Tôi xin giới thiệu cùng
các bạn và quý vị bài viết của ISABELLE DE GAULMYN,
MARTINE DE SAUTO ET AGNÈS CHARETON, phóng viên của tờ nhật báo Công
giáo La Croix : “L’Eglise que veut le pape François”, ngày 30 tháng 07 năm
2013.
Giáo Hội đồng hành
Từ
lúc đặt chân tới Bra-xin, ngày 21 tháng 07, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trau chuốt
cách thức chào các giám mục thuộc những “Giáo hội đặc biệt”. Cách thể hiện này
mang ý nghĩa như ngài đến với tư cách Giám mục thành Rô-ma, được mời đến trong
giáo phận của các giám mục khác, không giống như vai trò người đứng đầu của
Giáo Hội hoàn vũ đến để giải quyết “công việc”. Ngài chọn cách gọi “anh em”
giám mục đối với các giám mục Bra-xin, cũng như tất cả giám mục thuộc châu Mỹ
La-tinh. Cách gọi này nhấn mạnh chiều kích đối thoại hơn là diễn từ mang nghĩa ex-cathedra (huấn quyền đặc biệt của
giáo hoàng). Bằng chứng là ngài lắng nghe các chứng từ, chất vấn và đề nghị đến
từ các giám mục.
Thái
độ này phản chiếu quan điểm về quản trị Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô
từ lúc ngài lên ngôi. Mặt khác, giáo hoàng được Công đồng Va-ti-ca-nô II, trong
Hiến chế Ánh sáng Muôn dân (Lumen
Gentium), định nghĩa là người “đứng đầu” ở giữa anh em giám mục khác : ngài giữ
vị trí hàng đầu trong giám mục đoàn – đảm nhận chung việc quản trị Giáo Hội.
Giáo hoàng không tự ý quyết định cách độc đoán.
Theo
nghĩa “đoàn”, Giáo Hội là nơi thảo luận và quyết định chung. Tại Rio, Đức Giáo
Hoàng mong muốn cách rõ ràng tính cộng đoàn được biểu lộ ở cấp bậc hội đồng
giám mục quốc gia hay châu lục, các cấp miền có thẩm quyền quyết định. Quan điểm
này hình như không đồng nhất với các vị tiền nhiệm vì lo ngại làm chồng chéo
vai trò giám mục và giáo hoàng.
Tính
cộng đoàn còn mang nghĩa làm việc chung với nhau. Nhớ lại phương pháp làm việc
của khóa họp hội đồng giám mục Aparecida vào năm 2007, Đức Giáo Hoàng truyền lại
kinh nghiệm cho các giám mục châu Mỹ La-tinh : không soạn thảo trước các tài liệu
qua đó người ta sẽ rà xét lại, nhưng các văn bản được hình thành theo tiến
trình làm việc và thảo luận chung, “từ đúc kết về những quan tâm khác nhau của
các mục tử”. Đó là cách mà Đức Giáo Hoàng đang dần thực hiện tại Rô-ma : thiết
lập nhóm các giám mục làm việc chung.
Trong
đường hướng này, Đức Giáo Hoàng yêu cầu “tính cộng đoàn” được thể hiện ở mọi cấp
độ của Giáo Hội : hội đồng tư vấn giáo phận, giáo xứ, trong lãnh vực mục vụ
cũng như kinh tế. Hội đồng tư vấn phải trở thành nơi “tham dự của giáo dân
trong vai trò tham vấn, tổ chức và hoạch định mục vụ”. Ngài thừa nhận : “Tôi
tin rằng chúng ta đang đi sau trong vấn đề này”.
Dưới
cái nhìn của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, tính cộng đoàn tự bản chất không phải
là nguyên lý, nhưng là điều kiện trong công cuộc loan báo Tin Mừng : tổ chức
Giáo Hội phải phục vụ “dân Thiên Chúa trong tổng thể”. Không phải với các cơ cấu
mà Giáo Hội đảm bảo sự hiệp thông giữa mọi thành phần. Sứ vụ mới là yếu tố hàng
đầu : các “viên chức mục vụ” của Giáo Hội và tín hữu nói chung phải cảm thức
“thuộc về Giáo Hội”, đồng hóa với Giáo Hội và làm cho Giáo Hội trở nên gần gũi
hơn với những ai xa rời Giáo Hội.
