Từ lúc lên ngôi Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô
từng ngày đang thu phục trái tim nhiều người. Họ không chỉ là chiên trong đàn :
“Chiên ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo ta” (Ga 10,27), nhưng
đó còn là người thuộc mọi tầng lớp, địa vị và vị thế xã hội khác nhau. Sức cuốn
hút nơi con người Phan-xi-cô, theo đánh giá của nhiều người, là sự thân thiện,
cởi mở, gần gũi. Gương mặt khả ái toát lên tâm hồn của người mục tử nhân hiền.
Tuy
nhiên, mạch suối tuôn trào nguồn sống không ở nơi phong thái tự nhiên, nhưng từ
tâm tình của người môn đệ Chúa Giê-su sống xác tín vào tình yêu như thánh
Phao-lô : “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5,14), và “Tôi sống,
nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Con đường
tình yêu qua ánh sáng đức tin : “Nhờ ánh sáng của Ngài chúng con được nhìn thấy
ánh sáng” (Tv 36,10). Từ đó, trong cái nhìn của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, nền
tảng đức tin là mối tương quan nội tại giữa “tin” và “nhìn thấy” : “Nào Thầy chẳng
nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa sao ?” (Ga 11,40), Chúa Giê-su nói với cô Ma-ri-a sau khi làm
cho La-da-rô sống lại. Cái nhìn này được Đức Giáo Hoàng khai
triển trong Thông điệp “Ánh sáng đức tin” (thông điệp được viết chung cùng với
Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, 6/2013) cũng như trong Tông huấn “Niềm vui
Phúc âm” (11/2013).
Ánh
sáng đức tin không phải là thứ “ánh sáng ảo giác” làm cho con người mộng mị,
ngây ngô và mù quáng. Nó cũng không phải là “sự tự an ủi” theo cách “hãy vui sướng
hồn ta ơi” mà triết gia người Đức, Nietzsche, phê bình (x. Ánh sáng đức tin, s. 2&3). Nhưng, “đức tin được sinh ra từ sự gặp
gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu gọi và biểu lộ tình yêu của Ngài cho
chúng ta. Tình yêu đó đi bước trước và trở thành đá tảng vững chắc để chúng ta
có thể xây dựng đời sống” (x. Ánh sáng đức
tin, s. 4). Lý giải đức tin là từ kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống
và qua ánh sáng đức tin chúng ta nhìn thấy tình yêu của Ngài, như thánh Gio-an viết
: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã
tận mắt thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó
là Lời sự sống” (1Ga 1,1).
Tin
và nhìn thấy được Kinh Thánh Cựu Ước mô tả qua đức tin của Áp-ra-ham. Ông nghe
tiếng Chúa và đáp lại lời mời gọi, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy dung mạo của
Ngài. Tuy nhiên, nhờ tin vào lời hứa của Thiên Chúa mà ông được tận mắt thấy hậu
duệ mình. Cũng vậy, đức tin của dân Do-thái cũng là đức tin nhìn thấy. Họ đã
nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử của dân
tộc, đặc biệt với biến cố xuất hành (x. Ánh
sáng đức tin, s. 12). Bước sang thời kỳ Tân Ước, lắng nghe và thị giác là
hai yếu tố nền tảng của đức tin Ki-tô giáo : “Chân lý mà đức tin mở ra cho
chúng ta là chân lý được đặt trọng tâm nơi sự gặp gỡ Đức Ki-tô, chiêm ngắm đời
sống của Ngài, nhận ra sự hiện diện của Ngài. Trong ý nghĩa này, thánh Tô-ma
A-qui-nô nói về oculata fides của các
Tông đồ - đức tin nhìn thấy ! – thị giác thể lý về Đấng phục sinh. Họ nhìn thấy
Đức Giê-su phục sinh với đôi mắt và họ đã tin, có nghĩa là họ đã có thể đi vào
chiều sâu của những gì họ nhìn thấy để tuyên xưng Con Thiên Chúa, ngự bên hữu
Chúa Cha (x. Ánh sáng đức tin, s.
30). Thánh Gio-an nói nhiều về mối tương quan giữa “tin” và “nhìn thấy” này.
Chính tác giả cuốn Tin Mừng thứ 4 cũng đã xác nhận điều này qua sự kiện ngôi mộ
trống : “Ông đã thấy và đã tin” (x. Ga 20,1-10). Mặt khác, “Đức tin không chỉ
hướng nhìn về Đức Giê-su, mà còn có cái nhìn từ cách nhìn của Đức Giê-su, với
đôi mắt của Ngài : nó là biểu đạt cách nhìn của Đức Giê-su” (x. Ánh sáng đức tin, s.18).
Như
vậy, tin và nhìn thấy có tầm quan trong trong đời sống đức tin của người Ki-tô
hữu. Tin và nhìn thấy là ánh sáng cho họ không chỉ nhìn thấy Thiên Chúa qua việc
lắng nghe Lời và chiêm ngắm đời sống của Ngài, mà còn nhìn thấy Ngài qua gương
mặt người anh em. Đôi mắt lắng nghe giúp họ có tầm nhìn rộng lớn bao quát toàn
bộ chương trình của Thiên Chúa từ khởi đầu công trình tạo dựng (x. Ánh sáng đức tin, s. 29). Tin và nhìn thấy
còn mang chiều kích cộng đoàn trong việc cử hành phụng vụ và mối tương quan con
người. Trong Tông huấn Niềm vui Phúc âm
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã dành nhiều trang để nói về phụng vụ là “nơi Thiên Chúa đến viếng
thăm dân Ngài” cũng như gương mặt của Ngài được biểu lộ qua mối tương quan cộng
đoàn. Ánh sáng đức tin cho họ nhìn thấy Thiên Chúa.
Trần Văn Khuê