Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

NƯỚC THIÊN CHÚA LÀ GÌ ?

Nước Thiên Chúa : những cái nhìn gây xung đột
Nước Thiên Chúa là đỉnh điểm của việc rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su. Tuy nhiên, chúng ta thấy ý niệm về Nước Thiên Chúa gây nghi vấn đối với nhiều người và mơ hồ ngay cả nơi những người môn đệ của Chúa Giê-su.
Quả thực, Nước Thiên Chúa nhiều lúc được xem là một thực thể cạnh tranh với quyền bính con người như thể cuộc giao tranh giữa « Thành đô Thiên Chúa » và « Thành đô con người ». Chính trong tư tưởng này mà người ta tìm cách loại bỏ Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài. Có những lúc, nơi phong trào triết học hiện sinh vô thần, con người nêu ra thách đố : hoặc Thiên Chúa tồn tại hoặc con người tự do, chứ không thể có cả hai. Cũng vậy, Giáo Hội được xem là biểu hiệu của một phần thực tại hữu hình của Nước Thiên Chúa bị coi là một thế lực bá quyền.
Ở phương diện khác, ý tưởng về Nước Thiên Chúa còn là một cái nhìn mơ hồ ngay cả nơi những người môn đệ của Chúa Giê-su. Một ví dụ điển hình có ngay trong Tin Mừng. Tin Mừng kể lại việc mẹ của hai người con Dê-bê-đê là Gio-an và Gia-cô-bê xin Chúa Giê-su cho hai người con của mình một đứa ngồi bên hữu và một đứa ngồi bên tả trong Nước của Người. Khi nghe biết việc này mười môn đệ khác đã bất bình với anh em nhà Dê-bê-đê. Qua câu chuyện Tin Mừng này chúng ta nhận thấy ý tưởng về một Nước Thiên Chúa quyền lực đang manh nha thâm nhập vào tư tưởng của những người môn đệ của Chúa Giê-su.  
Sự mơ hồ còn được biểu lộ qua thái độ thất vọng của những người môn đệ của Đức Giê-su trong biến cố của cuộc khổ nạn. Lời tâm sự của hai người môn đệ trên đường E-mau sau khi Đức Giê-su bị bắt và giết chết : «Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en » (Lc 24, 21).  
Đức Giê-su rao giảng về Nước Thiên Chúa
Khởi đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng Đức Giê-su công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần và kêu gọi người ta hối cải : « Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng » (Mc 1,15). Dù thế, các nhà chú giải Kinh Thánh đồng ý rằng, khi nói về Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã không đưa ra bất cứ một lời giải thích cụ thể nào về nước này, ngoại trừ những dụ ngôn nói về hình ảnh Nước Thiên Chúa hay Nước Trời.
Tuy nhiên, qua Tin Mừng chúng ta có thể đưa ra những lời diễn giải về Nước Thiên Chúa được loan báo bởi Đức Giê-su.
Trước hết, những công dân của Nước Thiên Chúa : « Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng ».
Người ta sẽ thắc mắc tại sao Triều Đại Thiên Chúa đến gần và con người được mời gọi sám hối ? Sám hối về cái gì ? Phải chăng đời sống của những con người trước khi Đức Giê-su xuất hiện không phù hợp nên cần thiết phải được sám hối ? Để hiểu điều này chắc chúng ta phải trở lại với lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả - Người dọn đường cho Đức Giê-su đến. Gio-an đã lấy lại lời của ngôn sứ I-sai-a để mời gọi dân chúng sám hối : « Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng » (Lc 3, 4-5).
Những công dân Nước Thiên Chúa là thế : những con người có khả năng hoán cải và loại trừ khỏi đời sống của mình mọi con đường quanh co, lồi lõm, hố sâu, đồi cao. Hơn thế nữa, đó là những con người tin vào Tin Mừng. Khi Tin Mừng nói về « tin », tức là nói tới việc « sống theo ». Những công dân Nước Thiên Chúa là những con người sống theo tinh thần của Tin Mừng và Bản hiến chương Nước trời là những đòi hỏi nền tảng đối với đời sống của họ.
Tiếp đến, hình ảnh Nước Thiên Chúa. Nhiều người chắc phải ngạc nhiên về những hình ảnh mà Đức Giê-su ví Nước Thiên Chúa. Viễn cảnh của nước thuộc về Thiên Chúa hẳn phải lớn lao. Tuy nhiên, nó lại được ví như hạt cải bé nhỏ được gieo trong ruộng vườn hay như nắm men trong thúng bột (cf. Mt 13,31-33//Mc 4,30-32//Lc 13,18-21). Quả là những hình ảnh quá khiêm tốn về Nước Thiên Chúa.
Đâu là ý nghĩa sau hạt cải bé nhỏ và nắm men ít ỏi trong thúng bột ? Tin Mừng đưa ra những hình ảnh rất gợi nghĩa. Từ hạt cải bé nhỏ đã phát sinh một cây lớn đến nỗi chim trời có thể đến trú ngụ nơi đó ; cũng vậy, từ một nắm men đã làm dậy men cả một thúng bột. Nước Thiên Chúa được tìm thấy qua những hình ảnh rất tầm thường - không phải là những biểu tượng siêu quyền lực, nhưng lại có sức mạnh của sự sống và có khả năng biến đổi. Nước Thiên Chúa là nơi sự sống được phát sinh mà không bị hủy diệt, dù từ những gì nhỏ bé ; nó cũng là nơi mà mọi sự được biến đổi để trở nên những gì là cao quý.
Thánh Phao-lô nói về Nước Thiên Chúa
Không lặp lại lời loan báo của Thầy mình : « Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng », hay ví Nước Thiên Chúa như hạt cải, nắm bột… thánh Phao-lô xác định với dân thành Rô-ma rằng Nước Thiên Chúa không phải là những thực tại vật chất mà con người tìm kiếm và tranh giành nhau : « Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần » (Rm 14, 17).
Như vậy, phải chăng thánh Phao-lô muốn đưa các Ki-tô Hữu ra khỏi thực tại trần thế để đi vào một thế giới siêu thực ? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG.
Thánh Phao-lô xác tín ơn cứu độ của thế giới đã được lĩnh hội trong Đức Giê-su Ki-tô. Các Ki-tô Hữu không thất vọng về tương lai cũng không chờ đợi một tương lai khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô. Họ tin tưởng rằng những cánh cửa của sự sống đã thực sự được mở cho họ một lần toàn vẹn trong lễ Phục Sinh. Bởi lẽ, qua cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã tiêu diệt sự chết.

Tuy nhiên, ơn cứu độ thực sự được lĩnh hội đã không biến đổi gương mặt của thế giới và cuộc sống cá nhân của chúng ta một cách thần diệu, cũng không làm kết thúc lịch sử. Lịch sử vẫn tiếp tục, bởi lẽ, cho dù đã thật sự được lĩnh hội, ơn cứu độ chưa thiết lập tình trạng cuối cùng của tất cả mọi sự. Trong nghĩa này, Nước Thiên Chúa cũng chưa thật sự đến, vì chúng ta còn phải chờ lần trở lại thứ hai của Đức Giê-su Ki-tô, cuối cùng của lịch sử. Sự trở lại được loan báo trong Tân Ước, được gọi là “Parousie” (Quang lâm), tiếng Hy lạp có nghĩa “tới” và “hiện diện”. Trong lúc cử hành bí tích Thánh Thể Giáo Hội công bố bằng những lời mà Giáo Hội gọi là “mầu nhiệm đức tin”: “Chúng con nhớ lại việc Chúa chết; chúng con cử hành việc Chúa sống lại và chúng con mong đợi Ngài lại đến trong vinh quang”. Hy vọng Ki-tô Giáo là Thiên Chúa hoàn toàn “đặt mọi thế lực thù địch dưới chân Ngài” và một viễn cảnh “trời mới đất mới” vĩnh viễn: cái chết, sự hận thù… không còn chổ đứng trong cuộc sống của con người mới.

Quả thực, chúng ta không biết thời gian hoàn tất của trái đất này, nhưng chúng ta biết Thiên Chúa dọn sẵn một nơi trời mới đất mới nơi đó công lý ngự trị (2Cr 5, 2), hạnh phúc và ước vọng hòa bình được đắp đầy (1Cr 2, 9); nơi đó sự chết bị đánh bại (1Cr 15, 42), con người được giải thoát khỏi ách nô lệ (Rm 8, 19-21).

Đối với người Ki-tô Hữu, sự trông đợi trời mới đất mới không làm suy giảm tính hiện tại và trách nhiệm xây dựng thế giới này, trái lại nó còn tạo thêm những động lực mới giúp họ hoàn tất những bổn phận ấy. Nhiều người lầm tưởng rằng niềm tin Ki-tô Giáo, sự hướng về những giá trị siêu việt làm con người lãng quên những thực tại trần thế. Tuy nhiên, chỉ có những thực tại siêu việt mới có thể soi chiếu ý nghĩa của những thực tại trần thế. Nếu không phải vì một tương lai lâu bền hơn mà con người không ngừng nổ lực làm việc và phấn đấu cho đến cùng?

Tóm lại, “Nước Thiên Chúa giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Thiên Chúa lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,44-46). Hai câu chuyện Tin Mừng này nói về một điểm chung: vì Nước Thiên Chúa mà người ta có thể chấp nhận đánh đổi tất cả - một sự đánh đổi trong sự chọn lựa tự do. Việc đánh đổi này nhằm đạt được cái gì là cao quý.
Trần Văn Khuê, aa

4 nhận xét:

  1. Cám ơn tác giả Sao Khuê về bài viết này,
    thích hợp cho một chủng sinh như em lấy làm tài liệu để học tập và nghiên cứu.
    Em muốn liên lạc và học hỏi với anh.
    địa chỉ email em: tainguyen2109@yahoo.com

    Trả lờiXóa
  2. vâng, cám ơn bài viết hay

    Trả lờiXóa
  3. Nước Thiên Chúa nằm ở ngoài không gian . Muốn đến đó phải chui qua lỗ đen ( black hole ) . Ở đó , chắc hẵn người ta sống rất vui vẻ . Hằng năm , Ông già Noel thường cưỡi con tuần lộc đến Nước Chúa để chúc mừng Giáng Sinh ( Có cả bà chúa Tuyết đi cùng ) .

    Trả lờiXóa
  4. xin các đấng bậc giải thích giúp con Lộc Chúa đầu năm nay ạ
    "trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và Đức công chính Ngài. Còn những thứ khác ngài sẽ ban thêm cho. "
    Con là một người ki tô hữu đã có gia đình vợ con. Mà câu kinh thánh này con hiểu rất mơ hồ. Không sát nghĩa hay chuẩn mực được. Con xin cám ơn ạ!

    Trả lờiXóa