Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

NHỮNG ĐIỂM TỰA LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO


Đây không phải là tựa đề của một bài viết mới, mà là của một tập sách nhỏ vừa mới ra mắt độc giả. Sau đây là trích đoạn trong lời tựa của tập sách :
Ngày nay hình như người ta ít thích nghe tới hai từ luân lý. Bởi lẽ, hai từ này đang thách thức cuộc sống tự do và lối sống phóng khoáng của con người. Đối với con người tự do, những luật luân lý tạo cảm giác nặng nề nơi cuộc sống con người vốn đã phải đối diện với nhiều thách đố, áp lực trong xã hội hiện đại. Nhiều người buông trôi với dòng chảy của xã hội để tìm niềm vui. Tại sao lại không để đời mình bứt ra khỏi những định chế tôn giáo, văn hoá và xã hội để vui sống ? Người ta tìm thấy nơi thế giới hưởng thụ và hưởng lạc những khoảnh khắc hạnh phúc. Quả thật, tư tưởng về một lối sống phóng khoáng trong đời sống luân lý không còn là khuynh hướng của thiểu số, nhưng nó đã trở thành hiện tượng phổ biến được nhiều người ưa thích.
Tuy nhiên, mặt khác, những hệ luỵ của khuynh hướng chủ trương phi luân lý cũng đang tác động một cách tiêu cực trên đời sống xã hội. Người ta lo ngại khủng hoảng của đời sống đạo đức cũng kéo theo khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội. Gần đây nhất, sau cuộc bạo loạn tại thành phố London (08/2011), Thủ tướng Anh, ông David Cameron, đã phát biểu trên truyền hình quốc gia : cuộc bạo loạn này không chỉ là dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế, mà còn là đạo đức. Cũng chính vì thế, trong bài phát biểu này, ông đã nhấn mạnh cần xem lại việc giáo dục đạo đức cho những công dân tại các trường học. Đây là một sự kiện xã hội trong muôn vàn sự kiện khác cho chúng ta thấy rằng những vụ bê bối trong đời sống con người và đời sống xã hội : tham nhũng, bất công, đàn áp, xét xử người vô tội, giết người, trộm cắp, chèn ép, lăng loàn … nêu lên vấn đề đạo đức.
Cho dù trong xã hội đa nguyên tôn giáo, văn hoá và chính trị, người ta sống theo nhiều khuynh hướng khác nhau, hết thảy phải đồng ý rằng một nền đạo đức đích thực đảm bảo cho sự phát triển xã hội và kinh tế lâu bền. Nhà triết học đạo đức, Aristote, trong cuốn Đạo Đức Học của ông, cho rằng “người ta có những hành động công minh và từ tốn vì con người đó vốn đã là công minh và từ tốn”. Lời nhận định này chắc hẳn bao trùm mọi lãnh vực đời sống con người và xã hội.
Cuốn sách này sẽ trình bày những điểm tựa luân lý – những nền tảng cho phép xây dựng và phân định những hành vi đạo đức, mang tính đặc thù Ki-tô giáo, nhưng phổ quát. Nó bao gồm ba phần : (I) Thần học luân lý trong bối cảnh xã hội ; (II) Sự phân định đạo đức trong Ki-tô giáo ; (III) : Tin, Cậy, Mến  : những nền tảng của luân lý Ki-tô giáo.
Đâu là ý tưởng thông qua những phần trình bày này ? Trước hết, vấn đề luân lý trong bối cảnh xã hội hiện tại vừa nói lên tính chất phức tạp trong những lối sống của con người thời đại, vừa khẳng định tính thiết yếu của một nền luân lý cho phép phát triển xã hội và thăng tiến con người  ; tiếp đến, trong bối cảnh xã hội phức hợp, Giáo Hội đưa ra những phương tiện theo truyền thống Ki-tô giáo để phân định những hành vi đạo đức ;  cuối cùng, vượt lên trên những quy phạm luân lý, đức tin của những tín hữu vào Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô qua đời sống của ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến) đưa họ vào trong đời sống đạo đức sâu xa được đặt trên nền tảng của ba nhân đức này.
Trần Văn Khuê, aa


1 nhận xét:

  1. Trong sự nghiệp trước tác, Aristote không bỏ sót một vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc sống con người, đó là luân lý. Đối với ông, luân lý đóng một vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Muốn sống hạnh phúc, con người phải sống có nhân đức. Nhân đức là một thói quen cần được tập luyện thường xuyên chứ không phải là nhất thời. Nhân đức là thái độ quân bình hay trung dung. Ông phân chia nhân đức ra làm hai loại là: nhân đức tinh thần gồm: óc phê phán, bình luận hợp lý hợp cảnh, tinh thần trật tự; và nhân đức luân lý: là những tập quán tốt giúp con người giữ mực chiết trung giữa thái quá và bất cập.
    “Giới trẻ là tương lai của Giáo hội và nhân loại”. Đó là câu khẳng định nhiều người đã biết. Nhưng đối diện với thực tế thì ai cũng thấy lo lắng cho tương lai ấy. Liệu nó có tốt đẹp như người ta tưởng không? Cứ như thực tế hiện nay thì nhân loại sẽ đi tới đâu, khi giới trẻ sống thực dụng chỉ chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên những giá trị tinh thần.

    Trả lờiXóa