Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

CUỘC SỐNG VÀ KIẾP NHÂN SINH

Công đồng Va-ti-ca-nô II nhận định về “thân phận con người” trong thế giới hôm nay dưới những khía cạnh như sau :
Trước hết, con người mang nơi mình những “hy vọng và lo âu”. Tâm trạng này phát xuất từ những biến đổi sâu rộng trong thế giới. Những sự biến đổi này nhanh chóng và đa dạng, tác động lên đời sống con người về cả hai mặt tích cực và tiêu cực ; chúng đang “thách đố và thúc bách con người tìm câu giải đáp”.
Tiếp đến, con người đang trong vòng xoay của sự biến đổi về tâm thức. Người ta chuyển đi từ thế giới duy tâm sang thế giới khoa học : “Tinh thần khoa học này đang tạo ra một nền văn hóa và những lối suy tư khác với trước kia”.
Sau đó, con người chịu sư biến đổi trong phạm xã hội. Ý tưởng về “thị tộc”, bộ lạc, xóm làng bị thay đổi. Người ta chủ trương tổ chức xã hội mới theo “khôn mẫu kỹ nghệ”. Những phương tiện truyền thông bùng nổ cũng làm đảo lộn cuộc sống con người.
 Cuối cùng, con người đối diện với những biến đổi về tâm lý, luân lý và tôn giáo. Nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, đặt lại vấn đề những giá trị đã được lĩnh hội. Não trạng mới nơi con người là đi ra khỏi các định chế và thế giới thần linh.
Cuộc sống và kiếp nhân sinh
Tiếp theo những ghi nhận trên đây của Công đồng Va-ti-ca-nô II chúng ta nghĩ về cuộc sống và kiếp nhân sinh.
Mỗi người đi vào trong lòng thế giới một cách ngẫu nhiên như một cuộc phiêu lưu. Thế giới mà con người được đưa vào đã định hình nhưng chưa hoàn tất. Nó đã định hình với những nguyên lý, quy luật, định chế, truyền thống (văn hóa và tôn giáo) …, nhưng nó vẫn chưa hoàn tất vì còn được hoàn thiện với trách nhiệm “đồng tạo dựng” của con người. Trong thế giới đó, con người mò mẫm khám phá những điều kỳ diệu và mọi mối tương quan nhân sinh và vũ trụ. Trong cuộc hành trình đời sống này con người đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, vì thế giới xung quanh nó bao la và rộng lớn. Trong thế giới đó con người phải học tự lớn lên trong tự do và trách nhiệm như ngôn ngữ của Jean-Paul Sartre : “Con người được ném vào trong thế giới và tự vạch cho mình con đường đi”.
Kiếp nhân sinh gắn liền với cuộc sống. Kiếp ở đây không phải là “cái nghiệp” – vòng xoay của cuộc sống con người (kiếp luân hồi) với những hệ quả của đời sống đạo đức. Kiếp cũng không phải là thuyết định mệnh : mọi sự đã được thiết định. Kiếp nhân sinh là thân phận con người trong thế giới : con người lo âu và hy vọng.
Con người lo âu vì những mảnh đời cơ hàn và thất vọng, vì những sự kiện bi thương và ai oán. Người ta hụt hẫng vì một cái chết bất ngờ, cũng như trở nên mệt mỏi với cuộc sống kéo lê trong sự đau đớn. Trong cuộc sống này con người phải rơi lệ, phải than khóc : những giọt nước mắt cho chính mình và cho tha nhân.
Nhưng, con người vẫn không ngừng hy vọng : hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, một cuộc sống ít bất hạnh. Con người luôn tranh đấu không phải để tồn tại, mà hiện sinh (sống một cuộc sống đầy tràn ý nghĩa). Sức mạnh con người là sự dẻo dai và khả năng vượt lên những đau thương. Hy vọng gắn liền với cuộc sống con người.
Kiếp nhân sinh và niềm tin Ki-tô giáo
Những Ki-tô hữu không là những người được miễn trừ khỏi những trải nghiệm nhân sinh : hy vọng và lo âu. Tuy nhiên, đối với các Ki-tô hữu, cuộc sống con người được nâng đỡ một cách hoàn toàn chính nhờ sự kiện Thiên Chúa đã đi vào trong cuộc sống của con người qua mầu nhiệm Nhập thể cũng như cái chết và sự Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.
Thiên Chúa của Ki-tô giáo là Thiên Chúa duy nhất đã làm người và ở giữa nhân loại trong Đức Giê-su Ki-tô. Mầu nhiệm Nhập thể soi chiếu kiếp nhân sinh : Thiên Chúa mặc lấy thân phận con người và con người hiểu rằng cuộc sống của nó có một giá trị lớn lao cho dù cuộc sống này phải nếm mùi đau khổ.
Thiên Chúa của Ki-tô giáo cũng là Thiên Chúa duy nhất đã đi từ cõi chết đến sự phục sinh vinh quang. Sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô đã mở ra cho tất cả những ai theo Người con đường tới sự sống vĩnh hằng.
Đối với các Ki-tô hữu, những lo âu được giải nghĩa qua cuộc sống của Đức Giê-su : “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2,6-7). Cũng vậy, niềm hy vọng Ki-tô giáo không hệ tại ở sức mạnh con người, nhưng nơi quyền năng của Thiên Chúa. Niềm tin của người Ki-tô hữu là con người không thể bị phó mặc cho những sự hỗn mang của thế giới.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét