Các suy tư thần học Công giáo cũng như triết học Ki-tô giáo đề cao những phẩm giá con người. Vốn dĩ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người mang nơi mình những phẩm chất cao đẹp và bất khả xâm phạm. Mặt khác, vì được sinh ra từ Thiên Chúa nên con người luôn bị lôi cuốn để tìm kiếm về với Ngài dù bị tội lỗi thống trị. Con người phát xuất từ Thiên Chúa là nguồn của mọi sự thiện hảo và là Chân lý tuyệt đối, vì thế con người cũng luôn biết tìm kiếm những điều thiện hảo và chân lý trong cuộc sống như lời nguyện của Hội Thánh trong nghi thức phụng vụ : “Thiên Chúa đặt để trong trái tim con người khát vọng đi tìm chân lý”. Xác tín này bắt nguồn từ Kinh Thánh và truyền thống suy tư triết học và thần học như thánh Augustinô và Tôma Aquinô.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện tại của xã hội chúng ta hình như điều trên đây chỉ là thuần túy suy tư tri thức và sự hiểu biết được dừng lại nơi các nhà trí thức. Khoảng cách giữa những suy tư thần học và triết học về khả năng tìm kiếm chân lý và những giá trị cao siêu của con người đối với một đại bộ phận dân chúng là một khoảng cách xa vời vợi. Cách sống của nhiều người trong xã hội chúng ta nhiều khi phản ánh ngược lại với những xác tín của triết học và thần học.
Con người có khuynh hướng đam mê những dục vọng và tìm kiếm những gì thuộc về hạ giới nhiều hơn là đi tìm những giá trị siêu việt. Con người mấy thiết tha tìm kiếm những gì là chân thật, hơn nữa đó lại là những điều chân thật ngăn cản những khoái cảm ? Mặt khác, con người cũng dễ bị mê hoặc bởi các chủ thuyết không tưởng và dấn thân trong sự hoang tưởng. Trong chiều dài của lịch sử nhân loại chúng ta nhận thấy một số chủ thuyết đã đưa con người tới những lệch lạc trong đời sống ; nhiều người vẫn tin rằng mình đi theo chân lý trong những điều không tưởng.
Thực tế trên đây cho chúng ta hiểu rằng không nên quá tin vào con người như hữu thể có khẳ năng tự xác định các chân lý phổ quát và luôn biết tìm kiếm những chân giá trị. Con người có khả năng hoán cải và biến đổi, nhưng con người cần được soi chiếu và hướng dẫn bằng một năng lực ngoài nó để có khả năng chân nhận những gì là chân thật. Đó cũng là điều mà Ki-tô giáo trình bày rằng con người chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa là nguồn của mọi sự thiện hảo và là Chân lý tuyệt đối vì chính Ngài trước tiên đã mạc khải cho con người biết về Ngài.
Việc con người cần một năng lực ngoài nó để có khả năng chân nhận những gì là chân thật còn nói lên rằng con người là hữu thể thừa kế : thừa kế những giá trị truyền thống và cần được giáo dục một cách đúng đắn. Bởi lẽ, con người dễ bị lừa dối !
Trần Văn Khuê, aa
nói như cựt! Bởi lẽ con người dễ bị lừa dối. Đó ko phải là thực tại, không là thuộc tính gấn chặt với đối tượng chủ thể con người. Đó là một định kiến, một đánh giá của một vài cá nhân nào đó. Cái loại như mày còn thua cả bọn hành nghề mê tín.
Trả lờiXóa