Cả
hai thánh sử Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca ghi lại giáo huấn : “Hãy yêu thương kẻ
thù” (Mt 5,44 ; Lc 6,27), trong loạt Bài giảng trên núi của Đức Giê-su. Tính chất
tình yêu Tin Mừng này trở thành một trong những đòi hỏi khắt khe, chứ không phải
sự lựa chọn tuỳ thích đối với Ki-tô hữu.
Tuy
nhiên, ngay cả trong kinh nghiệm sống Tin Mừng của các Ki-tô hữu, câu hỏi được
nêu lên : “Hãy yêu thương kẻ thù” có ý nghĩa gì khi kẻ thù vẫn trấn áp, khủng bố
và bách hại ta ? Tình yêu này là gì khi chỉ có sự vu khống và gian dối ? Những
cuộc chiến đẫm máu ghi đậm màu sắc hận thù tôn giáo, chính trị, quyền bính và sắc
tộc đây đó trên toàn thế giới, đây đó nơi các cộng đoàn xã hội và tôn giáo, hôm
qua cũng như hôm nay là dấu chứng cho sự hòa giải khó khăn. Phải chăng tình yêu
Tin Mừng làm cho các Ki-tô hữu trở thành người cam chịu hay không còn khả năng
kháng cự lại điều ác ?
Mặt
khác, tình yêu kẻ thù không thể phủ lấp đắng cay và cơn ác mộng của nạn nhân vô
tội trải qua bạo lực. Không phải chỉ chúng ta hôm nay mới thấy hậu quả nghiêm
trọng của bạo lực và hận thù. Đức Giê-su cũng đã hiểu điều điều đó.
Phải
hiểu như thế nào “Hãy yêu thương kẻ thù” ? Đó chắc chắn không phải là thứ tình
yêu dễ dãi, nhưng trước hết là tình yêu không cho phép vạch ranh giới “bạn” và
“thù”. “Hãy yêu thương kẻ thù” không đặt câu hỏi : ai là bạn và ai là kẻ thù của
tôi. Chỉ có “tình yêu giai cấp vô sản” mới đặt sự đối kháng không thể hòa giải
giữa “bạn” và “thù” : hoặc là bạn hoặc là kẻ thù. Lời giải thích của Đức Giê-su
về tình yêu đối với kẻ thù : vì Cha anh em, Đấng ngự trên trời, “cho mặt trời của
Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Yêu thương kẻ thù là làm một với
người đồng loại.
Thế
nhưng người Ki-tô hữu cũng không thể ảo tưởng về việc yêu kẻ thù. Đó không phải
là công việc dễ dàng hay nhẹ nhàng. Nó
là thử thách, là gian nan, là căy đắng. Yêu thương kẻ thù là món ăn mà không ai
muốn nếm thử. Bởi lẽ, tình yêu này đòi hỏi con đường hòa giải và tìm kiếm sự hiểu
biết trong khiêm tốn tột độ và lòng bao dung xả kỷ. Từ cái nhìn đức tin, ai tin
vào Thiên Chúa chỉ có thể trông cậy vào ơn của Ngài để được biến đổi. Trong sự
biến đổi này chúng ta mới có thể “chịu đựng lẫn nhau” trong “tình yêu và chân
lý”.
Trần
Văn Khuê
Thật khó để cho con có thể làm được điều đó, xin Cha cầu nguyện cho con với. Để con có thể vượt qua được giới hạn của " Tình yêu kẻ thù", như vậy cho con cơ hội để yêu nhiều hơn. Cám ơn Cha
Trả lờiXóa