Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

SỰ THẬT GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI

Một điều trái nghịch khôi hài là trong thế giới “phẳng” hôm nay mọi cái có thể dễ dàng được minh bạch hóa, nhưng người ta lại khó xác định sự thật. Chính vì thế mà người ta vẫn cứ ở trong cái bức tranh tối sáng và do dự xác định chắc chắn con đường đi.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sống giữa thanh thiên bạch nhật nhưng người ta lại không thể phân biệt trắng đen là do chủ thuyết tương đối. Não trạng của con người đương thời chịu ảnh hưởng một cách sâu đậm bởi chủ thuyết này. Người ta đặt vấn đề có hay chăng sự thật phổ quát duy nhất hay chỉ có những sự thật riêng lẽ. Bởi lẽ, sự thật của anh không phải là sự thật của tôi và ngược lại. Trong thế giới của chủ thuyết tương đối người ta san bằng những giá trị và những chuẩn mực chân lý. Đó là lý do làm cho nhiều người do dự khẳng định sự thật. Sự do dự này xuất phát từ tư tưởng không muốn sai lầm trong nhận định và đánh giá, cũng như tư tưởng trung dung dưới nhãn hiệu của lòng “bao dung”. Cái nguy hiểm của thái độ này khiến người ta không còn có khả năng xác định những gì là chân thật nơi cuộc sống con người.
Nguyên nhân tiếp theo làm cho con người khó khẳng định sự thật là có quá nhiều gian dối trong đời sống xã hội. Cái triết lý dân gian Việt Nam : “Thật thà ăn cháo, lếu láo ăn cơm” đang trở nên một thứ triết lý sống phi nhân văn và quá thực dụng. Triết lý sai lệch do hoàn cảnh này đang lan tỏa một cách mạnh mẽ trong xã hội ở giai đoạn tranh sáng tranh tối mà trong đó đời sống vật chất ở thế thượng phong : cần phải chiếm hữu bằng mọi giá. Đó là thứ tư tưởng : “vật chất trước tinh thần”.
Một nguyên nhân khác nữa xuất phát từ kinh nghiệm hiện sinh về những cuộc đổ vỡ trong các mối tương quan con người và xã hội. Người ta phải dè chừng với bất cứ ai và cũng không thể thổ lộ hết những gì mình suy nghĩ với hết mọi người. Người ta giữ kẽ, người ta dè chừng, người ta cẩn trọng, người che dấu và thậm chí người ta phải câm miệng vì lo sợ những rủi ro và nguy hiểm.
Khi giảng dạy cho những người Do-thái, Đức Giê-su đã khẳng định : “Sự thật giải phóng con người” (x. Ga 8,32). Ngữ cảnh của câu nói này cho chúng ta hiểu hai điều. Trước hết, sự gian dối giam hãm con người trong tội lỗi. Và khi con người bị nô lệ tội lỗi thì con người không có tự do. Thông điệp tiếp theo từ câu Tin Mừng này là chỉ có Thiên Chúa – Chân Lý trường cửu, giải phóng con người.
Thật vậy, từ cái nhìn của ý nghĩa thứ nhất, không ai có thể phủ nhận lời này là chân lý, đúng cho tất cả mọi tình huống và hoàn cảnh sống con người : chỉ có sự thật giải phóng con người. Cho dù hôm nay chúng ta nhận thấy có nhiều điều ác nơi đời sống con người, nhưng thế giới này chỉ có thể được xây dựng từ những điều thiện ; cho dù xã hội này có đầy dẫy những sự gian dối, nhưng nó chỉ có thể được đứng vững trong sự thật. Mặt khác, sự thật làm nên phẩm chất đời sống con người. Từ kinh nghiệm hiện sinh chúng ta nhận biết không có cuộc sống con người hạnh phúc nào sống trong sự gian dối, nếu không chỉ là sự bất an triền miên. “Sự thật giải phóng con người”. Nó giải phóng con người khỏi sự bất an và lo lắng trong tâm hồn.
Từ cái nhìn của ý nghĩa thứ hai trong câu nói của Đức Giê-su, cuộc sống của người Ki-tô hữu chỉ có thể trở nên viên mãn khi bắt gặp Đấng “là Đường, là Sự thật và là Sự sống”. Sự Thật tối thượng của họ chính là Thiên Chúa. Chính Ngài giải phóng con người. Vì vậy, khi được thúc đẩy bởi Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” họ sẵn sàng sống cho Sự Thật vẹn toàn.
Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét