Trong
nghi thức khai tâm Ki-tô giáo cho người lớn, lời đối thoại giữa chủ sự và dự
tòng có đoạn : - Chủ sự : “Ông (bà,
anh, chị) xin gì cùng Hội Thánh ?” , - Dự
tòng : “Thưa xin đức tin” ; - Chủ sự
: “Đức tin sinh ơn ích gì cho ông (bà, anh, chị) ?” , - Dự tòng : “Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời”.
Đối
với tín hữu Ki-tô giáo, đức tin khai nguồn sự sống đời đời : “Sự sống đời đời đó
là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã
sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Tin Mừng theo thánh Gio-an, chương 17, câu 3). Câu
Tin Mừng này được trình bày lại tiếp theo trong lời đối thoại với dự tòng : “Sự
sống vĩnh cửu là ông (bà, anh, chị) nhận biết Thiên Chúa thật và Đấng Người sai
đến là Đức Giê-su Ki-tô. Quả thật Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, đã được
Thiên Chúa đặt làm nguồn mạch sự sống và Chúa tể mọi loài hữu hình và vô hình.
Sự sống ấy hôm nay ông (bà, anh, chị) đón nhận qua bí tích Thánh tẩy, và được
trở nên môn đệ của Chúa Ki-tô”.
Tin
Mừng nhất lãm (ba cuốn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca) trình thuật
câu chuyện người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giê-su : “Thưa Thầy, tôi phải
làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” Sau khi nghe là phải tuân giữ
các điều răn được ghi trong Luật Mô-sê, người ấy nói : “Tất cả những điều đó
tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không ?” và Chúa Giê-su trả lời : “Nếu
anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (x. Mt 19, 16-21). Có
nhiều chi tiết trong đoạn Tin Mừng này làm chúng ta quan tâm. Cả ba thánh sử
Tin Mừng ghi lại người đến hỏi Chúa Giê-su về sự sống đời đời là người giàu có.
Thánh Lu-ca còn có thêm chi tiết : người quý tộc hay thủ lãnh. Trong thông điệp
“Veritatis Splendor” (Chân lý Rạng ngời), 1993, Chân phước Gio-an Phao-lô II –
được nâng lên hàng hiển thánh vào tháng 04 năm 2014 sắp tới, cho rằng nhân vật
trong đoạn Tin Mừng này tượng trưng cho con người phổ quát đi tìm câu trả lời về
ý nghĩa cuộc sống. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho người giàu có không là ý tưởng
trừu tượng hay siêu hình, nhưng nó ám chỉ sự sống đời đời được khởi đầu hôm nay
từ việc đáp lại mời gọi : “Hãy đến theo tôi”. Việc tuân giữ Lề luật – ngõ hầu đạt
tới sự sống đời đời, được chuyển dịch sang cuộc sống bước theo Đấng “là Con đường,
là Sự thật và là Sự sống”.
Viễn
cảnh Ki-tô giáo về sự sống đời đời này hoàn toàn không đi ngược lại xu hướng
phát triển của thế giới và văn minh thời đại như một số người từng lên án hay
bài xích. Nó không là rào cản của sự tiến bộ và cũng không đối kháng với lý
trí. Ngược lại, nó là hiện thân của sự khôn ngoan – lý trí hoàn thiện, chất vấn
nền văn minh tô màu lý trí nhưng lại đượm tràn chủ nghĩa duy ý chí. Sự sống đời
đời triển nở trong đức tin không muốn hoán đổi nền khoa học thành lãnh vực tâm
linh hay khoa học gia thành nhà thần bí, nhưng đặt lại vị thế con người trong sự
phát triển, mà chúng ta nhận thấy nó nguy cơ bị công cụ hóa hay trở thành phương
tiện trong mọi lãnh vực. Lợi ích kinh tế chà đạp nhân vị, quyền và phẩm giá con
người ; thủ đoạn hay thủ thuật chính trị giam hãm con người trong thỏa hiệp đen
tối. Hơn nữa như ghi nhận của Công đồng Va-ti-ca-nô II : “Con người vừa là chủ,
vừa là nạn nhân của sự tiến bộ khoa học
– kỹ thuật”.
Sự
sống đời đời là mai sau, nhưng bắt đầu khởi sự từ hôm nay. Câu nói lừng danh của
thánh giáo phụ I-rê-nê, giám mục thành Lyon vào cuối thế kỷ thứ II : “Hạnh phúc
con người là được nhìn thấy Thiên Chúa”, nhưng “vinh quang của Ngài là con người
đang sống”. Cái nhìn này đưa chúng ta vào thế giới dung hòa giữa Trời và Đất,
giữa con người và vũ trụ và giữa con người cùng với tạo vật muôn loài. Trong thế
giới hôm nay chúng ta cần đảm bảo trái đất này vẫn là “miền đất hứa” cho thế hệ
mai sau và luôn phản ảnh vẻ đẹp huy hoàng của Đấng tạo hóa. Sự sống đời đời là
đời sống viên mãn trong Thiên Chúa. Trong Ngài cuộc sống này được yêu thương
tràn đầy và trở nên phong phú.
Trần Văn Khuê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét