Đối với dân tộc Ít-ra-en, sự đợi chờ được nói lên trong lời tiên báo hy vọng của ngôn sứ Giê-rê-mi-a : « Trong những ngày ấy, vào thời đó, ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít ; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. Trong ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành : « Đức Chúa là sự công chính của chúng ta ! » (Gr 33,15-16). Vâng, dân tộc Ít-ra-en chờ đợi một Đấng Công Chính trả lại cho họ lẽ công bình, giải phóng Giu-đa khỏi ách thống trị, cho Giê-ru-sa-lem được an lạc.
Nhưng, đối với bạn, bạn đang chờ đợi gì ? Câu hỏi này hết sức đơn giản, nhưng chưa hẳn bạn đã dành thời gian để suy gẫm nó một cách nghiêm túc. Bạn hãy tự hỏi mình xem : bạn đang chờ đợi gì ?
Phần lớn những đứa trẻ, đặc biệt là những đứa trẻ Tây phương, không cần quan tâm điều gì xảy ra trong Mùa vọng và không cần biết Mùa vọng là gì. Điều chúng quan tâm đó chính là thời gian sau Mùa vọng : thời gian của ngày lễ Giáng sinh mà chúng sẽ được nhận những món quà của ông già No-en. Đối với chúng, tương lai là điều cốt lõi và mục tiêu là những món quà. Còn bạn, bạn đang chờ đợi gì ?
Đối với bạn, bạn không thể chỉ sống với tương lai, nghĩa là bạn chờ đợi một ngày lễ No-en thật tráng lệ hay « hoành tráng » theo ngôn ngữ trẻ đương thời ở Việt Nam. Sống Mùa vọng, đó là bạn được mời gọi thực tại hóa mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa trong đời sống của bạn. Và như vậy, tôi xin mạn phép được chia sẽ cùng bạn hai ý nhỏ trong bài viết này : kinh nghiệm về mầu Nhiệm nhập thể trong chính sự sống của bạn và nhập thể của Thiên Chúa qua sự nhập thế của bạn.
Kinh nghiệm về mầu nhiệm Nhập thể trong chính sự sống của bạn
Nhân học Ki-tô giáo có nền tảng là Kinh Thánh, đặc biệt qua mầu nhiệm Nhập thể, chết và Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô trình bày cho chúng ta một nét đặc trưng của con người : sự bé nhỏ của con người cùng với sự lớn lao của nó ; con người vừa thật nhỏ bé, nhưng con người cũng vừa thật lớn lao.
Tác giả Thánh vịnh 8 đã viết : « Lạy Chúa, con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ? » Con người nhìn nhận sự yếu đối và mong manh trong sự hiện hữu cũng như trong những hành động của chính mình. Con người như hơi thở chóng qua là kinh nghiệm mà Kinh Thánh đã đúc kết. Còn đối với sức mạnh ý chí của con người, chính thánh Phao-lô cũng phải thổ lộ rằng những gì ngài không muốn làm thì ngài lại làm, còn những gì ngài muốn làm thì ngài lại không thể làm vì yếu đuối (x. Rm 8,15).
Cuộc đời của Chúa Giê-su ở trần thế cũng cho ta thấy phần mỏng dòn này của con người. Một trẻ thơ mong manh chào đời và sớm phải cùng cha mẹ lưu vong sang đất Ai-cập vì vua Hê-rô-đê. Cuộc sống của Thiên Chúa làm người không là một cuộc sống ngọai lệ. Chúa Giê-su cũng đã cảm nghiệm những niềm vui nỗi buồn của đời thường ; Ngài cũng đã phải trải qua những thử thách, những cám dỗ.
Tuy nhiên, niềm tin Ki-tô giáo không chỉ mời gọi chúng ta suy gẫm về khía cạnh sự mỏng dòn của con người mà còn sự lớn lao của nó. Sách Sáng Thế viết : con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vâng, con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Và rồi dù con người đã bất phục tùng và phải chết vì tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã không để mặc nó trong cảnh hư vô. Thiên Chúa đã đến với con người bằng chính đời sống của con người qua mầu nhiệm Nhập thể. Mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa trong Chúa Giê-su chứng tỏ rằng Thiên Chúa luôn luôn trân trọng sự sống mà chính Ngài đã ban tặng cho con người, dù nó có nhỏ bé tới đâu. Cũng vì thế mà sự sống con người cần phải được tôn trọng, vì Thiên Chúa trân trọng nó.
Đối với chúng ta, thăng tiến đời sống, tôn trọng, bảo vệ sự sống và quyền con người là chúng ta đang tham dự vào công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa và tham dự vào sự sống của Ngài. Sống sự sống của con người là sống sự sống của Thiên Chúa vì sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban hơi thở sự sống cho con người và mong cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Như vậy, chống và phá hủy sự sống của con người là chúng ta đang phá hủy sự sống của Thiên Chúa. Khi con người muốn loại bỏ Thiên Chúa, thì cũng là lúc mà con người đang loại bỏ sự sống của chính mình. Con người không thể xây dựng một thế giới sự sống không có Thiên Chúa.
Có lẽ hơn bao giờ hết khi chúng ta sống Mùa vọng và suy gẫm về mầu nhiệm Nhập thể chúng ta càng ý thức hơn sự sống của con người, của thế giới hôm nay đang bị đe dọa. Con người vừa là chủ, vừa là nạn nhân của mọi phát triển trong mọi lãnh vực khoa học, xã hội, chính trị, kinh tế như ghi nhận của Hiến chế Vui Mừng và Huy vọng của Công đồng Va-ti-ca-nô II.
Nhập thể của Thiên Chúa qua sự nhập thế của bạn
Trở lại với câu hỏi ban đầu : bạn đang chờ đợi gì? Lễ Giáng sinh không phải là một sự lặp lại của lịch sử, cũng không phải là một kỷ niệm như bao việc kỷ niệm khác. Lễ Giáng sinh là « sự kiện » của một Thiên Chúa làm người trong Đức Giê-su Ki-tô và đi vào trong lòng thế giới. Gương mặt của Thiên Chúa tình yêu chỉ được nhận dạng một cách toàn vẹn trong Chúa Giê-su. Sự kiện này đang được sống khi những giá trị Tin Mừng được loan báo qua chính cách sống của những người môn đệ của Chúa Giê-su.
Sự nhập thế của bạn không do bất cứ một động lực xã hội, chính trị, thậm chí kinh tế nào khác, nhưng nó được phát xuất từ nhận thức về ân sủng của Thiên Chúa đã ban tặng cho bạn và cho nhân loại. Trong thông điệp của Đức đương kim Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu), Ngài đã khẳng định : chúng ta chỉ thể yêu mến anh em mình với một tình yêu chân thực, nếu như tình yêu của chúng ta được nuôi dưỡng bởi tình yêu của Thiên Chúa và chúng ta yêu anh em mình với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.
Sự nhập thế của bạn từ đời sống kinh nghiệm thiêng liêng về mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa là một sự kết hợp giữa những xác tín, niềm tin vào Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô và trách nhiệm của một người Ki-tô hữu trong thế giới hôm nay. Chúng ta không chỉ là những người theo khuynh hướng duy linh (spiritualiste), cũng không chỉ là những người duy ý chí (volontariste). Đời sống của chúng ta phải là một đời sống dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô viết : « Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm ô, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. […]. Còn hoa quả của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ.” (Gl 5,19-23).
Trần Văn Khuê, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét