Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

GIÁO DỤC NHÂN TÂM: MẸ CỦA MỌI NỀN GIÁO DỤC

Aristote trong cuốn Đạo Đức Học viết: “Người ta sẽ tự hỏi chúng ta nghe biết gì khi chúng ta nói chúng ta chỉ trở nên công minh khi làm những hành động công minh, và đúng mức khi làm những hành động đúng mức: thực ra, nếu như người ta làm những hành động công minh và đúng mức bởi vì người ta đã là công minh và đúng mức, cũng giống như người ta có những hành vi thuộc về ngữ pháp và nhạc bởi vì con người đó là nhà ngữ pháp học và nhạc sĩ.”
Những gì Aristote trình bày trên đây nói về bản chất của con người đạo đức: không phải việc thực hiện những hành vi công minh và đúng mức làm cho người ta trở nên công minh và đúng mức. Có những người vẫn phải làm những điều công minh và đúng mức nhưng lại không phải là người công minh và đúng mức.  Cái cốt lõi chính là những gì thuộc về bản chất: “nếu như người ta làm những hành động công minh và đúng mức bởi vì người ta đã là công minh và đúng mức”. Bản chất trong phạm trù đạo đức học nơi triết học Aristote không phải là cái tự nhiên, nhưng được hình thành từ sự hiểu biết và giáo dục.
Những dòng này của nhà triết học cổ Hy-lạp cũng gợi lại cho chúng ta những gì mà Đức Giê-su nói trong Tin Mừng về một vấn đề khác: “Cái gì làm cho người ta ra ô uế?”, nhưng cũng cùng bao hàm một vấn đề: điều thiện hảo chỉ có thể phát xuất từ nơi tâm hồn thanh sạch. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài. […]. Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,18-23).
Từ lý thuyết tới thực tiễn, chúng ta ghi nhận những gì nơi chính cuộc sống của những con người: người ta sống và hành động theo những gì được giáo dục. Ví dụ như những người đánh bom cảm tử và xem đó là một hành động cao thượng, bởi vì họ được giáo dục như thế; những người cướp của giết người, phá hoại của công, tham ô những của cải người khác vì họ thiếu giáo dục về việc tôn trọng con người – sự sống và những phẩm giá của nó, cũng như những của cải người khác và tài sản chung.
Như vậy, chúng ta nhận thấy giáo dục đóng một vai trò hệ trọng trong việc phát triển con người và trên hết là giáo dục nhân tâm: “nếu như người ta làm những hành động công minh và đúng mức bởi vì người ta đã là công minh và đúng mức”, hay “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”. Tính cách của từng cá nhân, và của một cộng đồng xã hội tùy thuộc và một nền giáo dục chân – thiện – mỹ. Chúng ta sẽ không bao giờ có được một xã hội nhân ái, liên đới, công bằng, yêu mến sự thật…. nếu như không giáo dục nhân tâm từng con người để trở con người thành nhân ái, liên đới, công bằng và yêu mến sự thật.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét