Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

THEO DÒNG THỜI SỰ


Nói tới sự kiện liên quan tới Việt Nam gần đây, chúng ta không thể không nhắc tới cuộc hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI với ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tại Vatican vào sáng ngày 22 tháng 01 năm 2013, nhân chuyến viếng thăm Italy của phái đoàn Nhà nước Việt Nam. Cuộc viếng thăm đã thu hút sự quan tâm của quan sát viên báo chí quốc tế và nhà bình luận. Mối quan tâm của các quan sát viên báo chí quốc tế xuất phát từ việc Đức Giáo Hoàng dành cho ông Nguyễn Phú Trọng nghi thức tiếp đón được dành cho một nguyên thủ quốc gia, và vào ngày nghỉ của Ngài (thứ ba hàng tuần).

Có nhiều phỏng đoán và bình luận trái chiều – tích cực và tiêu cực, từ cuộc viếng thăm này trong bối cảnh Việt Nam đang bị “Đàn anh phương Bắc” chèn ép và các vụ bắt bớ, kết án những người có tiếng nói đối lập trong nước, đặc biệt là 14 thanh niên Công giáo và Tin lành gần đây[1]. Thực ra thì thông cáo báo chí của Tòa Thánh cũng chỉ cho biết cách ngắn gọn về cuộc hội kiến : “các cuộc thảo luận diễn ra trong tình thân ái”, liên quan tới “những vấn đề quan tâm của Việt Nam và Tòa Thánh… Hai bên cũng hy vọng giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng và cũng cố việc hợp tác vững mạnh thêm”. Có lẽ nhiều người quan tâm đặt câu hỏi : “những vấn đề quan tâm của Việt Nam và Tòa Thánh” cũng như “một số vấn đề tồn đọng” là gì và việc “cũng cố hợp tác vững mạnh thêm” như thế nào ? Có nhiều bài bình luận trên báo chí trong những ngày qua.

Tôi có cái nhìn thực tế hơn, không phải từ cuộc tiếp đón “ly kỳ” hay từ những “cụm từ” được nêu ra trong thông cáo báo chí của Tòa Thánh, mà từ bài phỏng vấn của ông Tổng bí thư do BBC thực hiện. Mời quý vị xem cuộc phỏng vấn này :



Chúng ta nhận thấy trong bài trả lời phóng viên đài BBC của ông Nguyễn Phú Trọng không có gì mới mẻ so với những gì mà chúng ta vẫn từng được nghe.

Trước hết, ông Nguyễn Phú Trọng xác quyết, dù tình hình kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trong những năm qua nhưng nền kinh tế và đời sống người Việt Nam ở quê nhà vẫn đứng vững. Ông phát biểu : “Mặc dù gần đây thì kinh tế thế giới có những suy thoái, có những khủng hoảng tài chính, nhưng Việt Nam chúng ta vẫn đứng vững, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát từ 18% xuống còn 6%-7% thôi, an sinh xã hội vẫn đảm bảo, đời sống tốt, vừa rồi bà con vui No-en đông lắm ; sáng nay tôi gặp Giáo Hoàng, nói rằng bà con vui No-en đông lắm.” Theo tôi hiểu, từ lời phát biểu này, thì Việt Nam là Nước (có lẽ là duy nhất) nằm ngoài ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Có hai vấn đề ở đây : thứ nhất, khả năng để Việt Nam “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, không chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, đó là Việt Nam “nằm ngoài” hệ thống kinh tế thế giới (chúng ta là duy nhất theo “nền kinh tế định hướng XHCN”!) ; thứ hai : những vụ bế bối tài chính do tham nhũng, do lũng đoạn chính trị được phanh phui gần đây trên báo chí không là cái gì ; những con số khổng lồ mà những người dân Việt Nam bình thường chưa bao giờ nhìn thấy (ngay cả trong giấc mơ) trong các vụ tham nhũng là chuyện nhỏ ; “an sinh xã hội vẫn đảm bảo, đời sống tốt” ; “bà con vui No-en đông lắm” ! Chắc đây phải “nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước”. Hẳn gì, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích trước dân : đã 51 năm trung thành đi theo Đảng, nay vì được Đảng giao phó nên tiếp tục gánh vác sự nghiệp giang sơn Đất nước cho đến hết chặng đường cuối cùng !

Tiếp đến, “Ngày No-en không phải chỉ là ngày của đồng bào Công giáo thôi, thành ngày hội của toàn dân, rất vui”. Không biết là Đức Giáo Hoàng đón nhận như thế nào báo cáo này của ông Nguyễn Phú Trọng ? Theo sự hiểu biết của tôi thì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI là một nhà thần học uyên thâm luôn đi sâu vào trong nội dung chính yếu đời sống đức tin của người Công giáo. Đời sống Kitô hữu là kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong việc lắng nghe Lời Chúa và sống việc cử hành các Bí tích trong Giáo Hội, chứ không phải từ lễ hội. Kitô giáo không phải là tôn giáo lễ hội. Chính đời sống đức tin này làm cho các Kitô hữu trở thành con người tự do và tìm kiếm tự do, công bình và bác ái. Nếu Đức Giáo Hoàng vui mừng vì ngày Lễ No-en là ngày hội thì Ngài không cần phải đi sang tới Việt Nam và chờ cho tới ngày hôm nay ; thế giới đã đón chào ngày Lễ No-en như ngày hội đã lâu lắm rồi. Ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ quan đánh giá thấp sự biết của Đức Giáo Hoàng !

Cuối cùng, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục : “Tôi có nói là tất cả chúng ta đều vì mục đích là chăm lo làm sao để đảm bảo đời sống của nhân dân về vật chất và tinh thần, sống tốt đời đẹp đạo, sống Phúc âm trong lòng dân tộc, mỗi người Công giáo tốt thì trước hết phải là một công dân tốt ; Giáo Hoàng nói với tôi như thế rất phấn khởi.” Chúng ta không xa lạ với những lời trích này, được Đảng và Nhà nước rút ra cách vội vàng từ văn kiện của Giáo Hội để giảng dạy cho người Công giáo từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, có điều đặc biệt trong lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng lần này : “Giáo Hoàng nói với tôi như thế rất phấn khởi” ; nghĩa là kể từ đây ông không cần phải tìm kiếm nơi đâu khác bài giảng sống đạo cho người Công giáo  - ngay cả qua trung gian các tài liệu Giáo Hội đầy đủ hay qua sự diễn giải của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc sống Phúc âm của người Công giáo trong thế giới hôm nay : “Giáo Hoàng nói với tôi như thế”. Ông cho thấy mình là chứng nhân sống cho xác quyết : “mỗi người Công giáo tốt thì trước hết phải là một công dân tốt” ! Về vấn đề này – cả về phần nội dung và hình thức (cách trích dẫn) đã có nhiều bài bình luận của các chuyên gia và những người hữu trách Giáo Hội, tôi không trở lại với những phê bình. Điều duy nhất tôi muốn nói là tôi hoàn toàn nghi ngờ về tính lương thiện trong lời trích này !

Dù có những phỏng đoán như thế nào thì phát biểu này của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ vẫn còn là chính sách "nhất quán" của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong một thời gian tới !

Trần Văn Khuê



[1] Xem : “Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh phản đối bản án phi pháp và bất công”, ngày 20 tháng 01 năm 2013 ( http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=8989 ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét