Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

TÌNH YÊU VÀ SỰ KHIÊM HẠ

Bộ phim “Amour” (Tình yêu) của Michael Haneke, đạo diễn người Áo gốc Đức và tác giả kịch bản, được trình chiếu tại Pháp vào tháng 10 năm 2012. Câu chuyện kể về cặp vợ chồng Georges và Anne, giáo sư âm nhạc về hưu. Một ngày Anne, người vợ, bị tai biến mạch máu não và bại liệt một nửa người. Tình yêu của đôi vợ chồng già này từ đó trải qua nhiều thử thách. Không nói tới cái kết bi kịch là chính tay mình kết liễu người vợ yêu quý[1] làm dấy lên tranh luận về cái chết êm dịu – chủ đề đang được tranh cãi trong thời đại chúng ta, cũng như câu hỏi được đặt ra bởi chính Michael Haneke : làm sao giúp người ta yêu thương bớt đau khổ, trong suốt bộ phim chúng ta nhìn thấy hình ảnh của Georges, người chồng, tận tụy phục vụ và yêu thương vợ với cả tấm lòng cùng sự kiên nhẫn cho đến khi nghị lực không còn.

Tình yêu được hiểu cách thông thường như sự đồng cảm và cùng nhịp đập của hai trái tim. Nó làm gắn kết hai con người hay nhiều người từ cảm xúc và tinh thần trong thời gian và không gian. Nó còn là cùng niềm đam mê cũng như sự dâng hiến. Thế nhưng, tình yêu nơi câu chuyện “Tình yêu” giữa Georges và Anne không còn như thế. Anne đã đánh mất cảm thức về quá khứ và hiện tại. Georges cố khơi dậy kỷ niệm ngọt ngào thuở xưa, nhưng điều đó trở nên vô nghĩa. Anne không còn khả năng hồi tưởng cũng không thể hiểu được tình yêu hiện tại. Tình yêu của Georges lúc này hoàn toàn chỉ là tình yêu cho đi trong cô đơn và trong sự mệt nhọc.

Văn chương có nhiều từ hoa mỹ và hình ảnh gợi cảm để mô tả tình yêu. Chúng nhiều đến nỗi mà chúng ta không thể nào tóm gọn trong một câu hay một bài viết. Hình như nó là chủ đề duy nhất được khai triển vô cùng tận ! Vẽ đẹp lung linh của tình yêu cũng như nỗi sầu của chữ “tình” vô hạn. Tuy nhiên, người ta không biết hay cố tình bỏ qua thực tại tình yêu : phải thật sự khiêm hạ lắm mới có thể yêu. Tình yêu đích thực là tình yêu khiêm hạ. Người ta dễ đam mê cái đẹp bên ngoài hơn là cái đẹp tiềm ẩn trong cái gì xấu xí ; người ta dễ bị lôi cuốn bởi cử chỉ đẹp hơn là tính cách lỗ mãng. Chúng ta yêu mến người thương và tùng phục ta hơn là kẻ chống đối ta. Đó hình như là lẽ tự nhiên[2]. Để yêu người không có gì cuốn hút ta, không mang lại cho ta điều gì hữu ích, hay hơn thế nữa hận thù ta, ghét bỏ ta, phản bội ta, chúng ta phải thật sự khiêm hạ lắm mới có thể làm điều đó. Tôi không dám nói nhiều hơn, nhưng tôi tin chắc là ai đã từng trong ngục tù đêm tối mà vẫn một mực yêu thương cho đến cùng hẳn nói cho ta điều đó : phải thật sự khiêm hạ lắm mới có thể yêu thương. Georges là nhân vật văn chương trong tác phẩm “Tình yêu”. Nhưng, nhân vật này được Michael Haneke xây dựng từ chính nghiệm cá nhân. Ông đã trải nghiệm biến cố thật như vậy trong gia đình ông.

Người Kitô hữu bắt gặp tình yêu khiêm hạ trong Đấng yêu thương họ từ ngàn đời và nơi Đức Giêsu Kitô, hiện thân Thiên Chúa yêu thương con người cho đến cùng. Thánh Phaolô viết : “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi ; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 7-8). “Bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” không phải nơi việc đáp trả tình yêu chúng ta, nhưng nơi cách mà Ngài yêu thương ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi. Đó là tình yêu tha thứ, tình yêu hòa giải và tình yêu chỉ có mục đích duy nhất : cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa không tìm vinh danh cho chính Ngài, nhưng cho vinh danh con người. Thiên Chúa là tình yêu khiêm hạ. Tình yêu đó được Kinh Thánh diễn tả qua nhiều hình ảnh khác nhau như người khởi xướng, người phục vụ, người tha thứ, người hòa giải, người đồng hành và người mục tử duy nhất tốt lành. Quả thật, phải thật sự khiêm hạ lắm Thiên Chúa mới có thể yêu thương con người cho đến cùng. Và tình yêu đó làm rung động trái tim chúng ta.

Bài viết trùng với Chúa nhật Chúa chiên lành, 11-05-2014.

Trần Văn Khuê





[1] Trong lúc kể chuyện bên cạnh giường và người vợ trong cơn mê sảng Georges đã dùng chiếc gối trùm lên mặt vợ mình cho đến lúc bà chết ngạt.
[2] Xem bài viết khác : “Tình yêu và hận thù : con đường hòa giải” (http://saokhue-saokhue.blogspot.fr/2014/04/tinh-yeu-va-han-thu-con-uong-hoa-giai.html). 

1 nhận xét:

  1. Chúng ta đã nhận tình yêu nhưng không từ Thiên Chúa, vậy chúng ta cũng hãy cho nhưng không.

    Trả lờiXóa