Giáo Hội ít giáo điều hơn
Trong
bài diễn văn đọc tại “comité de coordination du Conseil épiscopal latino-américain”
(Ủy ban điều phối Hội đồng tư vấn giám mục châu Mỹ La-tinh), ngày 27 tháng 07,
Đức Giáo Hoàng cảnh báo nguy cơ đe dọa “môn đệ truyền giáo” trong công cuộc
loan báo Tin Mừng.
Nguy
cơ trước tiên là “tư tưởng hóa” thông điệp Tin Mừng dưới nhiều hình thức khác
nhau. Ngài nêu lên cách đặc biệt nguy cơ “rút gọn mang chiều kích xã hội học” :
“tham vọng chú giải theo cái nhìn khoa học xã hội” ; “tư tưởng hóa chiều kích
tâm lý” : rút ngắn sự gặp gỡ với Đức Giê-su và tiến trình của cuộc gặp gỡ này về
tự nhận thức ; “đề nghị mang tính duy lý trí” : đưa tới “vấn đề tranh cãi về
thái độ mục vụ” ; và cuối cùng, giải pháp mang màu sắc của phái Pélage : nhìn lại
phía sau và tìm cách lấy lại quá khứ đã qua đi, thái độ “mang tính tĩnh học”.
Còn hai thái độ khác đe dọa Giáo Hội : chủ nghĩa chức năng, tìm kiếm trước hết
kết quả cuối cùng, “quan tâm tới lộ trình hơn là thực tế của con đường đi” và
chủ nghĩa giáo sĩ.
Thomas
Guyedier, Giám đốc trung tâm nghiên cứu thần học Caen, nhận định : “Những trình
bày của Đức Giáo Hoàng về khuynh hướng tư tưởng hóa thông điệp Tin Mừng rất phổ
biến, mời gọi chúng ta đọc lại cách làm mục vụ với sự cảnh giác và kỹ lưỡng. Mỗi
khuynh hướng tư tưởng hóa được nêu lên tương ứng với khuynh hướng của từng thế
hệ, và việc tránh rơi vào một trong những khuynh hướng trên cũng là cách để làm
hòa hợp các thế hệ. Đức Giáo Hoàng chỉ điểm cách đặc biệt thực tế hầu như có mặt
khắp nơi trong các giáo phận chúng ta hôm nay, liên hệ đặc biệt với thế hệ
trung gian chịu ảnh hưởng bởi trào lưu phong trào đặc sủng mới, khuynh hướng
duy tâm linh. Viện cớ để tránh sai lầm mà thế hệ trước đây để một bên chiều
kích tâm linh trong đời sống dấn thân hoàn toàn bị nhấn chìm bởi lịch sử, nguy
cơ hôm nay là bỏ rơi mối tương quan với thế giới trong đời sống Ki-tô hữu tách
lìa những thực tại kinh tế và xã hội. Hôm nay chúng ta có khuynh hướng phát triển
thứ mục vụ kỷ luật, chứ không phải là truyền giáo, bỏ qua ý nghĩa theo Đức
Ki-tô không chỉ ưu tư về nhà nguyện, nhưng còn và trên hết trong việc phục vụ nhân
phẩm trong lòng xã hội, chủ đề được khai triển trong Thông điệp Ánh sáng Đức tin (Lumen fidei).
Theo
nhà thần học này, vấn đề việc làm, được Đức Giáo Hoàng nêu lên với các bạn trẻ
tại Rio, là lãnh vực trung tâm. “Từ đây, đời sống Giáo Hội, được thúc đẩy bởi lý
tưởng Hoạt động Công giáo, dấn thân hoàn toàn trọn vẹn trong lãnh vực này. Hôm
nay, ngay cả khi một số nhóm, phong trào mang nơi mình ưu tư đi vào thế giới,
nhưng ghi nhận cho thấy chúng ta có khuynh hướng đi ra khỏi những vấn đề nhân
sinh, để lợi ích “gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô” được trải rộng trong công việc tông
đồ mà Công đồng Va-ti-ca-nô II nói tới. Chúng ta trở thành chuyên gia trong
nguyên cứu, trong nội quan, nhưng làm sao chúng ta có thể chắp nối với thế giới
lao động ?”
Giáo Hội cởi mở với từng người
Không
ngại sử dụng từ “quyến rũ” để nói trước các giám mục Bra-xin hay thành ngữ “khôn
lanh Tin Mừng” trước toàn dân châu Mỹ La-tinh, Đức Giá Hoàng Phan-xi-cô biện hộ
cho một Giáo Hội “mục vụ” hơn, biết đón nhận hơn là phán xét như trong vấn đề đồng
tính mà ngài đã trả lời cho giới báo chí trên đường từ Bra-xin về Rô-ma. Viễn cảnh
mục vụ mang tư tưởng của thánh I-nha-xi-ô, nghĩa là đến với con người trong
hoàn cảnh mà họ đang sống chứ không phải từ thứ luân lý tiên nghiệm. Đó là những
gì mà ngài đã trình bày : “cuộc cách mạng của tình thương mến”.
Nền
tảng của thái độ này là “lòng thuơng xót”, một trong những từ mà Đức Giáo Hoàng
thường hay sử dụng từ lúc lên ngôi. Giáo Hội không phải là cơ quan phán xét và
kỷ luật. Ngài đối lập Giáo Hội của lòng thương xót với Giáo Hội “kiểm soát”, biện
hộ cho “Giáo Hội tuyên tín, chứ không phải Giáo Hội rà xét”.
Giáo
Hội phải lưu tâm tới những “vấn đề phức hợp nảy sinh” và biết tạo nên nơi và cơ
hội biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều đó đòi buộc phải đi trước con
người và “không sợ ra đi trong đêm tối” của con người đương đại, “giao thoa con
đường của họ”, đối thoại với họ, đi tới những “vành đai hiện sinh”.
Đối
với Đức Giáo Hoàng, nhiều tín hữu rời bỏ Giáo Hội Công giáo vì Giáo Hội không
biết bắt kịp họ, nơi họ sinh sống. “Khuôn khổ của Đại Giáo Hội đối với họ là
quá lớn”. Chính vì thế mà họ bị lôi cuốn bởi phong trào thánh linh của Giáo Hội
Tin lành.
Đức
Giáo Hoàng nhắc lại trước Ủy ban điều phối Hội đồng tư vấn giám mục châu Mỹ
La-timh : “Khung cảnh và tổ chức đa dạng. Ví dụ : trong cùng một thành phố tồn
tại các cơ cấu khác nhau hình thành những thành phố khác nhau. […]. Thiên Chúa
làm phần trong những sự khác biệt này : cần phải biết khám phá ra Ngài nhằm có
thể loan báo Ngài trong mọi nền văn hóa, nơi những thực tại và ngôn ngữ khác
nhau”.
Tóm
lại, Đức Giáo Hoàng mong muốn Giáo Hội “có khả năng vượt lên trên chỉ việc lắng
nghe, nhưng còn biết đồng hành khi trở thành bạn đồng hành của người khác”. Bởi
lẽ, Thiên Chúa mạc khải trong lịch sử là Thiên Chúa “gần gũi” với dân, và “đến
gặp gỡ dân của Ngài”. Chứ không phải là thứ “mục vụ quy tắc, chỉ biết đặt nặng
nguyên lý, chỉ đạo, quy trình tổ chức”.
Giáo Hội nghèo khó và nữ tỳ
Đức
Giáo Hoàng nhắc lại trước các bạn trẻ trên toàn thế giới và các giám mục
Bra-xin tại Rio những gì mà ngài đã phát biểu vào ngày 16 tháng 03 năm 2013 : “Tôi
mong muốn có một Giáo Hội nghèo khó và cho người nghèo”.
Một
Giáo Hội nghèo khó không giống như tổ chứ ONG (tổ chức phi chính phủ), nhưng có
“khả năng đốt nóng con tim”. Quả thật, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, giáo dục, y tế,
ổn định xã hội là “điều cấp thiết của người Bra-xin”, và về vấn đề này Giáo Hội
phải cho làm cho người khác nghe tiếng nói của mình. Tuy nhiên, “để đáp trả
cách phù hợp những thách đố này, các giải pháp kỹ thuật không đủ, còn phải nhìn
thấy con người với tự do và giá trị của nó”.
Đối
với cha Philippe Kloeckner, nguyên đặc trách phần châu Mỹ La-tinh của Hội đồng
Giám mục Pháp, Đức Giáo Hoàng qua đó cho thấy “ngài không muốn Giáo Hội là cơ
quan làm việc cho tổ chức của mình, nhưng phải phục vụ Thiên Chúa và loan báo
Tin Mừng”.
Cũng
trong diễn văn đọc tại Ủy ban điều phối Hội đồng tư vấn giám mục châu Mỹ
La-timh, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đả kích “tâm lý hoàng tử” của một số giám mục
và nhắc lại vai trò của mục tử không phải là làm “thầy”, nhưng người “hướng dẫn”.
Các giám mục phải biết yêu mến sự “nghèo khó”, “nghèo khó nội tâm trong tinh thần
tự do trước Thiên Chúa cũng như nghèo khó bên ngoài trong đời sống giản dị và
khắc khổ”.
Đối
với Elena Lasida, thuộc Đại học Công giáo Paris, đặc trách về Ủy ban Công lý và
Hòa bình : “Ý tưởng về Giáo Hội nghèo khó vượt lên trên tính đơn giản về vật chất”.
Giáo Hội phải có khả năng “đi vào trong mối tương quan trao đổi và trở thành bạn
đồng hành của người khác”. Đối diện với sự nghèo đói, “Giáo Hội không thể đưa
ra tất cả mọi giải pháp có sẵn”.
Giáo Hội lội ngược dòng
“Cha
yêu cầu chúng con trở thành nhà cách mạng, lội ngược dòng. Để làm điều đó, cha
kêu gọi chúng con đứng lên chống lại thứ văn hóa của cái tạm thời, thứ văn hóa trong
sâu xa của nó cho rằng chúng con không có khả năng đảm nhận trách nhiệm, không
có khả năng yêu thương thật sự…”. Lời kêu gọi này được gửi đến tình nguyện viên
của Đại hội giới trẻ tại Rio. Đối với triết gia Guy Coq, lời “mang tính Tin Mừng
cách sâu xa” của Đức Giáo Hoàng trên đây mô tả hình ảnh Ki-tô hữu có khả năng “cự
tuyệt” mọi thứ “chủ nghĩa theo phong tục và tập quán”. “Trở thành nhà cách mạng
không có nghĩa là phá hủy tất cả. Đó là khả năng chú tâm tới các trào lưu diễn
ra trên toàn thế giới, cũng như chúng đang xuyên qua đời sống chúng ta. Chứng tỏ
khả năng dấn thân sâu xa và đi ra khỏi thứ văn hóa của cái nơi đây và ngay bây
giờ để tìm kiếm ý nghĩa của lịch sử nhân loại và ơn cứu độ”. Lời kêu gọi trở
thành nhà cách mạng vượt lên trên ơn gọi cá nhân của từng người. Đức Giáo Hoàng
nhắc lại rằng “nó cần phải biến đổi thế giới cách triệt để”. Chúng ta nhận thấy
điều đó khi ngài tố giác quyền tuyệt đối của tài chính. Ngôn sứ là người muốn
đưa con người ra khỏi triền dốc thảm hại tập thể trong đó họ bị giam hãm. Trong
nghĩa này, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô mang nơi mình lời “ngôn sứ” và mang lại ý
nghĩa của việc dấn thân cụ thể và đạo đức. Ngài không cho rằng sự đoạn tuyệt là
mục đích tối hậu. Ngài tin khả năng hình dung ra một thế giới khác có thể. Ngài
lấy lại cái tinh hoa của thần học giải phóng : Ki-tô hữu tìm thấy nơi Tin Mừng đòn
bẩy để biến đổi thế giới. Những gì chúng ta tìm thấy nơi vị Giáo Hoàng này
không phải là diễn từ mang tính giáo hóa (luân lý), không đóng khung lại trong
quan điểm giáo điều hay sơ đồ được thiết lập trước, nhưng là hy vọng.
Trần Văn Khuê,
aa, lược dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét