Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

NHÌN TỪ RÔ-MA

Một lần nữa tôi lại có dịp trở lại với thành phố Rô-ma....



Rô-ma, cái nôi của nền văn minh phương Tây (sau thành phố A-then, Hy-lạp), trung tâm của Đế quốc La-mã, mãnh đất cưu mang thành Va-ti-can. Rô-ma khoác trên mình những cái tên vô tận : Caput Mundi (Kinh thành thế giới), Thành phố trên bảy ngọn đồi, Città eterna (Thành phố vĩnh hằng)…

Rô-ma, một cách nào đó, biểu trưng cho “Thành đô Thiên Chúa”. Nó là trung tâm hành hương, nơi hội tụ nhiều người thuộc mọi sắc tộc, mọi ngôn ngữ và mọi quốc gia. Rô-ma là nơi mà người ta tìm đến không những chỉ vì các công trình kiến trúc đồ sộ và các tác phẩm nghệ thuật, mà còn là linh địa của đức tin.

Những gì tôi thấy là sự kiên trì và lòng yêu mến của khách hành hương đối với nơi đây. Người ta kiên trì trong dòng người tiến về thánh điện của Vương cung thánh đường Phê-rô ; người ta kiên trì trong những giờ yết kiến chung hàng tuần của Đức Giáo Hoàng ở quảng trường thánh Phê-rô dưới cái nắng mùa hè Rô-ma. Người ta biểu lộ lòng yêu mến đối với Giám mục thành Rô-ma (Đức Giáo Hoàng) - người đấng đầu của Giáo hội Công giáo.



Tôi tự hỏi điều gì làm cho người ta trở nên kiên nhẫn, yêu mến, quảng đại, vị tha, nhân ái, bao dung với người khác, nếu đó không phải là trái tim hướng về Thiên Chúa ? Nhân loại đã từng kinh nghiệm về cơ chế, hệ thống xã hội, tài chính và quyền lực chính trị không đủ đảm bảo cho an toàn đời sống và hạnh phúc mà con người tìm kiếm và giúp họ sống liên đới hơn trong thế giới đại đồng. Sụp đổ, suy thoái, xung đột, khủng hoảng… trong thế giới chúng ta là những bằng chứng.

Con người chấp nhận sự yếu đuối và bất toàn của chính mình cũng như của người khác để cùng nhau tiến về “Thành đô Thiên Chúa” khi được lôi kéo về Đấng siêu việt và vô biên.

Trần Văn Khuê, aa


Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

NGƯỜI CON HÒA BÌNH ?

Theo lẽ tự nhiên chúng ta nói về thế hệ người con Đất Việt sinh ra sau cột mốc 1975 như “người con hòa bình”. Bởi lẽ, cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam – Bắc đã chấm dứt từ đó. Những đứa trẻ sinh ra không còn biết khói đạn chiến tranh như cha ông chúng. Các cuộc chiến “khốc liệt” và “bi thương” chỉ còn là câu chuyện “thực thực – hư hư”, “mờ mờ - ảo ảo” và mang nhiều tình tiết “huyền thoại” được thêu dệt bởi nhiều màu sắc chính trị và cung bậc cảm xúc khác nhau qua truyện kể, truyền thông đại chúng hay được hệ thống hóa trong những trang sách “sử học”. Đó là cuộc chiến mà chính nhiều người thuộc bậc tiền bối của chúng cũng muốn quên đi trong cay đắng. Quên đi cho một quá khứ quá “bạo tàn” và quá “hãi hùng”. “Hòa bình”, đó là điều mà người ta tự hào.

Tuy nhiên, tôi lại sực nhớ câu nói của cố Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII trong thông điệp Pacem in terris (Hòa bình trên trái đất, 1963) : “Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh”. Thông điệp này được gửi cho tất cả mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh Công Giáo cũng như cho mọi người thành tâm thiện chí trên toàn thế giới, trong đó Đức Giáo Hoàng xác định sự tồn tại của nền hòa bình đích thực chỉ được xây dựng trên nền tảng sự thật, công lý, bác áitự do. Lời minh định này đưa tôi vào cuộc chiến tư tưởng về hòa bình trên mảnh đất đã hết rồi tiếng súng và bom đạn, nhưng tiềm tàng chiến tranh.

Chúng ta chưa có hòa bình khi cuộc chiến tự do đang bị đàn áp. Tự do không đồng nghĩa với vùng “giải phóng”. Tự do cũng không đồng nghĩa với “quan điểm chính trị” : bảo thủ hay phóng khoáng. Tự do vượt lên trên mọi quan điểm và thể chế chính trị. Điều khôi hài là khi ai đó biểu đạt sự tự do và tức khắc bị quy chụp về “quan điểm chính trị”. Tự do đơn giản là con người. Con người tự do có khả năng lý trí suy nghĩ cách độc lập và không ngừng tìm kiếm hạnh phúc. Tự do là giá trị tự nhiên được thừa nhận cách phổ quát : “Mọi người sinh ra đều được tự do” (x. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Điều 1).

Chúng ta chưa có hòa bình khi cuộc chiến sự thật đang trong mây mù. Sự thật và giả dối như bức tranh tối sáng mờ mờ ảo ảo. Việc “đánh lộn con đen” như chiêu thức chính trị nhem nhúa trở nên thông thường. Trong bối cảnh thật giả như “vàng thau lẫn lộn” con người phải chơi trò hai mặt trong mối tương quan con người và xã hội. Tất cả chỉ là dối gian và bi kịch. Con người sinh và có quyền được biết và nhận biết những gì là chân thật. Tìm kiếm sự thật và xác tín sự thật là khuynh hướng bẩm sinh nơi con người.

Chúng ta chưa có hòa bình khi công lý bị áp đặt. Cán cân công lý không còn là thực tại khách quan, nhưng chỉ là sự áp đặt cách độc đoán từ nhóm quyền lợi, của kẻ quyền hành. Luật thiết định không còn giữ được bản chất nội tại căn bản là bảo vệ các “thành phần yếu” của xã hội, nhưng trở thành công cụ của quyền lực thống trị. Cuộc chiến công lý là cuộc chiến cho quyền tự nhiên : “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng” (x. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Điều 1).

Chúng ta chưa có hòa bình khi bác ái vẫn còn là thứ sản phẩm xa xỉ trong xã hội thực dụng, duy vật chất và phân biệt đối xử vì hận thù chính trị. Nếu như xã hội pháp quyền là biểu tượng cho nền dân chủ thì bác ái là biểu tượng cho xã hội nhân bản. Cuộc chiến bác ái là cuộc chiến cho nền tảng : con người không được sinh ra cho bạo quyền hay cho hận thù, nhưng là sống giá trị bác ái. Câu nói nổi tiếng của Antigone, nhân vật anh hùng của Sophocle trong kho tàng triết học cổ Hy-lạp : “Tôi sinh ra cho tình yêu, chứ không phải hận thù”. Biểu hiệu của đất nước hòa bình là lòng bao dung, sự chia sẻ, tinh thần liên đới và hòa giải trong bác ái.

Trần Văn Khuê, aa




Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

ĐAU KHỔ

Kinh Thánh kể lại câu chuyện đáng thương về ông Tôbia trong cuốn sách cùng tên[1]. Ông là người đạo hạnh, tốt bụng, thương người cũng như có lòng kính sợ Thiên Chúa với lòng tin son sắt. Suốt một đời ông không bao giờ làm điều gian ác, nhưng chỉ biết làm việc thiện và giúp đỡ người khác. Người thân cận của ông là những người bất hạnh.

Là người bao dung và chính trực, thế nhưng ông lại phải gặp nhiều bất trắc và u sầu trong cuộc sống. Ông bị chính người thân thiết trong gia đình chửi rủa và hắt hủi cũng chỉ vì cái lòng tốt của ông. Bi kịch cuộc đời đạt tới đỉnh điểm là vào một ngày sau khi đi chôn cất người đồng bào xấu số bị giết chết nơi phố chợ, trong lúc Tôbia đang ngủ phân của một con chim rơi xuống mắt và làm đôi mắt ông mù lòa (Tb 2, 1-14). Lời đáp trả cay đăng cuối cùng của nàng Anna, vợ ông : “Các việc bố thí của ông ở đâu ? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi ? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi”.

Tôbia là biểu tượng của kinh nghiệm con người : “làm phúc, gặp họa” – kinh nghiệm phổ quát về sự đau khổ. Đó là kinh nghiệm sâu xa nhất về cuộc sống con người, khó có câu trả lời thích đáng. Tham vọng đưa ra các lời giải thích về bóng đêm của đau khổ chỉ mang tính phiến diện và hời hợt ; cũng như lời phân bua : “không sao đâu mà” hay an ủi : “sau cơn mưa trời lại nắng” xem chừng xuất phát từ tất cả tấm lòng thành lại trở nên vô tâm cách tàn nhẫn. Kinh nghiệm của người đồng cảm đích thực với đau khổ của người khác là sự thinh lặng trong đêm sa mạc. Quả thật, trước đau khổ, con người không có lời hay không đủ lời để nói đúng bản chất của nó.

Người Kitô hữu không tin vào thuyết “định mệnh” cũng như sự “tiền định” trong đau khổ, nhưng vẫn xác định đau khổ làm phần với cuộc sống con người. Tuy nhiên, con người không được sinh ra cho đau khổ, cũng không được ném vào trong “số phận”. Nó chỉ là sự ngẫu nhiên, sự trùng hợp tình cờ nơi cuộc sống con người. Sau tai nạn khủng khiếp, nhiều người tự hỏi cách tiếc nuối hay dằn vặt : Sao không đi sớm hơn hay muộn hơn một giờ ? Sao không đi trên chuyến xe khác thay vì chuyến xe này ? Sự bắt gặp giữa ngày giờ khởi hành và tai nạn chỉ là sự ngẫu nhiên.

Đau khổ của Tôbia cũng như đau khổ khác của nhiều người trong mọi thời đại, trong mọi hoàn cảnh, đối với người Kitô hữu, chỉ được thực sự soi sáng dưới ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu Kitô : mầu nhiệm tử nạm và phục sinh. Đau khổ không phải là định mệnh ; nó không phải là tiếng nói cuối cùng đới với cuộc sống con người. Sự sống mới là vĩnh viễn, trường cửu. Sự sống này được ban tặng ngay trong đau khổ. Không phải đau khổ sinh sa sự sống mới, nhưng trong đau khổ sự sống không thể bị tiêu diệt. Chính niềm tin Kitô này chiếu sáng vào nơi tăm tối của thảm cảnh chết chóc do đau khổ và thắp lên niềm hy vọng nơi ngục tù.

Câu chuyện Tôbia không nhằm mục đích chất vấn về mối tương quan giữa “việc làm tốt” và “cái kết có hậu” của nó. Tôbia là gương mặt Kinh Thánh điển hình về con người đem niềm hy vọng, được thúc đẩy bởi lòng tin, vào nơi đau khổ của con người. Con đường dấn thân này không loại trừ đau khổ của chính mình – bị mù lòa, và bóng đêm đen của niềm tin.

Trần Văn Khuê



[1] Sách Tôbia, một trong số 73 cuốn sách của bộ Kinh Thánh.

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

HƠN THẾ NỮA

(Vì lý do cá nhân nên trong thời gian qua tôi không thể đăng bài. Hôm nay tôi lại mới có thể trở lại trang blog quen thuộc của mình với bài viết ngắn này. Cám ơn tâm tình của quý bạn đọc. Tôi ước mong là bạn đồng hành của các bạn và quý vị.)

Các thể chế chính trị và cơ cấu xã hội được thay đổi theo dòng lịch sử. Tuy nhiên, khi nói về nền tảng người Tây phương thường trở về với ngữ nghĩa triết học chính trị có nguồn gốc từ thời Hy lạp cổ đại. Trong triết học Hy lạp cổ đại người ta xác định ba phạm trù chính trị. Trước hết, chính trị được hiểu như xã hội dân sự. Nó là tổng thể đời sống xã hội được cơ cấu và phát triển. Tiếp đến, chính trị được hiểu như hiến pháp quy định thượng tầng cấu trúc và chức năng của các bộ phận xã hội, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn. Cuối cùng, chính trị được hiểu như nghệ thuật lãnh đạo, thực thi quyền bính.

Chính vì sự bao trùm của chính trị trên đời sống con người, nên chúng ta nói : “con người mang tính chính trị”. Nhưng, nếu như yếu tố chính trị liên hệ tới mọi lãnh vực đời sống xã hội như ý nghĩa trên đây, nó cũng không phải là tất cả đối với con người. Nhìn vào hậu trường chính trị hôm nay, trên bình diện quốc tế cũng như quốc gia đặc biệt, chúng ta có cảm giác tất cả là con rối trong kịch tuồng vĩ đại chịu chi phối bởi tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, đảng phái chính trị, hệ tư tưởng nhiều lúc cuồng tín giáo điều. Trên sân khấu kịch tuồng này truyền thông đại chúng hiện đại trở thành phương tiện ma thuật biến hóa khôn lường nhằm phục vụ “nhóm lợi ích”.

Con người không chỉ được sinh ra để thống trị và bị thống trị, vì lợi ích và cho lợi ích. Nó được sinh ra như quà tặng và sống kinh nghiệm làm người. Kinh nghiệm này vượt qua khuôn khổ của mọi định chế. Nó là chủ thể khát khao niềm hạnh phúc vô biên, vui sống trong mối tương giao và bình lặng trong cõi thâm sâu chính mình. Có những lúc con người nổi loạn. Tuy nhiên, việc nổi loạn này không nhất thiết đến từ tính chất “con người mang tính chính trị”, nhưng vì định chế xã hội ngăn cản con đường đường hạnh phúc, hay khi nó trở thành “kẻ thù” – vật cản đường, của con người.

Con người còn hơn thế nữa. Nó không thể tự phó mặc hay được trao phó cho bất cứ hệ tư tưởng nào. Nó là chủ thể tự do và mãi mãi tự do, “ngay cả trong việc làm tồi tệ nhất” (Nietzsche). Con người chỉ có thể là chủ và trung tâm của mọi thể chế chính trị và định chế xã hội.

Trần Văn Khuê