Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

SA MẠC CUỘC ĐỜI


Ngày 11 tháng 02 vừa qua, thế giới vốn ồn ào và vồn vã hầu như đã dừng lại khi thông cáo báo chí từ Vatican phát đi : Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI quyết định từ nhiệm chức vụ Giám mục Rôma, kế vị thánh Phêrô vào ngày 28-02 tới đây. Ngay sau thông cáo này được phát đi trên các phương tiện truyền thông, nhiều người trên thế giới bày tỏ sự nuối tiếc, đồng thời thán phục và ngưỡng mộ vị mục tử tài ba, nhưng rất mực khiêm tốn. Các hãng thông tấn không ngớt đưa tin và bình luận trong những ngày qua.

Tuy nhiên, “tin nóng” về sự kiện lịch sử này hình như đã bắt đầu nhường lại cho suy tư về chân dung của người mục tử nhân hiền và nhà thần học uyên thâm, nhưng lại rất thầm lặng ngay trên cương vị Giáo Hoàng.

Thế giới “náo nhịp”chúng ta hình như đang thiếu những con người như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Con người mà chúng ta không tìm thấy trong các sự kiện “ồn ào” trên thế giới ; con người không chủ trương “lễ hội” ; con người chỉ luôn mời gọi mọi người trở về với cái chính yếu trong sa mạc cuộc đời, nơi đó con người cần và có khả năng lắng nghe “tiếng nói nội tâm” và đối diện với chính mình cách trung thực hơn. Con đường phát triển chính là con đường hối cải. Người ta nói Ngài chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng thánh Augustinô (354-430). Quả thật, qua quan sát từ cung cách sống cho tới những suy tư thần học, chúng ta nhận thấy Ngài là con người sống kinh nghiệm về Thiên Chúa sâu xa nơi sa mạc cuộc đời – kinh nghiệm mà thánh Augustinô từng có.

Về sa mạc cuộc đời Tin Mừng đã trình bày cho chúng ta hình ảnh sinh động qua câu chuyện Đức Giêsu đi vào sa mạc sau khi nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả để bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa cho dân chúng. Sa mạc trong Tin Mừng không mấy có ý nghĩa về mặt địa lý, nhưng mang tính biểu tượng. Sa mạc nơi Đức Giêsu đi vào chính là thế giới mà nơi đó con người luôn bị cám dỗ bởi quyền lực, danh vọng và tiền tài. Đó là những thứ ma lực có thể khuynh đảo và bóp chết đời sống con người. Bị thống trị bởi chúng, con người khó có khả năng nghe thấy tiếng nói sự thật và chân nhận chính mình.

Sau này các vị chân tu mà sử sách kể lại đã đi vào sa mạc để tìm kiếm đời sống “hoàn thiện”. Đó ắt hẳn không phải là những người muốn “thoát ly” thế giới, nhưng là con người ở trong thế giới này không để cho quyền lực của nó thống trị.

Sa mạc cuộc đời là không gian và thời gian mà trong đó con người bị xâu xé bởi những yếu tố con người ; đó cũng là nơi mà con người sống kinh nghiệm về sự mỏng giòn và yếu đuối con người. Trong sa mạc cuộc đời này con người nghiệm ra rằng mình không phải là tất cả và thế giới này cũng không phải là tất cả ! Cuộc sống tràn đầy chỉ có nơi Đấng vô biên – Đấng ban cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét