Trong
số bài trên trang blog Saokhue, tôi đã đăng hai bài viết ngắn về giáo dục :
“Giáo dục nhân tâm : mẹ của mọi nền giáo dục”[1] và
“Về vấn đề giáo dục”, được trích từ cuốn sách : “Những điểm tựa luân lý Ki-tô
giáo”[2].
Hôm nay tôi tiếp tục gợi lên một vài điểm suy tư ngắn gọn về giáo dục khác từ
cái nhìn của Emmanuel Kant (1724-1804). Ông đã dành nhiều phần để luận bàn về
giáo dục trong các tác phẩm triết học chính yếu của mình.
Trong
cuốn « Réflexions sur l’éducation »[3] (tạm
dịch : Suy tư về giáo dục), Emmanuel Kant đặt giáo dục làm nền tảng trong
tiến trình phát triển con người. Giáo dục bao hàm việc chăm sóc (soins), kỷ luật
(discipline), hướng dẫn (instruction) và huấn luyện (formation). Tuy nhiên, bước
nhảy của con người là đi ra khỏi thời kỳ phôi thai của phát triển - sự chăm sóc,
tồn tại nơi mọi loài động vật như bản năng phụ thuộc. Tiến trình này được thực
hiện qua giáo dục và nó làm cho con người thoát khỏi tình trạng động vật :
“chuyển từ trạng thái động vật sang trạng thái con người”, theo cách nói của
Kant. Con người không thể sống theo bản năng, mà theo lý trí. Giáo dục giúp con
người đi đúng quỹ đạo của mục đích tự nhiên là sự hoàn thiện và đỉnh cao của sự
hoàn thiện là đạo đức. Qua giáo dục con người lĩnh hội phẩm chất tự nhiên thuộc
về nhân loại. Quả vậy, khuynh hướng thô thiển và tình trạng hoang dã tiềm tàng
nơi con người. Vì thế, người không được giáo dục là người hoang sơ. Giáo dục
làm cho con người trở nên người.
Tuy
nhiên, chúng ta không thể không đặt câu hỏi : giáo dục là gì và như thế nào ? Đối
với Kant, giáo dục giúp con người khả năng suy tư tự lập và hành động tự do. Nó
là con đường đưa con người tới việc lĩnh hội tri thức và hành xử đạo đức. Tự do
trong tư tưởng của Kant không phải là đối lập lại sự áp bức mang tính chính trị,
nhưng là sự giải phóng khỏi khuynh hướng hoang dã nơi con người. Con người tự
do là con người được giải phóng khỏi sự “áp bức” của bản năng và trở nên tự lập
trong ý muốn và suy tư. Tự do vì thế mang tính đạo đức.
Triết
gia phương Tây này là gương mặt tiểu biểu của phong trào Ánh Sáng ở châu Âu vào
thế kỷ XVIII. Phong trào mà đối với Kant là nhằm nâng cao nhận thức qua giáo dục
trong đời sống xã hội và chính trị. Nó đưa con người ra khỏi miền u minh để xây
dựng nền cộng hòa và dân chủ. Dân chủ không tự nó sinh ra cũng như không trở
thành điều hiển nhiên cách đơn thuần qua tuyên bố nhân danh nền cộng hòa. Nó là
tiến trình qua giáo dục. Mốc thời gian này – từ Kant tới hôm nay, đối với chúng
ta là quá xa xôi. Tuy nhiên, xem chừng suy tư của ông về giáo dục mang tính thời
đại. Sự tồn tại một số thể chế chính trị độc tài trên thế giới cho chúng ta thấy
giáo dục đang có vấn đề nơi đây. Cũng vậy, nhìn vào đời sống xã hội như hệ lụy
của việc giáo dục tại Việt Nam nhiều nhân sĩ yêu nước đã từng cảnh báo về hệ thống
và triết lý giáo dục “mất định hướng”[4]. Phải
chăng quan điểm của Kant về giáo dục vẫn mang tính hợp thời cho mọi nền văn hóa
?
Trần Văn Khuê
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa