Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH

“Công lý và hoà bình” – một thuật ngữ truyền thống Kinh Thánh, trở thành tên gọi của Ủy ban trực thuộc Giáo hoàng Công lý và Hoà bình. Ủy ban này được Đức cố Giáo Hoàng Phao-lô VI thiết lập vào năm 1967 theo tinh thần của Công đồng Va-ti-ca-nô II, được diễn tả trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Hiến chế mục về Giáo hội trong thế giới hôm nay : “Ngày nay, nhìn nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đa số nhân loại và để cổ võ sự công bình, đồng thời cổ võ tình yêu Chúa Ki-tô đối với người nghèo khổ ở khắp nơi, Công đồng cho là rất đáng mong ước việc thiết lập một cơ quan chung cho toàn thể Giáo hội có nhiệm vụ thôi thúc cộng đoàn Công giáo hầu cổ võ sự phát triển trong các vùng nghèo khổ cũng như cổ võ công bình xã hội giữa các quốc gia.”[1]
Hôm nay, phong trào công lý và hoà bình được phát động mạnh mẽ nơi các vùng, quốc gia chất chứa nhiều bất công xã hội hay những xung đột vũ trang đẵm máu. Những người hoạt động cho phong trào công lý và hoà bình đòi hỏi các Nhà nước tạo lập một nền công lý và hoà bình vì lợi ích của con người. Việc thành lập Ủy ban Công lý và Hoà bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, vừa chính thức ra mắt (27-05-2011), đi theo hướng này : “Hướng tầm nhìn đến các tín hữu Công giáo Việt Nam để giúp họ thấu hiểu và thể hiện công lý và hoà bình trong đời sống theo mẫu gương Chúa Ki-tô và Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo; nhờ đó giúp họ thăng tiến toàn diện con người và làm phát triển cộng đồng xã hội.”[2]
Những trình bày trên đây nói cho chúng ta các định hướng nền tảng của Ủy ban Công lý và Hoà bình. Tuy nhiên, chúng ta còn phải đi xa hơn nữa để hiểu mối tương quan nội tại mang đầy ý nghĩa giữa “công lý và hoà bình” : “Tín nghĩa ân tình này hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 85,11).
“Công lý và hoà bình” khẳng định nguyên lý nền tảng : không tồn tại bất cứ một nền hoà bình nào trên thế giới nếu không có công lý. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng viết : “Hoà bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hoà bình là “công trình của công bằng” (Is 32,7)” (số 78). “Hoà bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh” ; hoà bình là công lý và công lý là hoà bình.
Quả thật, Đức cố Giáo hoàng Phao-lô VI, trong Thông điệp Pacem in teris (Hoà bình trên trái đất, 1963 ), đã xác định hoà bình chỉ được xây dựng trên những giá trị : chân lý, công bình, bác ái, và tự do. Ngài viết : “Nhưng, hoà bình chỉ là một tiếng trống rỗng, không có nghĩa, nếu nó không được xây trên “trật tự” mà, với một niềm hy vọng nồng nhiệt, Ta đã phác họa những nét chính trong Thông điệp này : Trật tự đặt trên chân lý, xây theo đức công bình, lĩnh nhận từ đức bác ái sức sống và mức sung mãn, và sau cùng, được biểu thị, một cách sung mãn trong tự do” (số 13).
Trước khi đi đến phần đúc kết tư tưởng trên đây - về một nền hoà bình đích thực được xây dựng trên những giá trị siêu hình và đạo đức, Đức cố Giáo hoàng Phao-lô VI đã phân tích phẩm chất của một nhân vị gắn liền với những quyền căn bản và sự tự do. Những phẩm chất này đặt điều kiện cho mối tương quan liên vị cũng như mối tương quan giữa mỗi cá nhân với các cộng đồng chính trị. Một nền hoà bình đích thực, từ đó, là kết quả của việc tôn trọng những phẩm chất này nơi con người.
Như vậy, chúng ta nhận thấy, con đường đạt tới một nền hoà bình còn gặp nhiều trắc trở trong thế giới chúng ta và ngay trong đất nước này. Khi công lý trong chân lý và bác ái chưa được thiết lập thì hoà bình chỉ là một từ “trống rỗng”.
Trần Văn Khuê, aa


[1] Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 90.
[2] Mai Trang,Lễ ra mắt Ủy ban Công Lý Hoà Bình HĐGMVN và tọa đàm "Công lý và Hoà bình theo Giáo huấn xã hội Công giáo" ( http://www.giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=7429 ).

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

NHỮNG HÌNH ẢNH NÀY NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?


Bất cứ hình thức bạo lực nào đều nói lên một sự bất ổn của đời sống xã hội. Sự bất ổn này không chỉ được hiểu trong phạm vi an ninh xã hội và chính trị : bạo lực đồng nghĩa với việc mất an ninh. Bạo lực còn hàm chứa vấn đề đạo đức và pháp lý.
Hình ảnh trên đây của những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực người lớn. Các bé là nạn nhân của người sinh thành, của ông chủ và của chính người đại diện pháp luật. Chúng ta đọc biết những câu chuyện này trên báo chí : bé Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi, đã bị vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức, Cà Mau, hành hạ trong suốt thời làm việc cho đôi vợ chồng này ; bé Bùi Xuân Thuận, 11 tuổi, bị chính cha ruột của mình dạy cho những bài học bằng roi điện và “bắt phải ăn phân người” chỉ vì một lần bé không ăn cơm ; bé Hồng Anh, 4 tuổi, bị người “bố hờ” của mẹ bạo hành liên tục trong thời gian dài ; bé Ngô Đình Phát, 11 tuổi, bị đánh đập dã man ngay tại trụ sở công an phường Thủy Xuân, tp Huế.

Hình ảnh của những em bé trên đây đại diện cho nhiều đứa trẻ khác vẫn tiếp tục bị người lớn hành hạ dưới nhiều hình thức khác nhau. Những câu chuyện thương tâm, dã man, xem chừng chỉ xuất hiện trong phim, lại được bắt gặp nơi đời sống thực.

Các câu chuyện về những đứa trẻ bị hành hạ đặt vấn đề về đạo đức và pháp lý trong xã hội của chúng ta.

Các câu chuyện thật được kể lại với những tình tiết tra tấn bằng roi điện, bằng kềm …, cho thấy lương tâm con người đã trở nên cặn đục. Không chỉ thủ phạm gây nên những vết thương làm kinh hoàng mọi người, mà còn những người chứng kiến cảnh tượng đó cũng chỉ phản ứng một cách yếu ớt để rồi tình trạng bạo lực man rợ cứ thế kéo dài. Đâu là lương tâm của sự liên đới và trách nhiệm nơi chúng ta khi mà chúng ta không có khả năng ngăn chặn bạo lực ?

Hệ thống luật được làm ra không ngoài mục đích là bảo vệ con người, đặc biệt là những ai không thể tự bảo vệ mình. Bạo lực trong những trường hợp trên đây không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn vấn đề luật pháp. Nó can thiệp quá trễ sau khi những đứa trẻ đã hoàn toàn mang nơi mình những thương tật (thể xác và tinh thần) một cách trầm trọng. Hơn nữa, điều thật sự khôi hài là chính luật pháp lại chà đạp lên phẩm giá con người như trường hợp của bé Ngô Đình Phát, bị đánh đập tại trụ sở công quyền.

Tóm lại, hình ảnh này nói cho chúng ta điều gì ? Quả thật, nó nói lên nhiều điều trong đời sống xã hội của chúng ta : lương tâm con người cặn đục, nền giáo dục nhân văn thiếu nền tảng, tính chất đạo đức xã hội bị biến chất, một nền pháp luật không coi trọng đủ con người, và BẠO LỰC CỦA QUYỀN HÀNH LÊN NGÔI.

Trần Văn Khuê, aa



Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

ĐỐI KHÁNG : MỘT YẾU TÍNH CỦA SỰ PHÁT TRIỂN

Có lẽ nhiều người sẽ nghi ngờ về tính chính đáng của tựa đề bài viết này, vì hình như nó chứa đựng yếu tố nghịch lý : đối kháng là một yếu tính của sự phát triển. Sự nghi vấn này có thể đến từ những lý giải khác nhau mang tính khách quan.
Trước hết, một cách tự nhiên, người ta thường tìm kiếm những gì là bình yên và phẳng lặng trong đời sống, không sóng gió, không tranh chấp, không xung đột. Quả thật, triết lý : “Dĩ hòa vi quý” (lấy sự hòa hợp với nhau làm trọng) vẫn được nhiều người Á đông xem là lẽ sống đích thực.
Hơn nữa, từ thực tiễn, việc đối kháng gây nên những cuộc xung đột làm bất ổn đời sống xã hội và chính trị trên thế giới. Những xung đột đã gây nên các cuộc bạo động và chiến tranh. Hình ảnh này khuyến cáo người ta tránh rơi vào sự đối kháng gây xung đột.
Cuối cùng, sự đối kháng có nguy cơ làm lung lay một thể chế, một quyền lực. Chính vì thế mà người ta tìm cách loại trừ đối kháng bằng mọi phương tiện có thể.
Tuy nhiên, mặt khác, sự thiếu vắng đối kháng nhiều lúc lại làm đời sống xã hội cũng như nhiều người trở thành một mảnh đời bình lặng, thiếu lý trí : chấp nhận những điều luật, những quy định vô điều kiện. Điều này dẫn tới một đời sống nhu nhược, hèn nhát, thiếu cầu tiến. Đây được xem như là cái chết êm dịu đối với đời sống con người và xã hội.
Thực sự, chúng ta không đi tìm sự đối kháng như một thứ triết lý tuyệt đối và tôn thờ nó, nhưng chúng ta lại không thể loại trừ nó vì những lý do khách quan.
Tính đối kháng gắn liền với sự phát triển tâm sinh lý con người :
Ngay từ ban đầu, tính đối kháng gây xung đột tồn tại nơi mỗi con người. Nó phát sinh từ các xung năng và thiên hướng khác nhau của con người. Những xung năng và thiên hướng này rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, cuộc tranh đấu đối với các xung năng được xác định một bên là lý trí và bên kia là cảm xúc. Dưới cái nhìn của khoa tâm lý và phân tâm học, cuộc hành trình lớn lên của con người này chứa đựng tính đối kháng. Con người không thể vứt bỏ hay phủ nhận nó, nếu không con người sẽ tự mâu thuẫn với chính mình.
Cuộc chiến này nhiều lúc làm cho con người mệt mỏi trên con đường đi tìm chân lý.  Mặt khác, sự đối kháng cũng làm cho con người trở nên năng động hơn. Con người phải biết vượt lên trên những chướng ngại vật để chiến thắng ; chướng ngại vật lớn nhất là con người đầy mâu thuẫn.
Đối kháng mang tính xã hội :
Mỗi cộng đồng xã hội mang tính đa dạng phát xuất từ sự đa dạng của các thành phần cấu thành, chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố như văn hóa, tôn giáo, truyền thống, giáo dục, cũng như khuynh hướng sống cá nhân. Sự đa dạng này luôn hàm chứa tính đối kháng.
Đối kháng mang tính xã hội. Hay nói cách khác, nó là thuộc tính của xã hội. Không ai có thể xóa bỏ hay áp chế sự đối kháng, cho dù người ta có trở nên độc đoán hay độc tài tới mức nào như Hít-le hay Sta-lin và những vật lịch sử khác mà chúng ta từng biết. Lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó. Độc tài chỉ có thể làm cho sự đối kháng càng lớn mạnh hơn thôi, chứ không thể xóa bỏ nó.
Người ta không thể phát triển xã hội bằng cách xóa bỏ đối kháng, nhưng cần phải điều phối những sự tương tác giữa các thái cực khác nhau tạo nguồn năng lực phát triển. Đó là triết lý chính trị trung thực và khôn ngoan. Sự đối kháng là cần thiết trong tiến trình phát triển xã hội vì nó có khả năng ngăn chặn sự độc tài bóp chết sự tự do con người và tạo chất xúc tác làm thay đổi những gì không phù hợp (về lý thuyết cũng như thực tiễn). Chính vì vậy, việc các nhà trí thức ủng hộ và kêu gọi thiết lập một thể chế chính trị đa nguyên tại Việt Nam phù hợp với lô-gíc này : đối kháng là yếu tính của sự phát triển. Việc thanh trừng những tiếng nói đối lập phá hủy một đất nước và hậu quả của nó không thể được đo lường trước.
Đối kháng giúp kiện toàn đời sống cá nhân :
Truyền thống triết học cổ Hy-Lạp cho rằng người ta chỉ có thể nhận biết mình khi tự soi trong tấm gương của người khác. Người ta không thể tự biết mình qua chính mình mà qua người khác. Cũng vậy, truyền thống thần học Ki-tô giáo khẳng định con người chỉ có thể hiểu biết chính mình và giải đáp những câu hỏi hiện sinh qua việc chiêm ngắm Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa.
Đức Giê-su đã từng khuyến cáo những người Pha-ri-siêu, các nhà thông luật và biệt phái – những người độc đoán trong hệ thống lề luật : họ chỉ thấy cái rác trong mắt của người khác mà không thấy cái xà trong mắt mình (x. Mt 7,1-5). Người ta thường sáng tỏ với người khác, nhưng lại mù lòa với chính mình khi bỏ qua việc lắng nghe những gì đối kháng với mình.
Sự đối kháng là tấm gương mà qua đó từng cá nhân soi vào để kiện toàn đời sống.
Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY : TỪ “ĐIỀU CẤM” TỚI “NÊN LÀM”

Trong cuộc tìm kiếm và phát triển tự do của con người chúng ta nhận thấy những “điều cấm” nhiều lần đã châm ngòi cho những cuộc cách mạng làm thay đổi tư duy con người và những cơ cấu xã hội. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, tại Pháp, đã diễn ra cuộc cách mạng tình dục và người ta đòi hỏi bãi bỏ những điều cấm đoán: “Cấm những điều cấm !” Gần đây xảy ra cuộc cách mạng “Mùa xuân” tại các nước Ả-rập (Trung Đông và Bắc Phi) cũng đến từ những chế độ độc tài áp đặt thể chế chính trị của những “điều cấm”. Cuộc cách mạng này đã đặt dấu chấm hết cho một số chế độ độc tài.
Tiến trình này đi theo nguyên lý lô-gíc tự nhiên : “Tức nước vỡ bờ.” Những ức chế đối với “điều cấm” tồn đọng nơi con người và phát triển dần thành hành động. Như vậy, một xã hội được cai trị bằng thiết quân luật qua những “điều cấm” sẽ dễ tạo nên những sự căng thẳng và áp lực là những tác nhân gây nên các cuộc xung đột. Ai dám chắc rằng công văn của UBND Hà Nội yêu cầu “chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát của người dân” phản đối Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam[1] đã đem lại hiệu quả ? Tinh thần “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nơi những người yêu nước đang tạm thời bị “điều cấm” giam hãm.
Hơn nữa, ngoài những điều luật định nhằm đảm bảo đời sống chung và công ích, cũng như những chuẩn mực đạo đức xã hội, những “điều cấm” không có khả năng phát huy óc sáng tạo và sáng kiến cần thiết cho sự phát triển xã hội. Một xã hội kìm kẹp làm hao mòn những nguồn năng lực nơi con người. Chính điều này làm mất tính năng động nơi đời sống con người. Chúng ta hoàn toàn nhận thấy điều này một cách rõ ràng nơi các xã hội phong kiến và độc tài.
Cần phải thay đổi tư duy : từ “điều cấm” tới “nên làm”. Có người suy nghĩa rẳng nếu chúng ta lỏng lẻo với những “điều cấm” sẽ làm lung lay sự bền vững của chế độ. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng những chế độ chính trị và xã hội hà khắc sớm muộn đưa chúng tới hồi kết và đó là một cái kết bi đát. Chỉ có tình thần cổ vũ “nên làm”, theo nghĩa tích cực, trong hệ thống luật mới đảm bảo sự bền vững của một thể chế chính trị và xã hội. Luật nhân bản luôn luôn bền vững hơn luật “cơ chế”.
Trần Văn Khuê, aa



[1] Tiến Dũng, “Hà Nội yêu cầu chấm dứt biểu tình tự phát”, Vnexpress.net, ngày 18-08-2011, (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/08/ha-noi-yeu-cau-cham-dut-bieu-tinh-tu-phat/)

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

DẤU CHỈ CỦA THỜI ĐẠI

Hiến chế Vui mừng và Hy vọng - Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, của Công đồng Va-ti-ca-nô II xác định : “Hy vọng và lo âu. Để chu toàn nhiệm vụ ấy, lúc nào Giáo Hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm ;  như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thủa của con người về ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó.” (số 4)
Tư tưởng được đúc kết trong những lời trên đây của Công đồng mở ra một viễn cảnh mới cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Trong hơn 40 năm qua, nhờ luồng khí mới được thổi vào Công đồng Va-ti-ca-nô II, Giáo Hội đã tìm lại vai trò của mình. Giáo Hội ý thức mình cần yêu mến thế giới như chính nó và lắng nghe những “dấu chỉ của thời đại”.
Những giá trị thần học và mục vụ sâu xa của các văn kiện Công đồng, đặc biệt là Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, việc nhận diện “những dấu chỉ của thời đại” để giải đáp “những thắc mắc muôn thủa của con người về ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy” lại là một vấn đề nan giải trong thế giới đa hợp - văn hóa, tôn giáo và chính trị, hôm nay.
Trước hết, về phương diện văn hóa. Những nét văn hóa thuộc những nền văn hóa khác nhau trên thế giới hôm nay không còn mang tính thuần khiết. Chúng chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoại lai, tức là một phần của nền văn hóa khác. Mặt khác, trong sự tiến triển của bất cứ nền văn hóa nào, chúng ta thấy sự giằng co giữa những thái cực :  truyền thống và hiện đại, tiến bộ và bảo thủ, hội nhập và bảo vệ tính đặc thù. Những sự biến động này tác động lên đời sống con người - cách suy nghĩ và hành động : con người có thể bị xâu xé trong việc tìm kiếm căn tính (trở về nguồn) hay theo khuynh hướng hiếu hòa : san bằng các nền văn hóa.
Chính những biến động văn hóa này cũng làm thay đổi cách đặt vấn đề và “những thắc mắc muôn thủa của con người về ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy”.
Tiếp đến, về phương diện tôn giáo. Nhiều người hôm nay vẫn khẳng định tầm quan trọng của yếu tố tôn giáo nơi đời sống con người trong xã hội. Thế nhưng, song song với chủ nghĩa vô thần, phòng trào trần tục hóa lại xem chừng đang lên ngôi trong thời đại chúng ta. Thực sự, phong trào này không nhằm mục đích bài trừ hay chống đối tôn giáo. Nhưng, tính chất của nó là xây dựng một nền nhân học duy quy hướng con người : tất cả đều khởi đi từ con người và trở về với con người. Nó cũng khuyên khích tinh thần tự do tuyệt đối và giải thích ý nghĩa đời sống con người dưới ánh sáng của khoa học.
Hơn nữa, trong một xã hội đa tôn giáo, với tinh thần của sự liên đới và hiệp thông, người ta sẽ dễ dàng sống theo khuynh hướng chủ nghĩa tương đối : không còn đặt nặng sự tuyệt đối của một tôn giáo. Như vậy, “ý nghĩa của cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy” nơi nhiều người cũng bị thay đổi.
Cuối cùng, về khía cạnh chính trị. Khía cạnh này của đời sống con người luôn luôn phức tạp và “dấu chỉ” của nó nhiều lúc mập mờ. Khuynh hướng chính trị nào là tốt nhất để thăng tiến đời sống con người và như vậy người ta cần phải dấn thân trong đó ? Chúng ta vẫn biết sự lũng đoạn trong chính trị có thể tồn tại nơi bất cứ thể chế chính trị nào, đặc biệt là nơi những chế độ độc tài hay vừa độc tài vừa vô thần. Thế nhưng, chúng ta không thể bỏ qua đời sống chính trị và “cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường là bi thảm của nó.”
Tóm lại, khi nhìn thế giới từ những chiều kích văn hóa, tôn giáo và chính trị, chúng ta nhận thấy những sự phức tạp của nó. Việc “tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại” để giải đáp “những thắc mắc của con người về ý nghĩa cuộc sống” là một công việc hoàn toàn không đơn giản. Đối với người Ki-tô hữu, việc đọc những “dấu chỉ của thời đại” không thể tách lìa với việc lắng nghe Lời Chúa. Đó là điều mà Công đồng Va-ti-ca-nô II gọi : “Tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm.” Giải thích “những dấu chỉ của thời đại” không thể chỉ duy lý trí và duy ý chí.
Trần Văn Khuê, aa