Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

SỰ VÔ CẢM

Gần đây có một vài bài viết xuất hiện trên các trang báo điện tử của Việt Nam nói về “bệnh vô cảm” nơi nhiều người trong xã hội chúng ta hôm nay. Những trường hợp được đơn cử bao hàm nhiều phạm vi đời sống khác nhau. Trong bài viết : “Vô cảm, bệnh mạnh ai nấy sống thời hiện đại”, được đăng trên trang mạng vnexpress, ngày 27-10-2011, hai tác giả Thi Ngoan và Thái Hưng ghi đầu đề : “Một thanh niên bị xe tải đâm nát nửa thân, nhiều người xúm lại xem rồi bỏ đi mặc nạn nhân kêu cứu; 'hôi của' trong tai nạn; bệnh nhân chết vì bác sĩ yêu cầu phải có tiền mới cấp cứu... Sự thờ ơ với nỗi đau người khác dường như thành "chuyện thường ngày ở huyện". Dĩ nhiên, trong bài viết, hai tác giả đã kể lại những vụ việc đã được đề cập trên đây[1].
“Bệnh vô cảm” : từ cái nhìn của một vài nhà chuyên môn
Trong bài viết : “Bệnh vô cảm xuất phát từ khủng hoảng niềm tin cuộc sống” (vnexpress.net, ngày 28-10-2011)[2], cũng từ tác giả Thi Ngoan, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh đã đưa ra những nguyên nhân của “cơn bệnh” này. Trước hết, xuất phát từ phong trào đô thị hóa, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, chủ nghĩa vật chất lên ngôi và tính vị kỷ con người ngày càng cao. Tiếp đến, do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những kẻ xấu ngày càng hung hãn với các vũ khí khác nhau và làm cho những người khác sợ hãi và co cụm. Cuối cùng, một lý do khác nữa, có quá nhiều sự lừa phỉnh, vì thế những người khác không muốn để mình liên lụy vào tính huống khó khăn.
Cũng trong bài viết này, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng những vụ tham nhũng, hối lộ, tiêu cực của một bộ phận quan chức nơi này nơi kia cũng khiến người dân càng mất lòng tin vào cộng đồng. Rồi ngay cả trong ngành giáo dục cũng có những tiêu cực học giả, bằng giả, tiến sĩ giấy... nên người dân không còn biết đặt niềm tin vào đâu".
Hơn cả những gì trên đây
Các nhận xét trên đây mang những yếu tố khách quan từ việc quan sát thái độ cư xử của nhiều người. Quả thật, tựa đề bài viết trên đây gợi nhớ cho tôi một bài viết khác của tác giả Nam Phương, cũng được đăng trên trang mạng vnexpress, ngày 13-1-2011 : “Mất niềm tin vào y bác sĩ, dân mới phải hối lộ”[3]. Bài viết này đúc kết khảo sát của “Công đoàn y tế Việt Nam” và “Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng”.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết gần một nửa người được hỏi không hài lòng về dịch vụ y tế : “Đó có thể do thái độ thiếu tôn trọng bệnh nhân, người nhà, thủ tục chờ đợi quá lâu, bác sĩ khám chữa chưa ân cần, động viên chia sẻ. Ngoài ra là nhân viên y tế chậm trễ, không có mặt kịp thời khi cấp cứu, khi bệnh nhân cần. Đặc biệt khoảng 10% hách dịch, quát tháo, vô cảm.”  
Về vấn đề “phong bì” trong nghành y, kết quả khảo sát của “Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng” cho thấy : “Hầu như không có một trường hợp nào tỏ ra hài lòng với việc đưa phong bì, cho dù có thể việc đưa là tự nguyện hoặc do bắt buộc. Họ tự nguyện đưa trên cơ sở làm sao để người thân, mình có được dịch vụ chăm sóc tốt hơn. Nhìn chung, họ không mong muốn tái diễn hình thức này.” Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc của trung tâm này cho rằng “mục tiêu “hối lộ” bác sĩ, y tá… là để giải quyết nỗi lo lắng của bệnh nhân và người nhà. Nói một cách khác là đã có sự mất niềm tin vào chất lượng dịch vụ từ phía bộ phận cung cấp dịch vụ y tế - các bệnh viện. Không có cách nào tạo niềm tin cho họ ngoài việc phải đút phong bì.”
Chúng ta nhận thấy những tiêu cực trên đây gây nên sự vô cảm nơi nhiều người ; hay nói cách khác, theo chiều ngược lại, “bệnh vô cảm” đã dẫn đến những thái độ tiêu cực : dửng dưng với những đau khổ của người khác. Tuy nhiên, sự vô cảm nơi nhiều người Việt nam còn nói lên những điều sâu xa hơn. Người ta vô cảm với sự thật và tiếng nói lương tâm, không còn có khả năng nhận ra những gì là chân thật và thiện hảo nơi đời sống con người : lòng nhân ái, tinh thần liên đới và đời sống trách nhiệm đối với người khác. Đến đây, chúng ta lại phải đặt câu hỏi “tại sao” ?
Nhiều người cho rằng đời sống vật chất đã gây nên những hệ quả tiêu cực. Tuy nhiên, lập luận này cũng không có sức thuyết phục. Tại nhiều nước giàu có, người ta vẫn sống những giá trị nhân bản tuyệt vời đó thôi ? Một số nhà chuyên môn Việt Nam nhận định : tất cả hệ tại ở triết lý giáo dục của Việt Nam ; người ta không biết phải “đào tạo con người như thế nào” : con người công nghệ thông tin, “con người xã hội chủ nghĩa”, “con người vô sản” …?[4] Đây được xem là một đánh giá khách quan từ trước tới nay. Hơn thế nữa, chủ thuyết duy vật đã làm xơ cứng con người. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, trong thông điệp Caritas in veritate (Yêu thương trong sự thật), khẳng định : “Khi Nhà nước đòi hỏi, dạy dỗ hay thiết đặt những hình thức của một chủ nghĩa vô thần thực tiễn, thì Nhà nước đã rút đi sức lực luân lý và tinh thần của các công dân, đó là sức lực tất yếu để dấn thân cho việc phát triển con người trọn vẹn, và ngăn cản họ tiến bước với sức sống mới trong sự dấn thân cho lời đáp thật quảng đại và nhân bản cho tình yêu của Thiên Chúa” (số 29).
Sự vô cảm chắc chắn là một “căn bệnh thời đại” tại Việt Nam cần được chữa trị, nếu không nó có thể phá huỷ đời sống con người và xã hội.
Trần Văn Khuê, aa


 



[1] http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2011/10/vo-cam-benh-manh-ai-nay-song-thoi-hien-dai/   
[2] http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2011/10/benh-vo-cam-xuat-phat-tu-khung-hoang-niem-tin-cuoc-song/
[3] http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/10/mat-niem-tin-vao-y-bac-si-dan-moi-phai-hoi-lo/
[4] Xem “Những vấn đề giáo dục hiện, quan điểm và giải pháp” (nhiều tác giả), NXB Tri Thức, 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét