Cách đây hai tuần (Chúa nhật, ngày 17 tháng 06 năm 2012) trang báo điện tử vnexpress.net đăng báo cáo của Quỹ Kinh Tế Mới (NEF) đánh giá Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) của năm 2012[1].
Chỉ số đánh giá dựa trên ba tiêu chí : “mức độ hài lòng với cuộc sống”, “tuổi thọ trung bình” và “dấu chân sinh thái”. Không biết mọi người đón nhận “tin vui” này như thế nào, nhưng về phần mình tôi nghi ngờ tính chính xác của bản báo cáo xếp hạng này.
Vị trí thứ hai của Việt Nam (những người hạnh phúc thứ nhì thế giới) dựa theo ba tiêu chí trên đây chắc hẳn là siêu tuởng.
Trước hết, về “mức độ hài lòng với cuộc sống”. Chưa có một cuộc thăm do dư luận chính thức nào được thực hiện tại Việt Nam để xác định “mức độ hài lòng với cuộc sống” của người dân. Quả thật, nếu có một “mức độ hài lòng với cuộc sống” của người Việt Nam vượt lên trên những quốc gia khác thì nó chỉ thuộc về một thành phần thiểu số được hưởng đặc quyền đặc lợi trong bối cảnh xã hội hôm nay. Mặt khác, nếu có hay chăng nữa ý kiến tích cực của người dân thì cũng phải nhìn nhận “mức độ hài lòng với cuộc sống” ở khía cạnh nào : có thể là người dân hài lòng hơn so với thời kỳ chiến tranh và bao cấp ? Thực tế thì nhiều người vẫn bất mãn với những bất công bằng xã hội sâu đậm, kinh tế ngày càng khó khăn và tham nhũng tràn lan trong xã hội chúng ta hôm nay.
Tiếp đến, về “tuổi thọ trung bình”. Một điều chắc chắn là tuổi thọ trung bình của người Việt Nam không thể vượt qua người dân của các nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á. Tỷ lệ người trẻ ở Việt Nam lớn hơn bất cứ quốc gia nào là một trong những yếu tố xác định về điều này. Đó là chúng ta chưa kể đến những yếu tố khác như tỷ lệ trẻ em chết sau khi sinh, tai nạn giao thông ở mức cao….
Cuối cùng, về “dấu chân sinh thái”. Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng. Nhiều người ngoại quốc ngưỡng mộ những cảnh thiên nhiên trù phú của Đất nước chúng ta. Nhưng, từ thực tế chúng ta biết Việt Nam là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. Về vấn đề này chúng ta chỉ cần tra cứu lại những đánh giá của các chuyên gia về môi trường Việt Nam thì sẽ có một cái nhìn xác thực. Hơn nữa, không cần phải có những đánh giá khoa học, bằng những quan sát thực tế với óc phê bình chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó.
Những lời trên đây không nhằm khích bác, nhưng chúng ta cần phải thực tế hơn để nhằm xây dựng Quê hương mỗi ngày một tốt. Nhiều người cho rằng một trong những sai lầm của việc giáo dục là các em học sinh của chúng ta luôn được học : “Đất nước ta giàu và đẹp, rừng vàng biển bạc.” Chính điều này vô tình đã ru ngủ những thế hệ trẻ. Điều tệ hại nhất trong tất cả những điều tệ hại là chúng ta tự ru ngủ mình trên những ảo tưởng.
Trần Văn Khuê, aa
[1] http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2012/06/nguoi-viet-hanh-phuc-thu-nhi-the-gioi/ (CN, 17/06/2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét