Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

ĐÀN ÁP CHÍNH TRỊ THÁCH THỨC NỀN NHÂN BẢN


Từ cái nhìn xã hội học, cộng đồng xã hội loài người từng bước phát triển thông qua tiến trình hoàn thiện hệ thống luật. Nó là sự đảm bảo cho đời sống chung : kiềm chế bạo lực, giải quyết xung đột và thăng tiến điều tốt chung. Luật vì thế tự bản chất là tập hợp những điều quy định được hình thành từ thương thảo và bàn luận.

Việc hình thành các điều luật được thực hiện trong tiến trình thời gian và không gian. Chúng không thể là sự ban bố từ trên xuống. Luật là biểu tượng của nền dân chủ vì nó là điều được thiết lập chung. Trong thời hiện đại chúng ta, luật được làm từ cơ quan lập pháp (cơ quan thẩm quyền đại diện cho nhân dân), được thông qua cơ quan chức năng như quốc hội hay hạ viện (cơ quan đại diện nhân dân phổ quát), và thậm chí được trưng cầu dân ý. Tiến trình thực hiện “rút gọn” này nhằm giảm thiểu tính phức tạp hay sự bất khả thể trong việc tham dự soạn thảo luật cách trực tiếp của toàn dân, đồng thời đảm bảo tính khách quan và dân chủ.

Người lãnh đạo chịu chi phối bởi điều luật vì đó là quy định chung. Không có giai cấp lãnh đạo cũng như đảng lãnh đạo, mà chỉ có người lãnh đạo được quy định theo luật pháp. Mác nói tới giai cấp công nhân và đảng cộng sản được sinh ra làm đại diện cho gia cấp này trong bối cảnh làm cách mạng chống lại sự “bóc lột” của các ông chủ ở thời kỳ phát triển công nghiệp rồm rộ tại châu Âu vào thế kỷ XIX. Tuy nhiên, ông đã không nói gì tiếp sau đó, nghĩa là những người làm cách mạng sẽ phải làm gì sau cuộc cách mạng. Nguyên Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI trong thông điệp “Về niềm hy vọng Ki-tô giáo” nói : chính vì điều đó mà tại Liên-xô người ta phải sáng chế ra một thứ thuật ngữ mới : “thời kỳ quá độ”. Chính bởi vì giai cấp công nhân làm cách mạng nhưng lại không được tiên định để lãnh đạo cách tập thể ! Hậu duệ của Mác tại một số nước cộng sản cố níu kéo tư tưởng của Mác ; tuy nhiên, người ta càng níu kéo thì càng làm cho “triết lý” của ông đi sai lẫn về lý thuyết và thực tiễn. Cần trả lại ông về với lịch sử riêng ! Lịch sử thế giới cho thấy sự thịnh vượng hay sụp đổ của quốc gia gắn liền với tài năng hay bất tài của người lãnh đạo xuất thân từ một dân tộc. Không tồn tại “gia cấp tiên tiến” lãnh đạo trong lịch sử nhân loại.

Mọi đàn áp chính trị đều đi ngược lại tiến trình phát triển trên đây. Nó thách thức nền nhân bản thế giới. Không có bất cứ cá nhân hay tổ chức riêng lẽ và đặc biệt nào có thể nhân danh điều gì để áp đặt hay đàn áp người khác, ngay cả tại chính phần đất mình. Tất cả khởi đi từ nền tảng “quy ước”, được trình bày trong Hiến pháp hợp pháp hay văn bản hiệp ước chung khác. Dân chủ không phải là lý thuyết cũng không phải thuần túy tư tưởng chính trị. Nó là nền nhân bản. Ai sợ dân chủ và đàn áp dân chủ là chống lại con người.

Trần Văn Khuê



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét