khuê
[1] Xem bài viết: “Trung cộng sửa soạn dư luận để xua quân đánh Việt Nam”, Gs Vũ Cao Đàm dịch (http://www.vietcatholic.org/News/Html/90679.htm).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét