Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

QUYỀN LỰC QUỐC GIA

Bài viết này phát xuất từ phản hồi của một độc giả (ĐH Kinh Tế) sau khi đọc bài: “Những quyền lực thời hậu hiện đại”, đăng ngày 22 tháng 05 (2011). Ý của độc giả này là muốn biết “quyền lực quốc gia” như thế nào? Trong bài viết trên đây tôi đã đề cập tới quyền lực kinh tế và quyền lực của khoa học - kỹ thuật như những quyền lực thống trị đời sống xã hội và con người.
Quả thực, nếu như chúng ta nói kinh tế và khoa học - kỹ thuật là những quyền lực thống trị trong thời hậu hiện đại thì vai trò của một quốc gia là gì? Đâu là quyền lực quốc gia? 
Trước khi bàn về vấn đề này chúng ta cần phải xác định rằng quyền lực quốc gia ở đây không phải là một thứ sức mạnh của một siêu cường quốc trong mối tương quan quốc tế. Nó cũng không phải là khẳng định dân tộc chủ nghĩa. Hai ý tưởng về siêu cường quốc và chủ nghĩa dân tộc đã lỗi thời trong thời đại toàn cầu hóa trong đó chính sách hành động đơn phương hay triết lý “không can thiệp vào chuyện nội bộ” không còn đứng vững. Bởi lẽ, thế giới hôm nay phát triển theo hướng đa cực, nghĩa là một nhân tố tiêu cực hay tích cực đều ảnh hưởng hay chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố khác ngoài nó.
Quyền lực quốc gia là những yếu tố nội tại trong nó cho phép phát triển xã hội bền vững. Những yếu tố nội tại này là Hiến pháp, nhà nước pháp quyền và khả năng tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo.
Hiến pháp
Một trong những văn kiện chung của kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XIII là sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp này. Theo đường hướng đó, vào ngày 08 tháng 08 vừa qua (2011), Ủy ban này đã họp phiên thứ nhất. Trong phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng, đã có những lời phát biểu rất khích lệ: “Việc biên soạn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải đáp ứng các yêu cầu về khoa học pháp lý”, phù hợp với “tình hình thực tiễn” và “xu hướng phát triển của thời đại”. Tuy nhiên, thiện ý này của người đứng đầu cơ quan quyền lực tối cao – Quốc hội, không thoát khỏi tư tưởng cố hữu: việc sửa đổi Hiến pháp phải “đồng thời bám sát cương lĩnh, đường lối chủ trương của Đảng”, “đảm bảo nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng”[1].
Câu hỏi được đặt ra: như thế nào là Hiến pháp của một nhà nước pháp quyền? Chắc chắn đây là một chủ đề rộng lớn; tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đưa ra, một cách ngắn gọn, những gì làm nên nền tảng của Hiến pháp.
Trước hết, Hiến pháp của một nhà nước là văn bản luật nền tảng mang chiều kích chính trị và pháp lý. Nó nối kết các mối tương quan giữa người lãnh đạo và những người được lãnh đạo trong lòng của một nhà nước. Hiến pháp đảm bảo các quyền và sự tự do của mọi công dân, cũng như giới hạn quyền hành.
Tiếp đến, Hiến pháp còn được hiểu là toàn bộ nguyên tắc áp đặt cho các dân biểu, cũng như công dân nhằm duy trì sự cố kết của một quốc gia khi những chính quyền được thay đổi.
Như vậy, Hiến pháp là văn bản cao nhất có giá trị pháp lý biểu lộ quyền lực quốc gia. Nó hoàn toàn có giá trị độc lập về luật và trở thành điểm quy chiếu cho tất cả mọi hoạt động của các đảng phái khác nhau trong cùng một nhà nước (trường hợp đa nguyên), chứ không phải ngược lại (Hiến pháp “bám sát cương lĩnh, đường lối chủ trương của Đảng”). Nói cách khác, những khuynh hướng của các đảng phái không thể vượt ra ngoài phạm vi luật của Hiến pháp.
Nhà nước pháp quyền
Tính chất thứ hai của quyền lực quốc gia phải là nhà nước pháp quyền. Như thế nào gọi là nhà nước pháp quyền? Từ điển Vietlex (Trung tâm từ điển học) định nghĩa hai từ pháp quyền như sau: “Hệ thống pháp luật tiêu biểu cho quyền lực của một nhà nước, cho bản chất của một chế độ”. Định nghĩa này quá hạn hẹp để nói về một nhà nước pháp quyền.
Nhà nước pháp quyền là một tổ chức được cơ cấu theo pháp lý trong đó mỗi người, từ cá nhân tới công quyền, phải chịu chi phối bởi pháp luật. Nhà nước pháp quyền gắn liền với việc tôn trọng pháp luật, cũng như việc phân chia quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) và các quyền căn bản.
Nhà nước pháp quyền còn là một nhà nước mà trong đó các người được ủy nhiệm được bầu một cách dân chủ.
Khả năng tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo
Cuối cùng, quyền lực quốc gia là khả năng tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo. Trong bài viết “Tầm quan trọng của căn tính quốc gia”, đăng ngày 08 tháng 05 (2011), tôi đã nói: việc đi tìm căn tính quốc gia là điều thiết yếu đảm bảo cho sự bền vững của một nền chính trị.
Để nói về mối tương quan giữa quyền lực quốc gia và tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo chúng ta có thể đi từ một thực tế như trường hợp của nước Nhật. Trong chuyến viếng thăm Nhật Bản vào ngày 23 tháng 08 (2011), Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với người Nhật: “Thảm họa (động đất và sóng thần, vào hồi tháng 03-2011) đã chịu thua trước bản tính cần cù đến mức huyền thoại và ý chí bền bỉ của người dân Nhật Bản” (AP). Quả thực như vậy, sức mạnh của nước Nhật không chỉ hệ tại ở nền kinh tế phát triển và một nền luật pháp của Nhà nước pháp quyền, mà còn nơi bản sắc dân tộc độc đáo của đất nước này. Bản sắc này được bộc lộ qua lối tư duy của người Nhật, văn hóa chính trị và phong cách của những người lãnh đạo. Thật vậy, quyền lực quốc gia là khả năng tạo lập một đất nước mang bản sắc độc đáo.
Trần Văn Khuê


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét