Theo dòng thời sự, những sự kiện xảy ra xung quanh chúng ta và trên khắp thế giới không khỏi làm chúng ta nản lòng. Từ sự độc đoán - đến nỗi áp bức con người, cho tới việc cướp của giết người một cách vô nhân tính, tất cả những điều đó không còn là những sự kiện riêng lẽ, nhưng phổ biến. Cách đây mấy hôm, kể từ ngày những lò hơi ngạt của Phát-xít Đức đã giết chết hàng triệu con người vô tội vì một thứ chủ nghĩa không tưởng, người ta lại phát hiện một nhà tù ghê rợn giam giữ những người bất đồng chính kiến của Kadhafi[1]. Những loại nhà tù như thế chắc chắn còn tồn tại đâu đó rất nhiều vì vẫn còn những người bị bắt một cách bí ẩn do những tranh đấu của họ. Ngoài ra, thời gian gần đây trên mặt báo Việt Nam xuất hiện nhiều vụ cướp của giết người như cướp các tiệm vàng và giết người[2].
Từ những sự kiện đen tối như thế người ta tự hỏi: Tính chất con người là gì? Đâu là nhân tính của con người? Những câu hỏi này bộc lộ một phần sự bi quan của con người.
Tuy nhiên, bên cạnh những bức tranh u tối đó chúng ta vẫn tìm thấy nhiều người vì những lý tưởng cao đẹp và những giá trị nền tảng miệt mài sống và bảo vệ những gì làm cho con người trở nên người hơn. Hình ảnh những người đó cho thấy bản chất vốn có nơi con người là hữu thể luôn đi tìm Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống nhân sinh.
Sống là đi tìm cái gì chân thật
Tính chất đa nguyên về văn hóa, tôn giáo, tư tưởng triết học và chính trị nhiều lúc dẫn đến việc người ta khó đạt tới sự đồng thuận về những gì là chân lý. Hơn nữa, khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, mặt khác, thúc đẩy con người tự hợp thức hóa những giá trị theo phán đoán và ý muốn chủ quan.
Đi tìm cái gì là chân thật không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm chân lý xét theo nguyên lý và xác tín. Nó còn là việc tìm kiếm cái gì là “chân” đối với “giả” nơi chính cuộc sống con người. Cái chân thật bao hàm cả những yếu tố tích cực và tiêu cực.
Đi tìm cái gì chân thật mang những chiều kích: chân thật với chính mình và với những người khác trong mối tương quan liên vị.
Trước hết, con người vừa là một hữu thể lớn lao và mạnh mẽ, nhưng cũng mỏng giòn và nhỏ bé. Đây là tính chân thật nơi con người. Như vậy, cách để sống con người đích thực là khả năng ý thức về sức mạnh cũng như yếu đuối. Điều này cho phép con người cởi mở đón nhận những gì ngoài nó và khác nó, đồng thời hạn chế khuynh hướng độc tài vốn tồn tại nơi mọi con người.
Tiếp đến, con người cần chân thật trong những mối tương quan liên vị. Ngày nay nhiều người cho rằng những mối tương quan con người thường giả tạo và theo lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng sẽ không có bất cứ mối tương quan bền vững nào nếu nó không chân thật và được đặt trên nền tảng của sự thật. Bản chất đi tìm những gì là chân thật nơi con người sẽ không chấp nhận một mối quan hệ lưỡng nguyên: vừa bạn vừa thù – một thứ nguyên lý được xây dựng trên sự giả dối.
Mặt khác, đối với người Ki-tô hữu, đi tìm những gì chân thật còn là đi tìm nguồn của sự chân thật. Nguồn chân thật đó chính là Thiên Chúa, bởi vì Ngài là nguyên lý của sự sống và Ngài cũng không lừa dối bao giờ.
Sống là đi tìm những gì thiện hảo
Chúng ta chứng kiến thế giới tràn ngập những bạo hành, giết chóc, đàn áp, giả dối. Điều thiện nhiều lúc bị lấn át bởi điều dữ.
Tuy nhiên, chúng ta xác tín rằng thế giới này, cuộc sống của con người, chỉ được xây dựng từ những gì là tốt lành mà thôi. Những bạo hành, giết chóc, đàn áp, giả dối chỉ có thể phá hủy, chứ không có khả năng xây dựng.
Thiên hướng tìm kiếm những gì là thiện hảo vốn có nơi con người. Thánh Tô-ma A-qui-nô, một nhà thần học Công Giáo, trong Tổng Luận Thần Học của mình, cho rằng con người được thúc đẩy để đi tìm những điều thiện, và điều thiện tối cao là Thiên Chúa, bởi vì chính nơi Ngài phát sinh mọi điều thiện hảo. Thiên hướng này được đặt để trong trái tim con người.
Sống là đi tìm nét đẹp
Ngày nay người ta đề cao vẻ đẹp thiên nhiên và đặc biệt là nét đẹp của con người. Chính tư tưởng đề cao sắc đẹp dẫn người ta tới việc tìm kiếm mọi phương pháp và dược liệu có thể để chăm sóc nó[3]. Quả thật, cái đẹp tô điểm thêm cho đời sống nét hấp dẫn và dễ đưa người ta tới ý tưởng thanh thoát hơn. Cái đẹp nhiều khi cũng đưa con người bắt gặp ý tưởng siêu việt.
Tuy nhiên, có những lúc, con người cũng bị giam hãm trong ý tưởng của cái đẹp. Những gì không đẹp trở thành ác mộng đối với con người. Người ta muốn cải thiện nó bằng mọi giá, thậm chí, có thể loại bỏ nó. Nhiều lúc, cái đẹp cũng đi đôi với thương mại: dùng cái đẹp để đánh đổi, để thỏa hiệp… Và như thế, thay vì nâng cao phẩm giá, con người, qua ý tưởng về cái đẹp lệch lạc, hạ giá những phẩm chất của chính mình.
Sống là đi tìm nét đẹp. Cái đẹp không chỉ hệ tại ở những nét bề ngoài, nhưng là cái đẹp nội tâm, cái đẹp của tâm hồn. Đó mới là cái đẹp mà con người cần tìm kiếm và con người cũng mong tìm kiếm. Người ta dễ dàng ngưỡng mộ một tâm hồn cao thượng, một cuộc sống trao ban cho người khác. Tâm hồn này, cuộc sống này – biểu lộ cái đẹp hoàn hảo, có thể trở thành thần tượng.
Trần Văn Khuê, aa
[1] Anh Ngọc, “Bên trong nhà tù khét tiếng của Lybia”, vnexpress.net, ngày 30-08-2011 (http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/08/ben-trong-nha-tu-khet-tieng-nhat-cua-libya/).
[2] Hà Anh, “3 người bị giết trong vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang”, vnexpress.net, ngày 24-08-2011 (http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2011/08/3-nguoi-bi-giet-trong-vu-cuop-tiem-vang-o-bac-giang/ ).
[3] Phương Trang, “5 cách làm đẹp độc nhất vô nhị”, vnexpress.net, ngày 02-09-2011 (http://vnexpress.net/gl/suc-khoe/lam-dep/2011/09/5-cach-lam-dep-doc-nhat-vo-nhi/ ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét