Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

LÒNG THƯƠNG XÓT


Nhân dịp kỷ niệm tròn năm sau khi được chọn làm người kế vị thánh Phêrô của ĐGH Phanxicô (13-03-2013), tờ nhật báo Công giáo La Croix đúc kết một số sự kiện mà vị Giáo hoàng đến từ chây Mỹ Latinh đã ghi dấu ấn trong lòng Giáo hội cũng như nơi đời sống xã hội với lời kết : “Nhấn mạnh về lòng thương xót, ngài mời gọi tín hữu Công giáo đi ra khỏi trung tâm là con người mình để hiện diện nơi các “vùng ngoại ô” của xã hội”[1]. Nét linh đạo nổi bật trên đây được chính ngài thực hiện qua giáo huấn, hành động và cử chỉ. Để cho thấy con đường của Giáo hội đi trong chiều hướng này Tòa thánh cũng đã công bố chủ đề Đại hội Giới trẻ Thế giới vào năm 2016 tại Cracovie, Ba Lan : “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7), tiếp theo sau mời lời gọi của Đức Giáo Hoàng đối với các bạn trẻ trong dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janerio, Brasil (07-2013) : “Các con hãy đọc lại Tám mối Phúc thật và hoạch địch cho đời sống mình”.

Với đường hướng này ĐGH Phanxicô như muốn Giáo hội sống liên lỉ điều chính yếu mà Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô mời gọi. Quả thật, Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước, nói cho chúng ta biết về sự lớn lao của Thiên Chúa là lòng thương xót, như lời của thánh Phaolô : “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ !” (Eph 2, 4-5). Hơn nữa, chính Đức Giêsu đã dạy cho Tông đồ và dân chúng biết về lòng thương xót của Thiên Chúa : “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13 ; 12, 7). Từ đó, họ được mời gọi để sống lòng thương xót của Thiên Chúa nơi đời sống mình trong mối tương quan với người khác. Một trong những giáo huấn của Đức Giêsu về lòng thương xót như Thiên Chúa là dụ ngôn “người Samaria nhân hậu” (x. Lc 10, 29-37), qua đó Ngài mời gọi chúng ta không phải để xem ai là người “thân cận” mình nhưng là trở nên người thân cận của người khác, đặc biệt là người bị nạn, người bị bỏ rơi, người nghèo khổ : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ dạy con người về lòng thương xót, Ngài còn biểu lộ lòng thương xót của chính mình cho con người qua Đức Giêsu : an ủi ai sầu khổ, chữa lành kẻ bị tật nguyền và yêu thương họ cho đến cùng : “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (x. Ga 13, 1).

Trước ĐGH Phanxicô, chân phước Gioan Phaolô II – được nâng lên hàng hiển thánh vào Chúa nhật II Phục sinh tới đây, 27-04-2014, cũng nhấn mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa nơi đời sống con người. Trong dịp phong thánh cho chân phước Faustina vào ngày 30-04-2000, ngài đã thiết lập Chúa nhật II Phục sinh là Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót để cử hành và sống thông điệp lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ cho Giáo hội mà còn cho toàn thế giới.

Đặt mình sống dưới dấu chỉ của lòng thương xót, con người không hề bị xem khinh là chủ thể bạc nhược hay khốn khổ cũng như không thể xem người khác là người đáng thương hại. Ngược lại, dưới dấu chỉ của lòng thương xót, chúng ta sống kinh nghiệm của niềm tin tưởng vào tình yêu đích thực : tình yêu tha thứ và được đón nhận. “Nhờ tình yêu chúng ta được giải thoát và cứu sống” (ĐGH Bê-nê-đíc-tô XVI, “Thiên Chúa là tình yêu”). Tình yêu này không chỉ là lễ hội của cảm xúc, nhưng là tình yêu của người khiêm hạ như Đấng đã yêu thương chúng ta[2].

Trần Văn Khuê



[2] Bài viết tới sẽ nói về : tình yêu và sự khiêm hạ.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

KHÁT VỌNG

Đi tìm ý nghĩa trong cuộc sống hay hướng về chân-thiện-mỹ hoặc khát khao cuộc sống hạnh phúc sung mãn, tràn đầy luôn là ước vọng thẳm sâu của con người. Làm sao người ta có thể say mê hay khao khát nếu chưa qua một lần nếm cảm được sự dịu ngọt của đối tượng nhắm đến, nói cách khác là cội nguồn của hạnh phúc. Có nếm thử mới cảm nhận được. Rượu ngon nếm qua một lần chưa thấy được “chất ngọt” của nó, mà phải nếm nhiều lần. Nhiều lần nếm sẽ trở nên nghiện. Đối với Chúa cũng thế. Hãy nếm thử cho biết Chúa thiện hảo dường bao.

Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Mục Vụ về Hội Thánh trong Thế Giới ngày nay đã cho thấy đâu là nguyên nhân sâu xa của những khát vọng con người : “Mọi cá nhân và mọi tập thể đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng với con người để phục vụ cho chính mình, họ muốn chế ngự tất cả những gì thế giới ngày nay có thể cung ứng hết sức dồi dào cho họ. Hơn nữa, các quốc gia vẫn ngày một cố gắng hơn để đạt tới một thứ cộng đoàn đại đồng” (MV9). Khát vọng ấy được Công đồng Vaticanô II nhận định cách đây 50 năm nhưng vẫn còn phù hợp cho đến hôm nay. Tuy nhiên, Công đồng cho thấy ngay trong những khát vọng ấy vẫn tiềm tàng xung khắc nội tại : “Một đàng là tạo vật, con người nhận thấy mình bị giới hạn trong nhiều phương diện, nhưng đàng khác lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và còn cảm thấy được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn” (MV10). Nhận định rõ như thế Hội Thánh không đứng bên lề cuộc sống của con người, vì con người là đối tượng phục vụ của Hội Thánh. Hội Thánh nhận biết rất rõ những khát vọng của con người và Hội Thánh thúc đẩy tín hữu phải khao khát cộng tác cách khôn ngoan với công cuộc mưu ích cho con người.
Dưới góc độ nhân học thì đó là do nhu cầu căn bản được sống sung mãn và phát triển “cái có” của mình cách tối đa. Xét cho cùng thì mong ước ấy là chính đáng, bình thường. Sống giữa trần gian này với biết bao nhu cầu khẩn thiết của cuộc sống khiến lắm lúc quên khấy mất cùng đích cuộc đời của mình là làm sao “có” được Thiên Chúa. Sách Giáo lý ngày xưa có câu hỏi thưa không thể quên được : - Hỏi : ta sống ở đời này để làm gì ? – Thưa : ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự. Cùng đích của mọi khát vọng chính đáng là chính Chúa, đi vào sự kết hợp với Chúa. Nếu chúng ta có thể khao khát Thiên Chúa trên hết mọi sự ở trần gian này là nhờ liên kết chặt chẽ với khát vọng Đức Giêsu Kitô. Ngài đã có một nỗi khát khao cháy bỏng mà chỉ có phép rửa và cuộc khổ nạn mới có thể làm lắng dịu nỗi khắc khoải ấy (Lc 12, 49-50).
Đức Giêsu đã xác định cái gốc của sự thèm muốn gây nên tội lỗi : Những gì từ miệng xuất ra, là phát xuất từ lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế (Mt 15,18) và để giải thoát khỏi những khát vọng tầm thường hạ cấp ấy thì người Kitô hữu có Thần Khí của Thiên Chúa và hãy theo sự ước muốn của Thần Khí vì “những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí” (Rm 8,5).
Hiến chế Mục Vụ cũng xác định rõ duy chỉ mình Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu mới có thể thỏa mãn được những khát vọng của con tim nhân loại : “Thực vậy con người luôn khao khát muốn biết, ít là một cách mơ hồ, cuộc sống, hoạt động và cái chết của mình có ý nghĩa gì. Chính sự hiện diện của Hội Thánh nhắc nhở con người nhớ đến những vấn đề ấy. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi, mới giải đáp đầy đủ các vấn đề ấy. Ngài giải đáp bằng cách mạc khải trong Con của Ngài là Đức Kitô, Đấng đã nhập thể làm người. Ai theo Chúa Kitô, con người hoàn hảo, kẻ ấy trở nên người hơn”(MV41).
Thật thế, trên Thập Giá, Đức Giêsu đã phải thốt lên trong nỗi đau cô đơn và sự khát khao của Ngài : “Ta khát” (Ga 19, 28). Chắc chắn không chỉ là cái khát thể lý. Cái khát thể lý có thể giải quyết được ngay, và người ta đã thấm giấm chua vào miếng bọt biển rồi đưa lên cho Ngài. Nhưng có một cơn khát khác không đáp ứng được và không dễ giải quyết. Bao lâu thế giới này còn tranh chấp, còn hận thù thì cơn khát ấy của Chúa Giêsu vẫn còn kéo dài. Chúa Giêsu khát khao tình yêu giữa người với người. Chúa Giêsu khát khao con người biết cảm thông và yêu thương nhau, Ngài khát khao con người biết chia sẻ, đón nhận nhau.
Nhưng trong tình trạng khát khao, ước muốn mãnh liệt ấy, Chúa Giêsu vẫn cứ muốn tôn trọng tự do của con người - người có thể giúp giải quyết “cơn khát” của Ngài. Nếu tự do càng làm cho chúng ta nên cao trọng và giá trị một khi chúng ta hoàn toàn tự nguyện đến với nhau, với Chúa nhờ đó cơn khát của Chúa do thiếu vắng sự thông cảm được đổ đầy.
E. Trúc Giang, spc



Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CON THIÊN CHÚA

Giáo hội Công giáo bước vào Tuần thánh – tuần tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Giêsu, với việc cử hành Lễ lá. Trong Thánh lễ này phụng vụ Lời Chúa làm nổi bật hai điểm chính yếu : lặp lại cử chỉ của người Do thái đón rước Đức Giêsu vào thành thánh Giêrusalem và cuộc khổ nạn của Đức Giêsu tiếp theo sau đó. Vào dịp lễ Vượt qua của người Do Thái, Đức Giêsu từ Galilê lên Giêrusalem, dân thành Giêrusalem và môn đệ hân hoan tung hô Ngài là “Đấng từ Thiên Chúa mà đến” : “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên : Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời !” Lc 19, 36-38). Tuy nhiên, việc tiếp rước và lời tán dương này đã trở nên vô nghĩa. Bài đọc Phúc Âm về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, được cả bốn tác giả Phúc Âm ghi lại, phác họa cho chúng dung mạo Đức Giêsu : con người đau khổ và Thiên Chúa bị loại bỏ.

Trình thuật Phúc Âm trước hết cho chúng ta thấy tấn bi kịch vào đoạn cuối cuộc đời của Đấng thiên sai. Đức Giêsu trải qua thử thách tình yêu, tình bạn và tình thầy trò bị phản bội. Phúc Âm vừa nói về biến cố Đức Giêsu vào dịp lễ Vượt qua vừa mô phỏng thế giới pha trộn bởi sự gian dối, nơi đó Con Thiên Chúa cảm nhận và sống cho tới cùng thân phận con người. Giuđa chắc hẳn không phải là người tội lỗi nhất trên đời, nhưng cử chỉ Giuđa lại rất nổi bật : dùng cái hôn để giao nộp tình yêu. Chính Đức Giêsu thật sự ngỡi ngàng và ngậm ngùi hỏi y : “Giuđa, anh dùng cái hôn mà nộp Con người sao ?” (x. Lc 22, 47-48). Cái hôn tượng trưng cho tình yêu trở nên mờ ám và giả dối. Cái hôn như thế thật cay độc. Người ta hẳn có lý khi nói không cái đau nào lớn hơn nỗi đau khi tình yêu bị phản bội ? Cái hôn của Giuđa đã đưa Đức Giêsu đi cho hết đoạn đường tình yêu đến trần trụi nơi cái chết bị bỏ rơi đi vào cõi im lặng bao la giữa trời và đất.

Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu cũng là cuộc khổ nạn của Thiên Chúa bị loại bỏ. Thiên Chúa là ai, nếu không phải là Đấng mà con người kết án là đã tham dự vào quyền hành con người ? Trong tham vọng quyền bính con người không thể cho Thiên Chúa có chổ đứng nơi mình. Đóng đinh Ngài : “Đóng đinh ! Đóng đinh nó vào thập giá” (x. Lc 23, 21), là cách tốt nhất để con người được tự do theo cách nói của Nietzche. Hay đúng hơn, con người tự tạo “Thiên Chúa” của mình : "Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." (x. Xh 32, 4). Quả thật, Kinh Thánh cho chúng ta thấy kinh nghiệm đầu tiên về tội lỗi của người Do thái – của con người, chính là thờ ngẫu tượng. Hơn nữa, ý muốn đóng đinh Con Thiên Chúa bằng mọi giá không phải để loại bỏ một hiểm họa đáng sợ, nhưng qua đó con người muốn thách thức quyền năng của Ngài. Thánh Máccô trình thuật chi tiết trong cuốn Phúc Âm của mình như sau  : “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói : "Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi ! " Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau : "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Kitô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.” (Mc 15, 29-32). Trong đoạn này, có lẽ các thượng tế và kinh sư lấy lại từ “Kitô” mà Đức Giêsu sử dụng để nói cách châm biếm. Tuy nhiên, Đấng Kitô hay Đấng Mêsia nói về Đấng được xức dầu và được sai đến mà Đức Giêsu đã được tung hô khi vào thành thánh Giêrusalem. Nhưng, Thiên Chúa bị loại bỏ nơi cuộc khổ nạn của Đức Giêsu !

Hằng năm Giáo hội cử hành Tuần Thánh, đặc biệt là Tam nhật Phục sinh, và sống lại cách sống động cuộc khổ nạn của Đức Giêsu - Con Thiên Chúa và sự phục sinh của Ngài. Chiêm ngắn Đức Giêsu khổ nạn là chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu đó được biểu lộ trong sự điên dại như lời của thánh Phaolô. Cuộc khổ nạn cũng là hình bóng thế giới chúng ta, nơi đó Thiên Chúa đau khổ nơi hình ảnh con người và con ngươi như hình ảnh Thiên Chúa bị loại bỏ.

Trần Văn Khuê


Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

TÌNH YÊU VÀ HẬN THÙ : CON ĐƯỜNG HÒA GIẢI

Trong kho tàng triết học và huyền thoại Hy Lạp có vở bi hài kịch mang tên Antigónê (ντιγόνη, khoảng thế kỷ IV, tr. CN), Vốn là hai anh em nhà Œdipe δίπους), Eteoklếs (τεοκλς) và Poluneíkês (Πολυνείκης) đã chết cách bi thảm trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Dù là hai anh em cùng chung bụng mẹ sinh ra, nhưng mỗi người lại ở mỗi tuyến chiến khác nhau. Eteoklếs chiến đấu cho Kréôn (Κρέων) – vua thành Thíva (Θήβα) , còn người em thì ngược lại. Poluneíkês bị Kréôn kết án là thành phần phản loạn. Nhà vua ra sắc chỉ cấm cử hành nghi thức an táng thông thường cho Poluneíkês. Lệnh được thực hiện và thi thể của Poluneíkês nằm đó không được thương khóc, không được chôn cất, làm mồi cho chim đói. Thế nhưng, bất chấp lệnh cấm, Antigónê đã mạo hiểm sự sống mình khi trải một lớp cát lên thi thể của anh mình làm dấu chỉ của sự an táng. Cử chỉ can đảm và gây cảm xúc này kèm theo câu nói nổi tiếng của Antigónê với Kréôn: “Tôi sinh ra không phải để cho sự hận thù, nhưng cho tình yêu ”. Và câu nói đáp trả của Kréôn cũng đọng lại nơi tâm hồn khán giả cảm xúc rùng rợn : « Nếu bản chất của ngươi là sinh ra để yêu, thì hãy về nơi kể chết và yêu chúng !» Phải chăng, đối với Kréôn, thế giới tình yêu là thế giới của kẻ chết ?

Không chỉ có nơi truyền thống văn chương và triết học Hy Lạp cổ, đối với ai thừa hưởng và hiểu biết truyền thống Kinh Thánh đều nhận ra bi kịch giữa tình yêu và hận thù được diễn tả ngay từ trang đầu của cuốn Kinh Thánh. Sau khi được trao ban Evà – quà tặng tuyệt vời nhất của Đấng tạo hóa (vì trong số tạo vật được Thiên Chúa tạo nên “con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (x. St 2, 20), ngoại trừ Evà), Ađam thốt lên trong vui sướng : “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23). Thế nhưng, con rắn xuất hiện và bắt đầu gieo vào tâm tưởng con người ý tưởng thù địch với Đấng tạo hóa cách tinh ranh : “Rắn nói với người đàn bà : “Chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ trở nên như những vị thần biết điều điều thiện điều ác” (x. St 3, 4-5). Con người nghĩ thầm điều con rắn nói có lý. Chúng ta biết đoạn kết của câu chuyện này như thế nào cũng như bi kịch tình yêu và hận thù khác còn kéo dài trong lịch sử Kinh Thánh giữa con người và Đấng tạo hóa và giữa con người với nhau.

Câu chuyện văn chương không phải vô cớ, nhưng nó chuyển tải cho chúng ta một phần kinh nghiệm hiện sinh con người, đặc biệt kinh nghiệm về tình yêu và hận thù. Nơi đó con người sống theo khuynh hướng bản năng : tôi yêu người yêu tôi và tôi ghét người ghét tôi ; tôi yêu cái gì thuộc về tôi và tôi ghét cái gì không thuộc về tôi. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu nói với môn đệ : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù […]. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ?” (Mt 5, 43 ; 46-47), đó không phải vì Ngài phủ nhận tình yêu của người thu thuế hay người ngoại giáo, nhưng để nói về khuynh hướng tình yêu và hận thù nơi con người. Mặt khác, chúng ta nhận thấy ranh giới giữa tình yêu và hận thù thật mong manh. Chúng có thể chuyển đổi cho nhau cách dễ dàng theo cảm xúc.

Câu hỏi của Chúa Giêsu trên đây hướng môn đệ tới đời sống hoàn thiện hơn mà con người từ khởi thủy luôn khắc khoải tìm kiếm : yêu với tình yêu siêu nhiên (vượt lên trên khuynh hướng tự nhiên). Tình yêu này chỉ ở nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa đến để hòa giải tình yêu và hận thù. Bởi lẽ, bất cứ sự hận thù nào cũng làm phát sinh hận thù mới. Kinh nghiệm lịch sử về phong trào quốc tế cộng sản cũng như nhiều chế độ toàn trị khác cho chúng ta hiểu điều đó. Trong lúc chủ trương thế giới đại đồng theo lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản đã đào sâu thêm sự hận thù qua việc đấu tranh giai cấp. Thiên Chúa không hận con người vì sự bất phục tùng, cũng như không thiên vị về nguồn gốc của họ. Thánh Phaolô giải bày cho tín hữu thành Êphêsô thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, đang sống trong tình yêu và hận thù : “Thật vậy, chính Người [Đức Kitô] là bình an của chúng ta : Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Eph 2, 14). Thập giá Đức Kitô là dấu chỉ của sự giao hòa giữa trời và đất, giữa tình yêu và hận thù : “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất ; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an : bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Eph 2, 16-18). Trên thập giá Đức Giêsu không miệt thị lại kẻ miệt thị mình. Hơn nữa, trong thinh lặng của tình yêu Ngài xin Thiên Chúa Cha ban ơn tha thứ cho họ.

Không có tình yêu chiến thắng hận thù, cũng như không có hận thù được khuất phục bởi tình yêu nếu không có sự hòa giải. Cuộc sống con người trong mối tương quan con người với nhau hay trong mối tương quan với Thiên Chúa là hành trình hòa giải luôn mãi giữa tình yêu và hận thù. Phải chăng Antigónê đã cảm nhận được không có sự sống trong hận thù, nhưng chỉ có cái chết ? “Tôi sinh ra không phải để cho sự hận thù, nhưng cho tình yêu ” là xác tín của Antigónê về con đường hòa giải đưa về thế giới tình yêu từ kinh nghiệm bi thương. Riêng người Kitô hữu tìm thấy nơi Thiên Chúa, qua thập giá Đức Kitô, con đường đưa tới sự sống mà nơi đó cánh cửa ngục tù của hận thù đã thực sự được mở toang để cho tình yêu ngự trị.

Trần Văn Khuê